Khi doanh nghiệp dệt may làm bất động sản

Có tới 4/6 cổ phiếu dệt may trong danh mục khuyến nghị của VCBS đang phát triển các dự án bất động sản. Đây được coi là hướng đi mới cho những doanh nghiệp đầu ngành như TNG, VGT, GIL hay ADS.

CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (Mã CK: TNG) vừa thông báo về ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền nhận cổ tức đợt 1 năm 2021 bằng tiền, tỉ lệ 4% (mỗi cổ phiếu được nhận 400 đồng). Ngày thanh toán là 24/1/2022.

Thông báo được phát đi ít ngày sau khi TNG công bố kết quả kinh doanh tháng 11/2021, với doanh thu đạt 433,9 tỉ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận sau thuế ở mức 20,6 tỉ đồng, gấp 2,6 lần cùng kỳ tháng 11/2020. Lũy kế 11 tháng đầu năm 2021, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của TNG lần lượt đạt 4.976,5 tỉ đồng và 213,9 tỉ đồng.

Được biết, trong năm 2021, TNG đã đưa vào hoạt động nhà máy Võ Nhai 2 (20 chuyền may), dây chuyền bông số 3, nhà máy Sông Công mở rộng (16 chuyền may) và Phú Bình mở rộng (16 chuyền may). Công ty này dự kiến sẽ xây dựng dự án nhà máy Đồng Hỷ 2 (50 chuyền may) và đưa vào hoạt động từ 2023; dự án Đại Từ 2 (32 chuyền may) dự kiến đi vào hoạt động từ 2024.

Bên cạnh lĩnh vực may mặc, mảng bất động sản của TNG cũng nhận được nhiều sự kỳ vọng.

Tại AGM 2021, ĐHĐCĐ đã phê duyệt phương án phát hành 20 triệu cổ phần và/hoặc 300 tỉ đồng trái phiếu không chuyển đổi để công ty tái cơ cấu lại nguồn vốn và bổ sung vốn cho các dự án bất động sản.

Để triển khai loạt dự án bất động sản có tổng mức đầu tư lên tới 14.135,4 tỉ đồng, nhu cầu vốn của TNG trong giai đoạn 2021 - 2025 là rất lớn.

Riêng trong năm 2021, nhu cầu vốn cho các dự án bất động sản ở mức 739,2 tỉ đồng, chủ yếu là cho Cụm công nghiệp Sơn Cẩm 1 (430,2 tỉ đồng, trong đó chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng là 300 tỉ đồng); góp vốn dự án Khu đô thị mới, văn hóa thể thao phục vụ công cộng Núi Ngọc (147 tỉ đồng) và dự án Khu đô thị Núi Cốc Escape (100 tỉ đồng).

Nhìn sang năm 2022, dự án Khu đô thị Núi Cốc Escape sẽ tiếp tục là tâm điểm đầu tư của TNG với nhu cầu vốn dự kiến là 600 tỉ đồng.

Diễn biến giá cổ phiếu của một số doanh nghiệp dệt may so với VN-Index (Nguồn: Tradingview)

Tương tự TNG, CTCP Sản xuất Kinh doanh xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Mã CK: GIL) cũng đang triển khai những dự án bất động sản khu công nghiệp (KCN), nổi bật là dự án KCN Phú Bài 4 tại tỉnh Thừa Thiên Huế với tổng mức đầu tư 2.614 tỉ đồng.

Ngày 1/12/2021, HĐQT GIL đã thông qua hồ sơ chào bán cổ phiếu riêng lẻ, đồng thời thông qua phương án sử dụng 588 tỉ đồng dự kiến thu được từ đợt chào bán này. Theo đó, GIL sẽ dành ra 126 tỉ đồng để đầu tư vào CTCP Đầu tư Mỹ Khang (80 tỉ đồng) và CTCP Bất động sản Hưng Khang (46 tỉ đồng).

Một doanh nghiệp dệt may khác là CTCP DamSan (Mã CK: ADS) cũng rót vốn đầu tư vào mảng bất động sản khu công nghiệp. Công ty này mới đây đã được UBND tỉnh Thái Bình chấp thuận chủ tưởng mở rộng Cụm công nghiệp (CCN) Anh Ninh thêm 25ha, nâng tổng diện tích lên 75ha.

Bên cạnh đó, ADS còn đang phát triển các dự án CCN Vũ Ninh và CCN xã An Bồi, để nâng tổng quỹ đất khu công nghiệp lên 164ha.

Dù được kỳ vọng là hướng đi mới, nhưng cũng cần phải nhấn mạnh rằng ngành bất động sản là lĩnh vực thâm dụng vốn, cần nguồn lực đầu tư dài hạn và bài bản, trong khi mảng dệt may – lĩnh vực kinh doanh truyền thống của các doanh nghiệp nêu trên - lại có yếu tố nhạy cảm với chu kỳ kinh tế./.

Nguyễn Ánh

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/khi-doanh-nghiep-det-may-lam-bat-dong-san-post153143.html