Khoảng cách tiêm chủng và giải pháp cộng đồng

Mỹ ngày 15/6 đã ghi nhận một cột mốc đáng buồn khi số ca tử vong do đại dịch COVID-19 ở nước này vượt 600.000 người.

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 vào một bệnh viện ở New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 vào một bệnh viện ở New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong 7 ngày trở lại đây, số ca tử vong do COVID-19 ở Mỹ trung bình là 343 người/ngày. Con số này đã giảm đáng kể so với giai đoạn đỉnh điểm của đại dịch ở Mỹ, song cao hơn khoảng 5 lần so với số người thiệt mạng trung bình hằng ngày trong các vụ va chạm ô tô. Điều đáng nói, Mỹ là một trong những quốc gia triển khai chiến dịch tiêm chủng ngừa COVID-19 hiệu quả nhất thế giới, hiện 52,5% người dân Mỹ đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine và 43,7% đã được tiêm chủng đủ.

Giới chuyên gia nhận định một trong những nguyên nhân dẫn tới “nghịch lý” này là bởi “lá chắn vaccine” chưa được chia sẻ đồng đều và công bằng trên khắp nước Mỹ, thậm chí một số người dễ bị tổn thương nhất đang bị bỏ lại phía sau

Một báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho thấy tính tới đầu tháng 6, tỷ lệ tiêm chủng trong những người sống tại các hạt được coi là dễ bị tổn thương nhất trước COVID-19 là 42%, so với 60,1% ở cư dân của các hạt ít bị tổn thương nhất. Công trình nghiên cứu trên dựa trên chỉ số tổn thương xã hội (SVI) của CDC, xếp hạng các hạt của Mỹ theo tình trạng kinh tế xã hội, thành phần hộ gia đình, thành phần chủng tộc và sắc tộc, khả năng tiếp cận phương tiện giao thông và nhiều khía cạnh khác. Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng khoảng cách tiêm chủng dựa trên SVI rõ rệt nhất ở những khu vực ngoại ô và nông thôn, và có xu hướng tồi tệ hơn theo thời gian.
Chuyên gia Vaughn Barry, một trong những tác giả chính của nghiên cứu, bày tỏ ngạc nhiên khi thấy sự chênh lệch về tiêm chủng ngày càng tăng ở Mỹ trong bối cảnh khả năng tiếp cận vaccine được mở rộng. Theo ông, điều này đã chứng tỏ tầm quan trọng của việc tiêm chủng toàn dân như biện pháp vững chắc nhất để chấm dứt đại dịch COVID-19.

Tâm lý chần chừ không muốn tiêm chủng gần như là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới khoảng cách tiêm chủng ở Mỹ. Theo một cuộc khảo sát của Tổ chức gia đình Kaiser (KFF) thực hiện vào tháng 5, có tới 24% người Mỹ ở nông thôn nói rằng họ chắc chắn sẽ không tiêm vaccine, so với 15% người ở ngoại thành và 7% cư dân thành thị,. Tiến sĩ Creshelle Nash, Giám đốc y tế của tổ chức bảo hiểm chăm sóc sức khỏe Blue Cross & Blue Shield bang Arkansas, cho biết: “Ở Arkansas, đặc biệt là các cộng đồng nông thôn, hiện tồn tại một quan niệm sai lầm rằng dịch COVID-19 có thể không ảnh hưởng đến họ hoặc dữ liệu về ca mắc hoặc tử vong do COVID-19 là không chính xác”. Điều này cho thấy dường như những thông tin tuyên truyền về tác dụng của vaccine không tới được những vùng xa xôi hẻo lánh của nước Mỹ

Điều kiện tiếp cận vaccine cũng là một vấn đề đáng nói. Các nhà nghiên cứu của Đại học Iowa chỉ ra rằng ít nhất 111 hạt ở nông thôn của Mỹ thiếu cơ sở y tế đủ điều kiện để cung cấp vaccine COVID-19 và hơn 300 hạt khác chỉ có một cơ sở như vậy. Gần 80% người Mỹ ở nông thôn sống trong các khu vực bị coi là "chưa đủ điều kiện phục vụ về y tế". Việc đặt lịch hẹn với bác sĩ để được thăm khám định kỳ là điều khó khăn ở nhiều nơi trên cả nước.

