Khen Trương Ngọc Ánh hết lời, Daniel K. Winn U60 giàu có vẫn làm 16 tiếng/ngày

Nhân dịp giới thiệu phim 'Chrysalis - Chiếc kén' về cuộc đời mình, họa sĩ người Mỹ gốc Việt Daniel K. Winn trải lòng về công việc và cuộc sống hiện tại.

Điều hành nhiều doanh nghiệp, làm việc 14-16 tiếng/ngày

- Vì sao anh quyết định làm bộ phim "Chrysalis - Chiếc kén" về cuộc đời mình?

Tôi tin điện ảnh có khả năng truyền tải tốt nhất câu chuyện về cuộc đời mình.

Tuổi thơ bên bà ở Sài Gòn, ai cũng nghĩ tôi khổ vì nghèo quá, ngày nào cũng lo kiếm miếng ăn nhưng tôi luôn muốn trở về những ngày đó. Những ngày vô tư, hồn nhiên và bà vẫn còn ở đây.

Bộ phim cũng giúp ích cho bộ môn tôi đang theo đuổi. Khán giả xem xong sẽ hiểu vì sao tôi có phong cách hội họa, điêu khắc như hiện tại. Cuộc đời nhiều thăng trầm tạo nên nghệ thuật của tôi.

- Anh đã chi bao nhiêu tiền cho bộ phim này?

Tôi muốn làm một tác phẩm điện ảnh thực thụ để dự thi các liên hoan phim chứ không kiếm lời từ phòng vé. Phim này nếu làm hoàn toàn tại Mỹ, chi phí ước tính 30-40 triệu USD.

May mắn, tôi gặp được Jordan Schulz - một đạo diễn điện ảnh Hollywood lại rất hiểu tôi. Vì quan hệ thân tình, anh ấy chỉ lấy chi phí tượng trưng. Trương Ngọc Ánh cũng báo cho tôi giá rất đẹp.

Daniel K. Winn tại buổi công bố phim "Chrysalis - Chiếc kén".

Daniel K. Winn tại buổi công bố phim "Chrysalis - Chiếc kén".

Trước đây, tôi từng làm 2 phim ngắn với thời lượng 20 phút, giành được giải thưởng. Phim này được đầu tư cao hơn, chất lượng cũng tốt hơn khoảng 5 lần, tôi tin có thể thắng một số giải thưởng.

- Hiện tại, công việc của anh là gì?

Hồi tôi là sinh viên y tại Đại học California, bà mất. Trước khi ra đi, bà nói cuộc đời ngắn lắm, hãy làm điều khiến mình vui vẻ, hạnh phúc. Nhờ vậy, tôi theo đuổi đam mê hội họa, điêu khắc và đạt được thành công.

Ngoài ra, tôi đang điều hành 1 công ty đại diện cho hàng chục họa sĩ, nhà điêu khắc và 1 công ty sản xuất phim.

Tôi rất bận, làm việc trung bình 14-16 tiếng/ngày và không nghỉ ngày nào trong tuần. Những ngày quay phim, tôi phải dậy từ 6h sáng và trở về lúc 0h hôm sau.

- Làm thế nào để anh từ sinh viên trường y có thể mở phòng tranh đầu tiên?

Trong tự truyện, tôi đề cập giai đoạn này khá chi tiết. Sau khi bà mất, tôi bỏ học trường y, sống như người vô gia cư trong một chiếc xe với điều kiện rất tệ trong 3 năm.

Suốt thời gian đó, tôi làm đủ công việc như: bán burger, bán pizza, công nhân vệ sinh... đến khi vào làm tại một phòng bán dụng cụ vẽ và khung tranh. Nhờ làm ở đây, tôi có thể mua cọ, màu và khung vải bố với giá rẻ.

Nam họa sĩ đi lên từ khó khăn.

Nam họa sĩ đi lên từ khó khăn.

Những bức tranh đầu tiên, khoảng năm 1989-1990, tôi bán ngoài đường với giá 100 USD.

