Khi giá xăng tăng...
Xăng, dầu là một trong những mặt hàng liên quan mật thiết tới cả chính sách điều hành vĩ mô lẫn đời sống dân sinh hằng ngày của người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Bởi thế, mọi biến động của giá xăng, dầu đều nhận được sự quan tâm đặc biệt của cả người dân, doanh nghiệp, các nhà quản lý và chuyên gia, nhà nghiên cứu. Tại Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV, vấn đề giá xăng cũng thu hút sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu Quốc hội.
Là một nền kinh tế thị trường, Việt Nam khó có thể lạm dụng các biện pháp can thiệp quá mạnh của Nhà nước vào giá cả của xăng, dầu để duy trì giá xăng, dầu thấp hơn các nước xung quanh. Chúng ta đã từng chứng kiến nhiều lần xăng, dầu thẩm lậu qua biên giới khi Việt Nam cố gắng duy trì giá xăng, dầu thấp hơn giá thị trường chung. Đó là điểm bất hợp lý khi Nhà nước phải bỏ ra rất nhiều tiền, chấp nhận hụt thu khoản ngân sách rất lớn bằng việc cắt, giảm các loại thuế, phí liên quan để không ít cá nhân trong, ngoài nước trục lợi.
Xăng, dầu là mặt hàng phổ thông, là chi phí đầu vào của nhiều loại hàng hóa, nhưng chiếm phần rất nhỏ trong tổng chi phí sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thiết yếu (trừ một số mặt hàng thực phẩm đặc biệt như hải sản đánh bắt xa bờ...). Ngược lại, xăng, dầu lại chiếm số tuyệt đối rất cao trong chi tiêu của người giàu (đi xe ô tô, chạy máy phát điện...) và là chi phí đầu vào của nhiều mặt hàng công nghiệp không phải là hàng thiết yếu, trong đó có những mặt hàng cao cấp phục vụ tầng lớp giàu trong xã hội. Do vậy, nếu Nhà nước cố gắng duy trì mức giá xăng, dầu quá thấp thì người nghèo được hưởng lợi rất ít, còn tầng lớp giàu lại được hưởng lợi hơn rất nhiều. Đó là sự bất hợp lý trong phân bổ nguồn lực.
Giá xăng, dầu tăng không chỉ kéo theo chi phí sản xuất, kinh doanh hàng hóa tăng ở Việt Nam mà nó còn là vấn đề chung của hầu hết các nền kinh tế trên thế giới. Khi Nhà nước duy trì giá xăng, dầu quá thấp, chi phí đầu vào sản xuất hàng hóa cũng sẽ thấp hơn các nước có cùng trình độ phát triển, dẫn tới giá cả hàng hóa thấp hơn. Điều này khiến cho hàng Việt Nam có nguy cơ bị kiện bán phá giá, bị áp mức thuế suất cao bất thường từ các thị trường lớn. Giá xăng, dầu thấp, trong trường hợp này lại gây hại rất lớn cho doanh nghiệp, người dân.
Do vậy, duy trì điều hành giá xăng, dầu theo thị trường có sự điều tiết nhẹ từ các biện pháp như nước ta đang thực hiện, quả thực là cách hợp lý nhất.
Cố nhiên, khi giá xăng, dầu trong nước cao hơn một số nước trong khu vực, nhất là những nước có trình độ phát triển ngang bằng hoặc cao hơn Việt Nam thì chúng ta cũng cần nghiêm túc phân tích, đánh giá những điểm hợp lý, bất hợp lý để học hỏi hoặc rút kinh nghiệm. Nếu chi phí bán hàng, chi phí bảo quản, vận chuyển hàng hóa quá cao thì chúng ta cần tìm giải pháp giải quyết, đưa các chi phí về mức hợp lý, tránh làm đội giá bán xăng, dầu.
Khi các chi phí đã được đưa về mức hợp lý nhất, có lẽ chúng ta chỉ nên duy trì thường xuyên hoạt động của quỹ bình ổn giá xăng, dầu, không nên quá lạm dụng công cụ thuế để bảo đảm giá xăng, dầu trong nước không bị chênh lệch quá cao với mặt bằng giá xăng, dầu chung trên thế giới (quá cao hơn hay quá thấp hơn đều không tốt, xét về nhiều mặt). Thay vì giảm thuế, phí để giảm giá xăng, dầu giúp người giàu được hưởng lợi nhiều, nếu duy trì thu thuế, phí xăng dầu hợp lý và khoản ngân sách thu được từ phần đáng lẽ không thu được do giảm thuế, phí ấy dùng để hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển, hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người có thu nhập thấp để bảo đảm an sinh xã hội thì sẽ tốt hơn rất nhiều!
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/khi-gia-xang-tang-696376