Khổ sở vì đại dịch, người Philippines vẫn ngại tiêm vaccine Covid-19
Nhiều người Philippines có thái độ hoài nghi vaccine, trong khi các chuyên gia y tế khẳng định tiêm chủng là công cụ thiết yếu để chặn đứng đại dịch.
Sự leo dốc của nền kinh tế Philippines bắt đầu vào tháng 3/2020, khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte áp lệnh phong tỏa nghiêm ngặt tại thủ đô Manila và các khu vực xung quanh trong vài tháng.
Từ đó đến nay, các biện pháp giới hạn được nới lỏng hoặc siết chặt tùy theo số ca nhiễm Covid-19. Lần phong tỏa toàn quốc gần nhất được ban bố vào tháng 3 và dần được nới lỏng vào giữa tháng 5, sau khi số ca nhiễm mới mỗi ngày xuống thấp so với mức đỉnh hơn 10.000 ca.
Nhưng dù chỉ có hơn 5.000 ca nhiễm mỗi ngày, mối đe dọa từ virus vẫn còn đó. Đi đôi với virus là khó khăn về kinh tế và cái đói ám ảnh.
Với một số người dân Philippines, thức ăn là thứ ngày càng trở nên vượt quá tầm với. Một khảo sát về đói nghèo vào tháng 9/2020 của viện nghiên cứu xã hội Social Weather Stations (Philippines) cho thấy 30,7% các gia đình ở Philippines đói ăn, 8,7% chịu đói nghiêm trọng. Đây là tỷ lệ cao nhất được ghi nhận trong 20 năm trở lại.
"Bóng ma" vaccine sốt xuất huyết dengue
Chính phủ Philippines ý thức được lối thoát duy nhất ra khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay là tiêm chủng cho người dân. Nhưng công tác thuyết phục tiêm chủng đang gặp phải trở ngại lớn. Trong 108 triệu người dân Philippines, chưa đầy 1% đã được tiêm chủng đầy đủ, theo CNN.
Tuần trước, Philippines thông báo đã nhận được 8,2 triệu liều vaccine, nhưng đến nay mới 4 triệu người được tiêm chủng ít nhất 1 liều. Một số người Philippines cho biết sẽ không tiêm chủng.
Trong số 1.200 người tham gia khảo sát vào tháng 5 của viện Social Weather Stations, 68% tỏ ra không chắc chắn hoặc không sẵn sàng tiêm chủng. Lo ngại lớn nhất của họ là tác dụng phụ hoặc khả năng tử vong do vaccine. Trong khi đó, chỉ 32% trong số hàng nghìn người từ 116 quốc gia và khu vực tham gia khảo sát năm 2020 của Gallup không có ý định tiêm chủng.
Thái độ nghi ngờ vaccine là một vấn đề lớn tại Philippines. Công tác tiêm chủng chống Covid-19 tại nước này vẫn bị bóng ma của bê bối vaccine sốt xuất huyết dengue đeo bám.
Năm 2017, Philippines phải ngừng chương trình tiêm chủng diện rộng sau khi Dengavaxia - vaccine sốt xuất huyết dengue của công ty dược phẩm Sanofi Pasteur (Pháp) - bị phát hiện có hậu quả ngoài ý muốn với những bệnh nhân chưa từng nhiễm virus sốt xuất huyết.
Kết quả phân tích cho thấy người tiêm vaccine có thể ốm nặng hơn nếu bị sốt xuất huyết dengue sau khi tiêm chủng. Khi chương tình tiêm chủng bị chấm dứt, hơn 730.000 người Philippines đã được tiêm Dengavaxia.
Nỗi nghi ngờ Trung Quốc
Chính phủ Philippines triển khai chương trình tiêm chủng Covid-19 từ tháng 3 với các liều vaccine Sinovac do Trung Quốc quyên tặng, dù người dân nước này nghi ngờ vaccine từ Trung Quốc, theo Nikkei Asia.
Ngày 27/2, Hiệp hội Bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Philippine kêu gọi tiếp tục đánh giá hiệu quả vaccine Sinovac của Trung Quốc trước khi tiêm chủng cho nhân viên y tế. Hiệp hội này cho biết 95% người tham gia khảo sát ban đầu không đồng ý sử dụng loại vaccine này.
Một tuần trước đó, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Philippines đã cấp phép sử dụng khẩn cấp cho vaccine Sinovac. Nhưng cơ quan này không khuyến khích tiêm Sinovac cho nhân viên y tế tiếp xúc với Covid-19 do vaccine này chỉ có hiệu quả bảo vệ 50,4% đối với nhân viên y tế tuyến đầu tại Brazil.
