Khi hòn đảo hẻo lánh trở thành căn cứ quan trọng của Mỹ

Một hòn đảo từng nằm trong các chiến dịch quân sự của Mỹ hồi Thế chiến 2 nay trở thành một căn cứ giá trị trong chiến lược khẳng định sức mạnh Mỹ ở Thái Bình Dương.

Đảo Wake dường như “ngủ đông” trong một thời gian dài, nhưng mọi chuyện thay đổi kể từ khi quân đội Mỹ quyết định biến nơi đây trở thành một trong những căn cứ quân sự tiềm năng trong chiến lược dịch chuyển mối quan tâm đến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Mỗi ngày, máy bay quân sự hạ cánh tại đây để tiếp tế nhiên liệu hoặc để chuyển hàng hóa. “Nhiệm vụ của chúng tôi là bảo đảm hoạt động cho hơn 400 máy bay đến đây mỗi năm”, Đại úy không quân Marc Bleha nói.

Khẳng định sức mạnh Mỹ

Đảo Wake ở vị trí cách Hawaii khoảng 3.500 km về phía Tây. Bốn binh sĩ đóng quân trên đảo để duy trì sự hiện diện quân sự, trong khi hơn 80 người khác là chuyên viên hợp đồng để vận hành nhịp sống ở Wake. Nhờ vào lịch sử quân sự hào hùng hơn 100 năm của đảo và sự thay đổi chiến lược trong khu vực mà một lần nữa hòn đảo ở vị trí hẻo lánh nhất thế giới tiếp tục khẳng định giá trị đối với chiến lược của quân đội Mỹ.

Vị trí đảo Wake. Ảnh: NPS.gov.

Trong bối cảnh Trung Quốc đẩy mạnh hiện đại hóa quân đội và đặc biệt là hải quân, mong muốn thúc đẩy sự hiện diện xa hơn trên Thái Bình Dương; chính sách “Nước Mỹ trước tiên” của Tổng thống Donald Trump khiến nhiều ý kiến lo ngại Mỹ dường như không còn quá quan tâm đến những gì xảy ra ở khu vực này.

“Hiển nhiên không thể nghĩ như vậy”, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Tướng Joseph Dunford, nói với báo chí khi ông đến thăm đảo Wake hồi tháng trước. Đây là một điểm đến trong chuyến công du của ông đến Thái Bình Dương.

“Nếu các bạn nhìn vào tình hình về các mối liên minh với Mỹ trong khu vực hiện nay, đó là bằng chứng phản ánh sự thật hơn là lo sợ về một sự suy yếu ở Thái Bình Dương. Chúng tôi có lợi ích lâu dài tại đây, những cam kết và một sự hiện diện lâu dài”, Tướng Dunford nói.

Sự hiện diện này, theo lời Tướng Dunford, rất dễ nhận thấy trên bản đồ, bao gồm các cơ sở quân sự trên đảo Wake đến đảo Guam và một loạt các căn cứ khác của Mỹ ở Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nơi khác.

Đại úy Bleha trao đổi với Tướng Dunford khi ông đến thăm cơ sở trên đảo Wake hồi tháng 2. Ảnh: Defense.gov.

Trong Thế chiến 2, đảo Wake có vai trò lịch sử quan trọng khi chứng kiến một trong những cuộc tham chiến đầu tiên của Mỹ, khi thủy quân lục chiến Mỹ phản kích lính Nhật chỉ vài ngày sau vụ Trân Châu Cảng bị đánh bom.

Sau hơn nửa thế kỷ, đảo Wake ngày nay tiếp tục đóng vai trò quan trọng hơn đối với chiến lược phòng thủ Mỹ trong bối cảnh châu Á ngày càng căng thẳng. Hòn đảo được quyết định là nơi ngăn chặn một vụ tấn công bằng tên lửa đạn đạo từ Triều Tiên. Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ đang tận dụng các cơ sở ở đây để kiểm tra năng lực của hệ thống đánh chặn tên lửa, với mục đích hủy diệt mọi tên lửa khác muốn tấn công vào lục địa Mỹ.