Sau khoảng 10 năm làm việc chăm chỉ, tôi tích cóp được một khoản tiền. Tôi cũng quen thân 1 người có óc kinh doanh nên cùng nhau mở 1 phòng bán khung tranh và 1 phòng triển lãm nhỏ.

Lúc này, tôi bắt đầu xuất hiện trên các tờ báo. Nhờ marketing, giá tranh và tượng của tôi ngày càng tăng.

Bí ẩn tước Hiệp sĩ

- Hoạt động từ thiện của anh tại Việt Nam thế nào?

Tôi duy trì các hoạt động như đấu giá từ thiện các tác phẩm nghệ thuật, đóng góp cho các tổ chức từ thiện chuyên nghiệp ở Mỹ. Tôi chưa thống kê chính xác nhưng số tổng tiền trong 10 năm khoảng hơn 10 triệu USD.

Ở Việt Nam, tôi có trợ lý riêng phụ trách việc mua quà, nhu yếu phẩm để trao cho các mái ấm từ thiện. Tôi cũng từng làm việc với các quỹ như Project Vietnam, Hope nhằm giúp đỡ trẻ em bị sứt môi, hở hàm ếch hoặc bệnh tim bẩm sinh.

- Danh hiệu Hiệp sĩ của anh có ý nghĩa gì?

Năm 2018, trong một sự kiện đấu giá từ thiện, một người đàn ông cho trợ lý mời tôi ăn trưa. Trong bữa ăn, anh ta hỏi tôi rất nhiều điều về sự nghiệp, cuộc đời và hoạt động từ thiện.

Daniel K. Winn đời thường.

Daniel K. Winn đời thường.

Sau đó, anh ta nói sẽ tiến cử tôi với bố là Hoàng tử Waldemar Stephen zu Schaumburg-Lippe (gia tộc quý tộc từng cai trị Công quốc Schaumburg-Lippe giai đoạn 1647-1918, nay thuộc lãnh thổ Cộng hòa Liên bang Đức. Hoàng tử Waldemar Stephen là người đứng đầu nhánh Nachod của gia tộc, ngoài ra cũng có quan hệ huyết thống với hoàng gia Đan Mạch - PV) trao danh hiệu Hiệp sĩ.

Do bất ngờ, tôi hỏi 1 câu hơi bất lịch sự: "Tôi phải trả bao nhiêu tiền cho danh hiệu này?". Anh ta nghiêm mặt nói danh hiệu này không thể mua bằng tiền.

Khoảng 6-7 tháng sau, Hoàng tử Waldemar Stephen zu Schaumburg-Lippe và vợ sang Mỹ, tổ chức buổi trao danh hiệu quy tụ hàng trăm người, báo chí đến rất đông.

Kể từ đó, tên tôi luôn kèm danh hiệu này là Sir Daniel K. Winn, thường dùng trong các hoạt động thiện nguyện. Nhờ danh hiệu này, tôi làm từ thiện dễ dàng hơn, giảm khá nhiều giấy tờ, thủ tục tại các tiểu bang hoặc quốc gia xa lạ.

Dù vậy, tôi không quá chú trọng nó. Bạn có thể gọi tôi là "Sir" (Ngài - PV) hay bất cứ cách nào mình muốn.

- Anh có kế hoạch gì sắp tới?

Tôi muốn đưa nghệ thuật hội họa, điêu khắc vào bộ phim tiếp theo. Tôi cũng đang ấp ủ tổ chức một triển lãm điêu khắc tại quê hương.

Hiện tại, tôi mới 59 tuổi thôi, còn rất trẻ. Có thể khoảng năm 80 tuổi, tôi sẽ về Việt Nam làm giám đốc sáng tạo, cố vấn nghệ thuật.

Diễn viên Kiều Chinh và bé Uy Nhân tái hiện tuổi thơ của họa sĩ Daniel K. Winn bên bà nội

Ảnh: NVCC

Gia Bảo

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/hoa-si-daniel-k-winn-tuoi-u60-giau-co-duoc-phong-danh-hieu-hiep-si-2393208.html