Người dân Philippines cũng thiếu tin tưởng vào vaccine Trung Quốc. Theo kết quả khảo sát do OCTA Research thực hiện vào cuối tháng 2, chỉ 13% người Philippines tin tưởng vaccine Trung Quốc. Trong khi đó, con số này lần lượt là 41% và 25% đối với vaccine Mỹ và Anh.
Tâm lý trên là điều dễ hiểu khi chính tại Trung Quốc cũng từng xảy ra một loạt các bê bối vaccine. Năm 2016, một nhà cung cấp vaccine dại, viêm gan B, và cúm bị phát hiện lưu trữ số lô vaccine trị giá 88 triệu USD trong một nhà kho bỏ không tại tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc để tiết kiệm chi phí kho lạnh bảo quản, theo New York Times.
Một năm sau, nhà chức trách Trung Quốc tiếp tục phát hiện hơn 400.000 liều vaccine DPT chưa đạt tiêu chuẩn của Viện Sản phẩm sinh học Vũ Hán đã được bán ra tại tỉnh Hà Bắc và Trùng Khánh, Trung Quốc.
Năm 2018, Changsheng Biotechnology - công ty sản xuất vaccine phòng dại lớn thứ 2 tại Trung Quốc - bị phát hiện làm giả dữ liệu và vi phạm tiêu chuẩn trong lúc điều chế vaccine. Vaccine bạch hầu, ho gà, uốn ván (DPT) của Changsheng Biotechnology cũng chưa đạt tiêu chuẩn.
Để tạo niềm tin cho người Philippines, Tổng thống Duterte đầu tháng 5 tiêm vaccine Sinopharm (Trung Quốc) trước sóng truyền hình quốc gia. Tuy nhiên, động thái này phản tác dụng sau khi một số người chỉ ra rằng vaccine Sinopharm chưa được cơ quan dược phẩm quốc gia phê duyệt.
Vài ngày sau, chương trình tiêm chủng bằng vaccine Sinopharm bị ông Duterte dừng lại. Sau khi xin lỗi người dân, ông Duterte đòi trả lại 1.000 liều vaccine Sinopharm do Trung Quốc tặng, theo Philippines Star.
Ngoài Sinopharm, Philippines đã đặt vaccine từ các công ty sản xuất khác như Sinovac, AstraZeneca, Pfizer, và Sputnik. Hàng triệu liều dự kiến tới vào tháng 6, chính phủ Philippines cho biết.
Chữa Covid-19 bằng gừng và mật ong
Quan chức và nhân viên y tế tại Philippines đang dùng hệ thống thông tin công cộng để làm tăng độ đáng tin của vaccine.
Nhưng bác sĩ Mike Marasigan, cán bộ y tế thuộc Sở Y tế thành phố Quezon, cho biết nhóm khó tiếp cận nhất là những cộng đồng nghèo nhất.
“Chúng tôi vấp phải khó khăn khi tiếp cận những người ở vùng kinh tế đình trệ. Chúng tôi gặp vấn đề khi yêu cầu họ báo triệu chứng và thuyết phục họ tiêm vaccine”, ông Marasigan nói.
Letty Zambrona, thợ may về hưu 65 tuổi, cho biết sẽ không tiêm vaccine dù thuộc nhóm tuổi dễ tổn thương và mắc bệnh tiểu đường, huyết áp cao.
“Vì lo sợ tác dụng phụ nên tôi không muốn tiêm chủng”, bà Zambrona nói. “Tôi cứ nghe thấy tivi đưa tin về nghẽn mạch máu não”.
Bà Zambrona cho biết chồng mình cũng có chung thái độ với bà. Cả hai muốn thử vận may với các phương thuốc thảo mộc.
“Chúng tôi không lo lắng nếu bất ngờ có triệu chứng như vậy”, bà Zambrona nói. “Mà thực ra là họ nói hiệu quả chữa trị của gừng, chanh, và mật ong còn tốt hơn. Đó là tất cả những gì chúng tôi sẽ uống”.
Theo tiến sĩ Marasigan, một số người dân Philippines nghĩ rằng họ không thể mắc virus corona.
“Khi họ đã phơi mình trước thời tiết, trước ô nhiễm, và những thứ khác, họ nghĩ mình miễn nhiễm”, ông Marasigan nói.