Khi trạm bơm là... nhà
Tâm huyết, trách nhiệm chính là động lực để những công nhân thủy lợi bám nghề. Và càng đáng quý hơn khi không ít người tình nguyện ở lại trạm bơm, biến nơi đây thành mái ấm, coi trạm bơm là ngôi nhà thứ hai.
Vun vén cho ngôi nhà thứ hai
Gần 20 năm gắn bó với trạm bơm Đức Xương (Gia Lộc) cũng là từng đó thời gian anh Nguyễn Duy Hưng (sinh năm 1981) dành trọn công sức vun vén, chăm lo cho ngôi nhà thứ hai này. Dù nhà anh chỉ cách chỗ làm hơn 1 km nhưng trạm bơm mới là nơi ăn, chốn ở của anh Hưng. Từ lúc còn độc thân tới khi lấy vợ, sinh con, công trình thủy lợi còn nhiều thiếu thốn này đã chứng kiến những dấu mốc quan trọng trong cuộc đời anh.
Trạm bơm Đức Xương có nhiệm vụ tưới tiêu cho 100 ha lúa, rau màu của xã Đức Xương. Vì chức năng kết hợp nên công việc tại trạm có phần bận rộn, vất vả hơn. Để thuận tiện trong quản lý, vận hành, anh Hưng quyết định tới sinh sống tại trạm bơm. “Mới ngày nào tôi còn lủi thủi một mình, chấp nhận sinh hoạt thiếu thốn để trông nom trạm mà giờ đây gia đình đã đông đủ 5 thành viên”, anh Hưng cười nói.
Khu nhà điều hành của trạm bơm Đức Xương được ngăn đôi. Một bên là nơi làm việc của công nhân, phần còn lại chưa đầy 20 m2 là tổ ấm của cả gia đình anh Hưng. Dù chật chội, điều kiện sống không bằng ở nhà song gia đình anh vẫn vun vén khiến khu vực chỉ toàn máy móc, công trình khô cứng trở nên ấm áp, gần gũi hơn.
Ngày trước, khuôn viên trạm bơm Đức Xương trơ trọi, ngoài vị trí được đổ bê tông thì cỏ giăng kín lối. Từ khi anh Hưng về rồi cả nhà sống quây quần tại đây thì trạm giống như khoác tấm áo mới, sạch sẽ, đẹp đẽ hơn bởi vườn hoa, cây cảnh. Vốn có niềm đam mê với sinh vật cảnh, những lúc rảnh rỗi, anh lại nghiên cứu, tìm tòi các kỹ thuật chăm sóc, cắt tỉa để tô điểm thêm xung quanh trạm bơm. Khu đất sau nhà điều hành, anh Hưng tận dụng để nuôi gà, trồng rau cải thiện cuộc sống gia đình.
Trái ngược với hình dung của nhiều người về trạm bơm chỉ toàn tiếng động cơ vang rền, công trình bê tông cốt thép thì trạm bơm Bỉnh Di ở xã Đại Sơn (Tứ Kỳ) lại ngập tràn sắc hoa. Dưới bàn tay chăm bẵm của chị Nguyễn Thị Hiệp (sinh năm 1977), khu vực trạm bơm giống như công viên với nhiều loài hoa rực rỡ. Chị Hiệp còn nuôi một đàn chó, mèo trong nhiều năm qua. Trạm bơm có vật nuôi ngoài hạn chế được chuột bọ cắn phá còn tạo cảm giác thân thiện, gần gũi.
Quyết định ở lại trạm bơm cũng khiến chị Hiệp nhiều đêm trăn trở vì nhà cách nơi làm việc không xa. Trạm bơm có 7 công nhân thì ai cũng có nỗi lo riêng về công việc gia đình. Còn mình chị con cái đã trưởng thành, không nhiều vướng bận. Trong khi đó, làm tại trạm bơm không áp lực nhưng thời gian không cố định, lúc sớm, lúc khuya. Là công nhân vận hành trạm bơm tưới cho vùng rau màu nên chị luôn phải cơ động, nhận nhiệm vụ bất kể khi nào. Bởi vậy mà chị Hiệp xin ở lại trạm bơm để tiện cho công việc và có thời gian chăm nom, quán xuyến nơi này. Trạm bơm Bỉnh Di đổi khác từng ngày sau 4 năm chị sống tại đây. Nhanh tay chăm sóc đám rau đang lên, chị Hiệp phấn khởi nói: “Có một mình trông trạm nhưng tôi vẫn tranh thủ tăng gia sản xuất, không để hoang hóa lãng phí đất, vừa có rau sạch ăn lại vừa để cho đồng nghiệp”.
Từ ngày trạm bơm Bỉnh Di có chị Hiệp vun vén, không gian và không khí làm việc của công nhân trong trạm cũng khác hẳn. Dù có mệt mỏi, căng thẳng thì cũng được xua tan bằng đủ loại hương hoa. Quang cảnh trạm bơm trong lành, mát mẻ nên ai cũng thấy tinh thần thoải mái hơn. Chị Nguyễn Thị Thoan, Trạm trưởng trạm bơm Bỉnh Di hồ hởi khoe: “Có chị Hiệp, mỗi tấc đất tại trạm bơm đều nở hoa. Không những vậy chị còn chịu khó sưu tầm nhiều giống hoa, cây cảnh bắt mắt và đầu tư giàn, chậu để bài trí. Nhờ thế trạm bơm không còn quạnh quẽ mà ấm cúng hơn”.
Hải Dương có hơn 200 trạm bơm tưới, tiêu, tưới tiêu kết hợp thì có gần 100 trạm bơm có công nhân sinh sống. Nhờ sự chăm chút tận tâm, tận lực của những công nhân coi trạm là nhà mà những trạm bơm này không đơn thuần chỉ là nơi làm việc, nơi ở tạm bợ mà trở thành mái ấm để công nhân gắn bó, cống hiến dài lâu.
