Khánh Hòa: Gặp người xây dựng thương hiệu cho cây táo ở Cam Thành Nam

Việc sản xuất táo theo tiêu chuẩn VietGAP đã giúp bà con thay đổi tập quán sản xuất cũ, nắm bắt được kỹ thuật mới, kiểm soát lượng phân bón và thuốc trừ sâu, đảm bảo tiêu chuẩn sản xuất táo sạch.

Ông Hồ Tấn Cường kiểm tra vườn táo. (Ảnh: Đặng Tuấn/TTXVN)

Sau nhiều năm miệt mài lao động, phấn đấu không mệt mỏi, ông Hồ Tấn Cường (trú tại xã Cam Thành Nam, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) đã đạt được những thành công đáng kể ở tuổi 49 và được tặng danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc" năm 2023.

Ông không chỉ là người tiên phong trong việc áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất mà còn là người “giữ lửa” cho phong trào Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi và đoàn kết giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững tại địa phương.

Khu vực xã Cam Thành Nam có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với cây táo (giống táo Thái Lan). Loài cây bắt đầu bén duyên trên vùng đất này từ năm 2004. Từ đó đến nay, diện tích trồng táo nơi đây không ngừng mở rộng và phát triển, mang lại hiệu quả về kinh tế khá cao, giúp người dân vươn lên làm giàu.

Tuy nhiên, đến năm 2015, sự phát triển nhanh chóng về diện tích trồng táo đã khiến sâu bệnh, đặc biệt là ruồi đục trái, trở nên khó kiểm soát, ảnh hưởng xấu đến năng suất và chất lượng quả. Diện tích trồng táo ở xã Cam Thành Nam dần thu hẹp.

Mô hình nhà lưới để trồng táo Thái Lan của Hợp tác xã trồng táo Cam Thành Nam. (Ảnh: Đặng Tuấn/TTXVN)

"Không ít người đầu tư trồng táo gặp khó khăn và phá sản. Nguyên nhân chính là do tình trạng ruồi vàng làm hại quả xảy ra khắp vùng trồng táo. Người dân đã tìm nhiều cách từ phun thuốc bảo vệ thực vật đến sử dụng vợt bắt nhưng ruồi vàng vẫn gây hại trên hầu hết diện tích của vùng," ông Cường nhớ lại.

Để khắc phục tình trạng ruồi vàng gây hại quả, Hợp tác xã đã bắt đầu tìm hiểu về mô hình giăng lưới xung quanh cây táo và chắn từ dưới lên cao 4m. Tuy nhiên, mô hình này sau thử nghiệm không thành công.

Nhiều người trong vùng tiếp tục phá bỏ, đốn hạ vườn táo và gánh chịu lỗ. Khi ấy, chỉ còn ít người duy trì vườn táo và tiếp tục nghiên cứu để tìm cách xây dựng nhà lưới kín, có thể ngăn chặn tất cả côn trùng bay vào.

Đến năm 2016, gia đình ông Cường đã đặt một công ty ở Thành phố Hồ Chí Minh may 5.000m2 lưới để thử nghiệm. Theo tính toán của Hợp tác xã trồng táo Cam Thành Nam, trên diện tích 1.000m2, đầu tư vào mua cọc chống và lưới là khoảng 15 triệu đồng, có thể sử dụng trong 5 năm.

Như vậy, so với việc mua thuốc bảo vệ thực vật, số tiền mua lưới có giá rẻ hơn, đồng thời đảm bảo an toàn sức khỏe của người trồng và người tiêu dùng. Bên cạnh đó, các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu về cách đốn cành sau khi thu hoạch và cách thụ phấn chéo để tăng năng suất.

Đến nay, toàn xã Cam Thành Nam có 60ha trồng táo, tập trung chủ yếu tại thôn Quảng Hòa. Trong số đó, Hợp tác xã trồng táo Cam Thành Nam có 7ha với 13 thành viên tham gia trồng.

Ông Hồ Tấn Cường trao đổi với phóng viên về hướng phát triển sản phẩm theo hướng VietGAP. (Ảnh: TTXVN phát)

Theo ông Hồ Tấn Cường, Giám đốc Hợp tác xã trồng táo Cam Thành Nam, việc sản xuất táo theo tiêu chuẩn VietGAP đã giúp bà con thay đổi tập quán sản xuất cũ, nắm bắt được kỹ thuật mới, kiểm soát lượng phân bón và thuốc trừ sâu, đảm bảo tiêu chuẩn sản xuất táo sạch. Do đó, năng suất và chất lượng tăng khoảng 15-20% so với cách sản xuất truyền thống.

Trung bình 1ha táo trồng theo VietGAP, có nhà lưới bài bản, sau 2-3 năm, nông dân có thể thu về hơn 500 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, người dân lãi khoảng 250 triệu đồng/năm.

Ngoài mô hình trồng táo Thái Lan, ông Hồ Tấn Cường còn quyết định mở đại lý bán vật tư nông nghiệp cùng với đẩy mạnh thu gom và tiêu thụ táo, mãng cầu ta, xoài.

Doanh thu bình quân hằng năm từ sản xuất, kinh doanh của ông Cường là 2,1 tỷ đồng, trong đó 1,5 tỷ đồng đến từ việc thu hoạch táo trên 3ha đất, 300 triệu đồng từ đại lý vật tư nông nghiệp và 300 triệu đồng từ đại lý thu mua nông sản khác. Qua đó, ông tạo việc làm thường xuyên cho nhiều người lao động tại địa phương và giúp 2 hộ gia đình thoát nghèo.

Ông Đào Quốc Việt, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Cam Thành Nam, cho biết hiện Hợp tác xã có 13 thành viên và táo đã trở thành sản phẩm nông nghiệp chính của xã, giúp nhiều hộ nông dân phát triển kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu, giải quyết tình trạng thất nghiệp.

Ông Cường chính là "đầu tàu" trong phong trào phát triển kinh tế, tìm nguồn tiêu thụ ổn định cho sản phẩm. Nhờ sự đóng góp của ông Cường, nhiều giống táo đã chống lại sâu bệnh tốt.

Ngoài lợi nhuận kinh doanh, ông còn đóng góp vào công tác xây dựng nông thôn mới bằng cách tạo việc làm cho 30-40 lao động với thu nhập ổn định và giúp các hộ nghèo vượt qua khó khăn.

Một trong những thành tựu đáng tự hào của ông Hồ Tấn Cường là thúc đẩy mô hình trồng táo theo tiêu chuẩn VietGAP và xây dựng vùng chuyên canh cây táo xã Cam Thành Nam với diện tích 50ha.

Trong quá trình xây dựng thương hiệu cho táo Cam Thành Nam, ông Cường đã giúp nhiều nông dân cùng phát triển. Nhờ sự nỗ lực của mình, ông Hồ Tấn Cường được công nhận bằng danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc." Ông còn là tấm gương, hình mẫu cho cộng đồng nông dân ở địa phương học tập./.

Đặng Anh Tuấn (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/khanh-hoa-gap-nguoi-xay-dung-thuong-hieu-cho-cay-tao-o-cam-thanh-nam/901666.vnp