Tăng cường hiện diện quân sự

Trong khi chính quyền Trump lo ngại về mối đe dọa chủ chốt từ Triều Tiên, các đồng minh và đối tác của Mỹ quan tâm nhiều hơn đến nguy cơ đụng độ với Trung Quốc. Trong một năm qua, Bắc Kinh gia tăng mạnh tần suất hoạt động của không quân và hải quân ở vùng Tây Thái Bình Dương, gần các địa điểm nhạy cảm như đảo Đài Loan (Trung Quốc) và Nhật Bản.

Tần suất hoạt động của hải quân và không quân Trung Quốc năm 2016 và 2017. Ảnh: Bloomberg.

Trong bối cảnh này, theo chiến lược quốc phòng mới của Mỹ hướng về khu vực mở rộng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mà Australia, một thành viên trong “Tứ giác Kim cương", ngày càng khẳng định vị thế quan trọng. Cuối tuần qua, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Marise Payne trông báo nước này chuẩn bị tiếp nhận 1.587 lính thủy quân lục chiến Mỹ, con số cao kỷ lục từ trước đến nay.

Bộ trưởng Payne cho biết những binh sĩ Mỹ này sẽ tham gia các khóa tập huấn kéo dài 6 tháng tại một địa điểm ở miền Bắc Australia trong khuôn khổ Sáng kiến Lực lượng (FPI). “Quân đội Mỹ đóng vai trò quan trọng trong duy trì an ninh và ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Sáng kiến này là một thành phần quan trọng đạt được mục đích trên trong những thập kỷ tới”, bà Payne nói.

FPI lần đầu được công bố vào năm 2011 như một phần trong chính sách xoay trục, tái cân bằng của chính quyền Mỹ khi đó. Dưới chính quyền Trump, nó trở thành một trong những công cụ chính để chứng tỏ cam kết của Mỹ với khu vực; khi Tổng thống Trump và đội ngũ cố vấn quân sự của ông tỏ ra sẵn sàng đối đầu với những kế hoạch gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc.

Binh sĩ Mỹ trong một cuộc tập trận chung với lực lượng Australia hồi tháng 6/2017. Ảnh: Reuters.

Ngoài một lực lượng hùng hậu chuẩn bị tới Australia trong tháng này theo chương trình FPI, Mỹ còn đưa đến 8 máy bay MV-22 Osprey, sáu khẩu pháo M777 Howitzer. Lực lượng Mỹ cũng có kế hoạch phối hợp diễn tập với các nước trong khu vực, bao gồm một số nước có liên quan đến tranh chấp trên Biển Đông như Philippines, Malaysia, Indonesia… và Nhật Bản, đối thủ chiến lược của Trung Quốc trong khu vực.

Một động thái khác thể hiện quan điểm của chính quyền Trump chính là quyết định bổ nhiệm Đô đốc Harry Harris, chỉ huy lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương và vốn là người có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc, để trở thành đại sứ mới ở Australia.

“Trung Quốc đang tận dụng hiện đại hóa quân đội, các hoạt động gây ảnh hưởng và chính sách kinh tế đe dọa để cưỡng ép các nước chấp nhận việc lập lại trật tự ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương theo hướng có lợi cho Bắc Kinh”, Đô đốc Harris phát biểu tại một phiên điều trần ở Thượng viện vào giữa tháng 3.

Theo ông Harris, Australia chính là nơi thể hiện rõ nhất của cái gọi là “sự ảnh hưởng của Trung Quốc”, từ chính trị, giới khoa học, truyền thông… Tuy nhiên, vị đô đốc khẳng định Australia chính là "một trong những đối tác chủ chốt để duy trì trật tự thế giới dựa trên luật lệ”.

Mô phỏng tên lửa DF-21D diệt tàu sân bay Mỹ Tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D của Trung Quốc với tầm bắn hơn 1.450 km được mệnh danh là sát thủ diệt tàu sân bay Mỹ.

Minh Anh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/khi-hon-dao-heo-lanh-tro-thanh-can-cu-quan-trong-cua-my-post829212.html