Thêm yêu nghề thủy lợi
Có chồng là bộ đội, ít được nhờ vả việc gia đình mà bản thân lại làm nghề thủy lợi vất vả nhưng chị Nguyễn Thị Thắm (sinh năm 1983, ở xã An Đức) vẫn quyết định mang theo hai con nhỏ tới sống tại trạm bơm Văn Hội, xã Văn Hội (cùng huyện Ninh Giang) từ năm 2010. Nhà cách nơi làm việc gần chục cây số nhưng vì vừa thương con, vừa trách nhiệm với nghề nên chị Thắm đã chọn sống tại trạm bơm cùng các con trong căn phòng vỏn vẹn 15 m2. Chồng đi công tác, thỉnh thoảng mới nghỉ phép, một mình chị Thắm gồng gánh việc nhà, việc trạm. Chị không thể quên những ngày đầu tiên tới sống tại trạm bơm Văn Hội. Vì trạm xa trung tâm nên mọi thứ đều bất tiện. Hơn nữa, để các con sống cùng tại trạm bơm cũng khiến chị Thắm thêm nhiều nỗi lo. Trạm ở xa khu dân cư, các con không có điểm vui chơi. Hơn nữa khu vực trạm bơm nguy hiểm với trẻ nhỏ vì có bể hút, bể xả, kênh dẫn nước, nhất là khi máy bơm vận hành. Do vậy, chị luôn phải dặn dò, nhắc nhở các con chú ý cẩn thận.
Ở cùng mẹ tại nơi làm việc, thấu hiểu được công việc mẹ đang làm nên con lớn của chị Thắm luôn chăm ngoan, đều học trường chất lượng cao tại huyện Thanh Miện. Còn đứa bé mới 4 tuổi lớn lên ở trạm bơm đã quen thuộc với tiếng máy bơm, nước đổ vào bể xả. Nam công nhân thủy lợi đã vất vả thì với nữ còn nặng gánh hơn nhiều. Song chị Thắm vẫn luôn nỗ lực để làm tốt công việc và chăm lo cho gia đình. Nơi nuôi dưỡng, che chở cho các con của chị chính là nơi chị làm việc nhiều năm, sự dung hòa giữa gia đình và công việc như tiếp thêm động lực để chị gắn bó với nghề.
Trạm bơm Văn Hội ít hoa nhưng lại xanh mát bởi vườn cây ăn quả. Vừa có thể cải tạo khuôn viên trạm bơm vừa mang lại thêm thu nhập nên chị Thắm cần mẫn vun xới hằng ngày. Với chị Thắm, trạm bơm không phải là nơi tá túc tạm bợ vì hoàn cảnh đưa đẩy mà thật sự là tổ ấm. Chị trải lòng: “Hiện tại điều kiện đã khá hơn trước song ở trạm bơm cũng không thể thoải mái như ở nhà. Thế nhưng các con tôi đã thân thuộc với nơi đây, coi trạm bơm như nhà. Nhờ vậy mà tôi an tâm, muốn cống hiến nhiều hơn cho công việc”.
Nhiều năm làm tại trạm bơm, mức lương anh Hưng nhận về chỉ hơn 4 triệu đồng/tháng song anh chưa khi nào than vãn mà vẫn tận tâm với nghề. Hai vợ chồng anh đều là công nhân thủy lợi nên càng thấu hiểu và chia sẻ cho nhau hơn. Dãi nắng, dầm mưa lăn lộn với nghề trong khi thù lao ít ỏi nhưng anh Hưng và đồng nghiệp của anh vẫn không từ bỏ, âm thầm cống hiến để góp sức tạo mùa vàng. Anh chia sẻ: “Mức thu nhập so với công sức bỏ ra không thấm tháp gì. Tuy nhiên vì trách nhiệm, vì lòng yêu nghề mà công nhân tình nguyện gắn bó. Nhất là những công nhân có thời gian sinh sống tại trạm bơm thì cảm xúc khó nói hơn nhiều”.
Hiện ngoài nguồn thu nhập từ công việc thủy lợi, gia đình anh Hưng trông chờ vào nghề tay trái của anh là chuyển giao kỹ thuật sinh vật cảnh. Câu nói đùa của anh Hưng “lấy nghề phụ nuôi dưỡng nhiệt huyết nghề chính” đủ để thấy đời sống của công nhân thủy lợi như anh Hưng, chị Thắm, chị Hiệp còn khó khăn mức nào. Hì hục mồi máy bơm, lo lắng xảy ra sự cố khi vận hành bơm liên tục, tất bật dọn dẹp để bảo đảm lòng kênh mương thông thoáng, thận trọng kiểm tra rò rỉ. Tất cả những việc đó đòi hỏi người công nhân phải tâm huyết thì mới có thể bám trụ với nghề.
Những công nhân cùng gia đình sinh sống tại trạm bơm với nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng lại chung một lý do là vì trách nhiệm với nghề. Không phải họ không có nhà để ở mà muốn được vẹn toàn giữa gia đình và công việc. Công nhân thủy lợi là nghề đặc thù, luôn phải sẵn sàng làm việc bất cứ khi nào, vì thế ở lại trạm bơm là giải pháp tối ưu. Cũng từ đó, những "gia đình trạm bơm" được hình thành. Ở nơi đó, nhờ có gia đình hậu thuẫn, những công nhân thủy lợi yên tâm hơn với nghề đã chọn, hết mình với công việc.
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/lao-dong---viec-lam/khi-tram-bom-la-nha-229890