Khi nền kinh tế Nga 'kiên cường đến ngạc nhiên'
Thời điểm Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào cuối tháng 2/2022, giới phân tích đã cảnh báo nền kinh tế Nga có nguy cơ sụp đổ, khi phải hứng chịu những lệnh trừng phạt dồn dập từ phương Tây. Tuy nhiên, sau gần 1 năm, dự báo ấy vẫn chỉ là dự báo.
Chỉ ít ngày sau khi quân đội Nga tiến vào Ukraine, nền kinh tế Nga rơi tự do. Đồng ruble mất 1/4 giá trị so với đồng USD. Thị trường chứng khoán mất 30% giá trị sau vài ngày. Các công ty phương Tây rời đi hoặc cam kết làm như vậy khi chính phủ nước họ áp đặt các biện pháp trừng phạt. Trong vòng 1 tháng, các nhà phân tích đã điều chỉnh dự báo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga trong năm 2022 từ mức giảm 2,5% xuống mức giảm 10%. Thậm chí, một số dự báo khác về triển vọng kinh tế Nga còn ảm đạm hơn, đặc biệt là khi nó đến từ các nhà phân tích phương Tây.
Tháng 3/2022, Ngân hàng JPMorgan cho rằng GDP của Nga sẽ giảm 35% trong quý 2. Goldman Sachs, ngân hàng đầu tư lớn nhất nước Mỹ khẳng định kinh tế Nga sẽ sụt giảm tồi tệ nhất kể từ khi Liên Xô tan rã. Tờ Business Insider thì không ngần ngại dùng từ "sụp đổ" để nói về nền kinh tế lớn thứ 8 thế giới.
Những nhận định này, vào thời điểm đó, được cho là "đáng tin cậy" khi nền kinh tế Nga trong thời gian dài bị cho là phụ thuộc rất lớn vào xuất, nhập khẩu. Theo một nghiên cứu trước đó của Trường Kinh tế Đại học Moscow, nhập khẩu chiếm 75% doanh số hàng tiêu dùng Nga. Trong một số lĩnh vực, tỷ lệ này thậm chí còn cao hơn, lên tới 86% như với thiết bị viễn thông. Chi phí nhập khẩu chiếm khoảng 1/5 GDP của Nga vào năm 2020, cao hơn nhiều nền kinh tế lớn có cùng trình độ phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ hay Brazil. Bất chấp những nỗ lực phát triển sản xuất nội địa của chính quyền Tổng thống Vladimir Putin những năm trước đó, tiến sĩ Janis Kluge, chuyên gia về kinh tế Nga tại Viện Các vấn đề an ninh và quốc tế Đức khẳng định: “Tham vọng của Nga ngay từ đầu đã không thực tế, vì một nền kinh tế nhỏ như Nga không thể tự sản xuất hàng hóa công nghệ cao và phức tạp. Nó chỉ đơn giản là không thể”.
Ở chiều ngược lại, nhiều mặt hàng thế mạnh của Nga bị áp đặt lệnh cấm xuất khẩu ảnh hưởng đến nguồn thu của chính phủ. Viễn cảnh đen tối cho nền kinh tế Nga được vẽ ra đầy lo lắng. Nhưng, không phải lúc nào các nhà phân tích phương Tây cũng đúng.
"Kiên cường đáng ngạc nhiên"
Cụm từ này được chính các chuyên gia kinh tế của tờ New York Times sử dụng để nói về sức sống của nền kinh tế Nga trong năm 2022 vừa qua. Trong bài viết mới nhất đăng hôm 31/1/2023, nhà báo Anna Swanson nhận định: "Thương mại của Nga dường như đã phục hồi ngang bằng với mốc trước thời điểm họ mở chiến dịch quân sự đặc biệt. Các phân tích ước tính rằng nhập khẩu của Nga có thể đã phục hồi về mức trước chiến sự hoặc sẽ sớm phục hồi".
Những nhận định của bà Anna Swanson được củng cố bởi những con số thống kê của các tổ chức quốc tế. Theo dõi của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy GDP của Nga trong năm 2022 chỉ sụt giảm 2,2% so với năm 2021, tức là không có thảm họa ghê gớm nào như phương Tây “hăm dọa”. Thậm chí, con số sụt giảm này còn thấp hơn chính những dự báo của các chuyên gia phương Tây từ trước khi cuộc xung đột Ukraine bùng phát. Còn báo cáo mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thì đánh giá nền kinh tế Nga năm 2023 sẽ tăng trưởng nhẹ 0,3%, trái ngược với dự báo trước đó suy giảm 2,3%. Điều đó có nghĩa là IMF cho rằng kinh tế Nga sẽ bắt đầu đảo chiều tăng trưởng trở lại trong năm mới 2023, bất chấp những lệnh trừng phạt của phương Tây. Hơn thế, những dự đoán của IMF còn gây bất ngờ khi cho rằng kinh tế Nga sẽ tăng trưởng với tốc độ cao hơn nhiều nước phương Tây trong năm 2024 tiếp theo ở mức 2,1%, so với mức tăng chỉ 1% của kinh tế Mỹ.