Một báo cáo mới của CDC cho thấy những người sống ở các vùng nông thôn có nguy cơ nhập viện và tử vong do COVID-19 tăng, nhưng tính đến tháng 4/2021, tỷ lệ tiêm chủng ở các vùng nông thôn vẫn tụt hậu so với các thành phố và điều đó có thể cản trở mục tiêu chấm dứt đại dịch. Mặc dù hiện tỷ lệ tiêm chủng hơn 52% dân số ở Mỹ là cao so với mặt bằng thế giới, song giới chuyên gia nhận định, vào mùa Đông tới, khi dịch COVID-19 có khả năng bùng phát trở lại, nếu muốn đạt miễn dịch cộng đồng, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ ở Mỹ cần phải được 80% dân số hoặc cao hơn và vùng nông thôn Mỹ đang tụt hậu rất xa.

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại một bệnh viện ở California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Trước tình hình này, CDC khuyến nghị các nhà lãnh đạo y tế cộng đồng cộng tác với các bác sĩ và những người có ảnh hưởng tại các vùng nông thôn để tìm giải pháp cho tâm lý do dự của người dân, đảm bảo tiếp cận vaccine công bằng và khuyến khích nhiều người hơn nữa đi tiêm chủng, tức là thông qua những giải pháp cộng đồng. Giám đốc CDC Mỹ Rochelle Walensky nhấn mạnh mục tiêu của CDC là thu hẹp những khác biệt và “đảm bảo rằng việc tiêm chủng vaccine được triển khai một cách công bằng bất kể bạn sống ở khu vực nông thôn hay thành thị”, và điều quan trọng là phải "tiếp cận với mọi người dù họ ở đâu”.

Những nỗ lực để tiếp xúc với mọi người dường như đã tạo ra sự thay đổi. Nhờ việc Chính phủ Mỹ phát triển thêm các trang web tiêm chủng liên bang do Cơ quan Quản lý khẩn cấp liên bang (FEMA) điều hành và tiếp nhận vaccine đến các trung tâm y tế cộng đồng, nhiều người da màu đã được tiếp cận vaccine và điều đó đã mang lại thành công. Trong hai tuần đầu tháng 5 vừa qua, 51% những người được tiêm chủng ở Mỹ là người da màu.

Chuyên gia Vaughn Barry lưu ý rằng việc tiêm chủng cho một nửa số người trưởng thành ở Mỹ trong vòng 5 tháng rưỡi là “tiến bộ lớn”. Giờ đây, các quan chức y tế công cộng phải giải quyết sự chênh lệch bằng cách hợp tác với các nhà lãnh đạo và nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe địa phương, mở các phòng tiêm chủng lưu động và điều chỉnh thông điệp tới cộng đồng địa phương.

Người dân được tiêm vaccine phòng COVID-19 tại New York City, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó, theo Tiến sĩ Creshelle Nash, một khía cạnh quan trọng trong việc thúc đẩy ngày càng nhiều người tiêm chủng là tiếp xúc gặp gỡ với họ ở nơi họ sinh sống. Bà nêu rõ: “Sự kết nối cộng đồng, đặc biệt là trong việc tiếp cận các nhóm dân cư chưa được tiêm vaccine, là một chiến thuật quan trọng để chống lại tình trạng do dự trước vaccine". Điều này bao gồm việc hợp tác với các tổ chức đã thiết lập được các mối quan hệ đáng tin cậy trong cộng đồng của họ, đảm bảo những người chưa được tiếp cận vaccine sẽ được tiêm chủng. Chuyên gia này cho rằng Mỹ cần phải có sự hợp tác giữa các ngành để hỗ trợ không chỉ tiếp cận vaccine công bằng mà còn phân phối công bằng các nguồn lực trong tiến trình tiêm chủng vaccine COVID-19.

Hiện nhiều biến thể nguy hiểm với tốc độ lây lan nhanh chóng như Alpha (B.1.1.7) và Delta (B.1.617.2) có thể cản trở những tiến bộ đạt được trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 ở Mỹ.

Dù nhiều loại vaccine đã được chứng minh là có hiệu quả trước những biến thể trên, tuy nhiên, giới chuyên gia vẫn cảnh báo điều quan trọng là phải tiêm phòng càng sớm càng tốt, bởi với mỗi người được tiêm vaccine, cộng đồng sẽ được bảo vệ tốt hơn trước dịch bệnh COVID-19.

Bích Hạnh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/khoang-cach-tiem-chung-va-giai-phap-cong-dong-20210616132101969.htm