Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch
Thời gian qua, các công ty, đơn vị, người dân trên địa bàn TP Cao Lãnh khai thác tốt tiềm năng, lợi thế riêng để phát triển du lịch, trong đó nhiều hộ dân mạnh dạn đầu tư mở các điểm tham quan du lịch cộng đồng. Đến nay, toàn thành phố có 24 điểm du lịch cộng đồng nằm trong danh sách được UBND tỉnh phê duyệt trên địa bàn tỉnh. Trong đó, có 7 điểm du lịch khai thác thế mạnh vườn cây ăn trái (xoài, mận, chôm chôm, dâu, nho...) hoạt động hiệu quả, thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm.
Đặc biệt, mô hình Chợ quê cù lao Tân Thuận Đông và phát triển thành điểm du lịch cộng đồng Tân Thuận Đông (xã Tân Thuận Đông, TP Cao Lãnh) đã tạo ra bước ngoặt mới cho ngành du lịch thành phố. Ra mắt từ tháng 12/2022, mô hình được người dân đồng tình, nhiệt tình tham gia cùng địa phương phát triển du lịch, thu hút đông đảo du khách đến trải nghiệm, tham quan, mua sắm. Từ 24 hộ dân tham gia ban đầu, đến nay có 67 hộ dân hoạt động tại mô hình chợ quê, chủ yếu là mua bán các nông sản tại địa phương, qua đó giải quyết việc làm và thu nhập cho hàng trăm người dân địa phương. Các hộ kinh doanh được tham gia tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng giao tiếp, phục vụ khách du lịch, từng bước phát huy giá trị ẩm thực đặc trưng của Đất Sen hồng.
Mô hình Chợ quê cù lao Tân Thuận Đông đón các đoàn Farmtrip của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh; các huyện, thành phố trong tỉnh; đoàn tham quan, học tập kinh nghiệm. Cùng với đó, kết nối với Công ty lữ hành tàu du lịch của Mekong Cần Thơ đưa rước khách nước ngoài đến tham quan, trải nghiệm. Tính đến cuối tháng 7/2024, Điểm du lịch cộng đồng Tân Thuận Đông đã qua gần 90 lần tổ chức; đón hơn 200.000 lượt khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan trải nghiệm, doanh thu trên 14 tỷ đồng. Ngoài ra, trên địa bàn TP Cao Lãnh có 15 Hội quán, trong đó có 3 Hội quán kết hợp du lịch: Thuận Tân Hội quán, Tâm Quê Hội quán và Nhân Tân Hội quán thuộc xã Tân Thuận Tây. Các Hội quán liên kết tốt các công ty lữ hành để làm du lịch.
Điển hình là Tâm Quê Hội quán kết nối với Công ty CP Mỹ Phước Thành khai thác tốt tour du lịch “Về Tân Thuận Tây dỡ chà đãi bạn, tham quan mô hình Hội quán” và trải nghiệm các hoạt động như: nổ cốm, làm và thưởng thức nhiều loại bánh dân gian theo công thức và sự hướng dẫn của người dân địa phương; hoạt động bắt cá, chọi gà, đá cá lia thia... có thuyết minh viên hướng dẫn và kể về lịch sử của từng loại hình giải trí; tham quan vườn xoài (loại trái cây chủ lực của địa phương) và được thưởng thức các loại trái cây khác tại vườn, nhất là tìm hiểu quá trình canh tác, chăm sóc cây xoài của bà con nông dân.
Có thể thấy, nông dân TP Cao Lãnh từng bước chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, phát huy mô hình du lịch nông nghiệp độc đáo của tỉnh. Theo thống kê của ngành chức năng TP Cao Lãnh, tổng lượt đón và phục vụ khách tham quan, trải nghiệm trên địa bàn TP Cao Lãnh tính từ năm 2022 đến tháng 6/2024 khoảng 850.000 lượt người, tổng doanh thu ước đạt hơn 161 tỷ đồng.
TP Cao Lãnh sẽ tăng cường phối hợp đầu tư, cải thiện cơ sở vật chất, hạ tầng du lịch, tiện nghi phục vụ và chất lượng các sản phẩm du lịch hiện có, đáp ứng tốt nhu cầu của du khách. Đồng thời quan tâm củng cố chất lượng các điểm du lịch cộng đồng, tiếp tục khai thác hiệu quả các sản phẩm du lịch đặc trưng của thành phố, nhất là kết nối và xây dựng các tour, tuyến du lịch nông thôn. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động du lịch, cũng như số hóa các thông tin, tài liệu về điểm đến, sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu tra cứu thông tin du lịch cho du khách. TP Cao Lãnh thường xuyên quảng bá, xúc tiến du lịch và kêu gọi đầu tư; bảo vệ tài nguyên, môi trường du lịch và an ninh an toàn xã hội... nhằm tạo môi trường đầu tư và đồng hành cùng doanh nghiệp trong phát triển du lịch.