Chuyên gia kinh tế Boris Grozovski của Trung tâm Wilson thừa nhận: “Năm 2022, suy thoái kinh tế tại Nga không nghiêm trọng như dự báo". Nhà kinh tế gốc Nga này cũng bày tỏ ông cảm thấy "thú vị" với báo cáo của IMF về tăng trưởng GDP của Nga trong thời gian tới. Giám đốc nghiên cứu toàn cầu Ben May của Tổ chức tư vấn Oxford Economics thì thận trọng hơn khi cho rằng: Toàn bộ các khía cạnh bao gồm chiến dịch quân sự tại Ukraine, giá cả hàng hóa và các biện pháp trừng phạt "sẽ đặc biệt quan trọng" trong việc xác định dự báo GDP cơ bản của Nga trong 2 năm tới. Nhưng, không thể phủ nhận, kinh tế Nga đã "chống chịu tốt hơn mong đợi".
Những báo cáo của các tổ chức quốc tế gần đây cũng được đánh giá là khá trùng khớp với chỉ số thống kê của Chính phủ Nga. Phát ngôn viên của Bộ Phát triển kinh tế Nga mới đây khẳng định: "Kinh tế Nga đang tự tin vượt qua hàng rào trừng phạt của các quốc gia không thân thiện". Trước đó, Chính phủ Nga cho biết họ đã phải chịu 11.000 lệnh trừng phạt các loại của phương Tây trong năm qua, trong đó có 9 vòng trừng phạt lớn. Tuy nhiên, cuối cùng thì sự điều hành của Chính phủ Nga cũng đem lại hiệu quả. Nhà kinh tế trưởng của IMF, ông Pierre-Olivier Gourinchas đã thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn: “Một lý do chính khiến suy thoái không tồi tệ như mong đợi là Ngân hàng trung ương và các nhà hoạch định chính sách Nga đã có thể ngăn chặn cơn hoảng loạn ngân hàng hoặc khủng hoảng tài chính, khi lệnh trừng phạt lần đầu tiên được áp đặt”.
Để chống chọi với những lệnh trừng phạt này, Chính phủ Nga đưa ra các gói hỗ trợ cho người dân, thúc đẩy sản xuất trong nước, tăng cường hoạt động thương mại với các đối tác ngoài phương Tây. Cộng thêm những yếu tố bên ngoài như việc giá dầu lên cao thúc đẩy tài khoản vãng lai của nước Nga trong năm 2022 lập kỷ lục mới với 227,4 tỷ USD, tăng 86% so với năm 2021, nền kinh tế Nga vẫn trụ vững. Những yếu tố này khiến nhà báo của tờ New York Times phải thừa nhận: "Nền kinh tế Nga đã chứng tỏ khả năng phục hồi đáng kinh ngạc, đặt ra câu hỏi về hiệu quả của các biện pháp trừng phạt của phương Tây".
Thế độc quyền bị phá vỡ
Trong khi nền kinh tế Nga cho thấy những dấu hiệu tích cực trở lại sau gần 1 năm xung đột, thì ngược lại, các câu hỏi tiếp tục được đặt ra về sức mạnh và sự thống nhất của phương Tây.
Một nghiên cứu của Đại học St. Gallen cho thấy: Ít hơn 9% các công ty có trụ sở tại Liên minh châu Âu và Nhóm 7 quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) đã thoái vốn khỏi một trong các công ty con của họ ở Nga. Điều đó có nghĩa là còn hơn 90% các công ty của phương Tây vẫn duy trì hoạt động tại Nga, bất chấp các lệnh cấm từ chính phủ của họ. Ngay các chính phủ cũng gặp khó trong việc tìm đối tác thay thế cho Nga trong những mặt hàng thiết yếu như năng lượng hay lương thực. Trong khi nhiều quốc gia phương Tây quyết liệt loại bỏ dầu khí của Nga ra khỏi danh mục nhập khẩu, vẫn có những quốc gia khác tiếp tục dựa vào nguồn cung này. Một báo cáo mới nhất cho thấy lượng dầu của Nga được vận chuyển bởi các tàu của phương Tây đã tăng 15% kể từ khi lệnh áp trần giá dầu Nga được áp dụng từ tháng 12/2022.
Việc đánh mạnh vào các sản phẩm dầu khí Nga - vốn chiếm đến 45% nguồn thu của nền kinh tế - tưởng chừng sẽ đem lại hiệu quả thì lại dần phản tác dụng. Thống kê cho thấy, bất chấp lệnh cấm của phương Tây, xuất khẩu dầu của Nga vẫn tăng 7,5% lên 242 triệu tấn trong năm 2022. Các đối tác như Trung Quốc, Ấn Độ và cả Thổ Nhĩ Kỳ đã thay thế Liên minh châu Âu (EU) trở thành nhà nhập khẩu lớn của Nga. Những lệnh cấm đẩy giá dầu lên cao càng làm cho các đối tác cũ của phương Tây xích lại gần Nga trong những toan tính lợi ích.
Mặt khác, chính những lệnh cấm nghiêm ngặt cũng góp phần đẩy dần các công ty phương Tây khỏi thị trường dầu mỏ và thúc đẩy một quá trình “phi USD hóa” trong giao dịch dầu mỏ sang hệ thống tài chính đa tiền tệ, phá vỡ thế độc quyền của phương Tây trong mặt hàng thiết yếu này. Những diễn biến tương tự cũng xuất hiện trong các giao dịch thương mại lớn có sự tham gia của Nga như lương thực hoặc khoáng sản. Cuối cùng, các nước phương Tây dường như cũng sẽ phải hứng chịu thiệt hại lâu dài, trong cuộc chiến kinh tế mà họ phát động.
Để “đánh gục” hoàn toàn nền kinh tế Nga, có lẽ, đã đến lúc phương Tây cũng phải đánh giá lại các chiến lược, xác định lại các mục tiêu và tìm kiếm những cách tiếp cận mới, nhằm tránh nguy cơ “lưỡng bại câu thương”...