Khát vọng 'phủ xanh Việt Nam', doanh nghiệp coi trọng tiêu chí ESG

'Các doanh nghiệp lớn đều tích hợp tiêu chí ESG trong quá trình phát triển và đây là cuộc chơi bắt buộc với các doanh nghiệp nếu muốn đi dài hơi', Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ.

Tăng trưởng xanh là xu thế cấp thiết

Phát biểu tại hội thảo “Tìm động lực tăng trưởng từ ESG” do Báo Đầu tư phối hợp với Công ty TNHH Hệ thống và Giải pháp WBS tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, thúc đẩy tăng trưởng xanh là một xu thế cấp thiết, là động lực để tăng trưởng kinh tế, là then chốt nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

ESG - bao gồm môi trường (environmental), xã hội (social) và quản trị (governance) đang dần trở thành chiến lược phát triển của doanh nghiệp nhằm hướng đến tăng trưởng bền vững và đóng góp tích cực cho môi trường, kinh tế và xã hội.

Doanh nghiệp chung tay 'phủ xanh Việt Nam'

Doanh nghiệp chung tay 'phủ xanh Việt Nam'

Tổng giám đốc GSM toàn cầu Công ty cổ phần Di chuyển Xanh và Thông minh (GSM) CEO Nguyễn Văn Thanh chia sẻ, ngay từ đầu GSM đã định vị thương hiệu của mình là "Xanh" như một bước đi tiên phong trong lĩnh vực giao thông xanh, việc này phù hợp với xu thế chung của thế giới cũng như định hướng của Chính phủ Việt Nam khi cam kết Net Zero đến năm 2050 tại COP26.

Theo ông Thanh, sau 1 năm hoạt động, doanh nghiệp đã có hơn 33 đối tác, 50.000 phương tiện điện hiện diện trên 40 tỉnh thành phố, giảm hơn 52.000 tấn CO2. Xanh SM là nền tảng cung cấp phức hợp 100% thuần điện đầu tiên tại Việt Nam.

Vị này cho hay, Xanh SM sẽ phấn đấu phủ xanh Việt Nam cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Cụ thể, Xanh SM nỗ lực có mặt tại 60 đến 63 tỉnh, thành phố trong năm 2024, góp phần giảm hơn 52.000 tấn C02, tương đương 860 ha rừng trồng 2,6 triệu cây xanh quang hợp hấp thụ trong vòng 1 năm (đây là tính toán dựa trên tổng số km Xanh SM đi và quy đổi sang số cây xanh do một bên độc lập tiến hành). Giao thông xanh là xu hướng tất yếu không thể đi ngược được.

Trong hành trình tăng trưởng xanh, ESG là bộ tiêu chuẩn đo lường, đánh giá phát triển bền vững của doanh nghiệp. Sau đại dịch Covid-19 nhóm cổ phiếu ESG liên tục tăng trưởng tốt, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, ESG là cuộc chơi mới về trách nhiệm của doanh nghiệp với xã hội.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngoài lợi nhuận doanh nghiệp còn phải quan tâm đến môi trường xã hội bởi các doanh nghiệp lớn hiện nhận ra rằng thúc đẩy và tăng trưởng ESG là để phát triển bền vững, có lợi ích lâu dài cho cổ đông, cộng đồng vì vậy họ luôn coi trọng ESG khi có muốn một quyết định đầu tư.

“Các doanh nghiệp lớn đều tích hợp tiêu chí ESG trong quá trình phát triển và đây là cuộc chơi bắt buộc với các doanh nghiệp nếu muốn đi dài hơi”, Thứ trưởng nói.

Theo Thứ trưởng, hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang tập trung xây dựng, hoàn thiện và trình cấp có thẩm quyền bộ tiêu chí phân loại xanh quốc gia. Đây là khuôn khổ pháp lý rất quan trọng để triển khai mục tiêu tăng trưởng xanh, là cơ sở để các bộ, ngành và địa phương lựa chọn các dự án đầu tư, để phân bổ các nguồn lực trong nước và quốc tế, phân bổ nguồn tín dụng xanh và nhất là để các nhà đầu tư có thể đối chiếu các tiêu chí có thể tiếp cận chính sách ưu đãi đầu tư, cũng như nguồn tài chính xanh từ các tổ chức.

Hội thảo “Tìm động lực tăng trưởng từ ESG” tổ chức ngày 23/5. Ảnh: Hồng Khanh

Hội thảo “Tìm động lực tăng trưởng từ ESG” tổ chức ngày 23/5. Ảnh: Hồng Khanh

Yếu tố then chốt trong thực hiện ESG

Nêu ý kiến về thực hiện mục tiêu ESG tại hội thảo, ông Matthew Smith, Giám đốc nghiên cứu, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cũng cho rằng, trong bối cảnh đầu tư hiện nay, các yếu tố ESG không còn là tùy chọn, chúng trở thành yếu tố thiết yếu.

Theo ông Matthew Smith, yếu tố “G” trong ESG - quản trị doanh nghiệp là yếu tố then chốt. Bởi, quản trị doanh nghiệp là nền tảng mà trên đó trách nhiệm môi trường và xã hội được xây dựng. Nếu không có quản trị mạnh mẽ, các nỗ lực trong bền vững môi trường và trách nhiệm xã hội có thể bị thất bại.

Quản trị doanh nghiệp tốt đảm bảo rằng một công ty được quản lý tốt, minh bạch và có trách nhiệm. Nó tạo tiền đề cho các thực hành môi trường và xã hội vững chắc được phát triển và nảy nở.

Một thành phần chính của đầu tư ESG là trách nhiệm quản lý. Các nhà quản lý công ty phải chuẩn bị cho các cuộc trò chuyện thách thức với các nhà đầu tư.

"Các yếu tố ESG đóng vai trò quan trọng trong việc định hình các quyết định tài chính và định giá công ty. Bằng cách đón nhận quản trị mạnh mẽ, các công ty không chỉ nâng cao hiệu suất ESG của mình, mà còn đảm bảo vị trí của họ như là các cơ hội đầu tư hấp dẫn. Các nhà đầu tư, theo đó, có thể mong đợi các khoản đầu tư ổn định, bền vững và có lợi nhuận cao hơn", ông Matthew Smith nêu.

Cũng nói về tầm quan trọng của yếu tố "G", bà Bùi Thu Thủy, Phó cục trưởng phụ trách Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, nhận thức sự cần thiết của ESG, nhưng làm thế nào và làm từ đâu, họ có lợi ích gì hơn ko, thì hiện nhiều chưa rõ.

Bà Thủy cho rằng, trong cả 3 yếu tố ESG thì yếu tố G - governance là khó khăn mệt mỏi nhất. Khi đến doanh nghiệp, chúng tôi rất muốn cải thiện quản trị doanh nghiệp tại đó nhưng còn nhiều khó khăn.

"Đạt được G thì mới dễ thực hiện các yếu tố E và S", bà Thủy nói.

Hồng Khanh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/khat-vong-phu-xanh-viet-nam-theo-ca-nghia-den-va-nghia-bong-2283699.html