Khai thác tối đa lợi ích nguồn năng lượng tái tạo

Dự thảo Đề án Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch Điện VIII - QHĐ VIII) được Bộ Công Thương xây dựng mang tính 'mở' và linh hoạt hơn, hướng tới thân thiện với môi trường và khai thác tối đa lợi ích từ các nguồn năng lượng tái tạo. Nhằm làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Tiến Dũng – Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương).

Xin ông cho biết đánh giá về những tồn tại, hạn chế trong QHĐ VII điều chỉnh (giai đoạn 2011 – 2020, có xét đến năm 2030)? Những điểm này đã được khắc phục như thế nào trong QHĐ VIII?

Trong quá trình thực hiện QHĐ VII điều chỉnh, hệ thống điện Việt Nam đã phát triển nhanh, tương đối đồng bộ giữa nguồn và lưới, nhiều mục tiêu quy hoạch đã đạt được. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng về cơ bản trong giai đoạn 2011 – 2020 hệ thống điện đảm bảo cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng.

Ông Hoàng Tiến Dũng – Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương)

Ông Hoàng Tiến Dũng – Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương)

Tuy nhiên, QHĐ VII điều chỉnh vẫn còn tồn tại một số điểm bất cập như quy hoạch phát triển điện lực đòi hỏi có tính hệ thống rất cao nhưng trên thực tế, việc đồng bộ hóa quy hoạch của các ngành như Quy hoạch phát triển ngành than, Quy hoạch phát triển ngành khí… khá khó khăn do thời điểm xây dựng các quy hoạch thường không trùng khớp nhau. Điều này dẫn tới có một số sai lệch trong số liệu đầu vào của quy hoạch nguồn điện. Ngoài ra, quá trình triển khai thực hiện quy hoạch đôi lúc còn gặp nhiều vướng mắc do sự không đồng thuận của địa phương; khó khăn trong huy động tài chính do giá điện của Việt Nam còn chưa thực sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.

Để khắc phục những bất cập trên, ở giai đoạn lập quy hoạch, QHĐ VIII đã có sự đồng bộ hóa với Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia. Đồng thời, QHĐ VIII cũng được xây dựng mang tính "mở", chỉ nêu danh mục những công trình điện quan trọng, ưu tiên phát triển và định hướng phát triển các loại hình nguồn điện cho từng vùng miền, tạo tính linh hoạt trong thực hiện.

Ông có thể nói rõ hơn về những điểm khác biệt của QHĐ VIII so với QHĐ VII điều chỉnh?

Thứ nhất, về cơ cấu nguồn điện, QHĐ VIII đã tính toán, lựa chọn cơ cấu nguồn điện phù hợp hơn với tiềm năng năng lượng sơ cấp, điều kiện kinh tế, mức giá điện và khả năng vận hành an toàn hệ thống điện quốc gia của nước ta. Nếu lấy năm 2030 để so sánh thì tổng công suất nguồn nhiệt điện than của QHĐ VIII là khoảng 40.900 MW, tức là giảm so với QHĐ VII điều chỉnh khoảng gần 15.000 MW. Tỷ lệ nhiệt điện than theo QHĐ VII điều chỉnh năm 2030 chiếm khoảng 43% tổng công suất của hệ thống, thì trong QHĐ VIII chỉ chiếm khoảng 28-31% và đến năm 2045, nhiệt điện than chỉ còn từ 15 - 19% tổng công suất hệ thống.

Trong khi đó, QHĐ VIII sẽ đẩy mạnh phát triển các nguồn điện sạch. Tỷ lệ công suất các nhà máy điện khí (tính cả khí tự nhiên hóa lỏng) sẽ tăng từ mức 13% hiện nay lên khoảng 21-22% vào năm 2030 và lên tới 24-27% vào năm 2045. Đặc biệt nguồn năng lượng tái tạo ngoài thủy điện (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối...) sẽ chiếm tỷ lệ 24-25% vào năm 2030 và tăng lên đến 40-42% vào năm 2045.

Thứ hai, QHĐ VIII đảm bảo cao nhất khả năng tự cân đối nội vùng và nội miền, tránh truyền tải xa. Hạn chế tối đa xây dựng thêm các đường dây 500 kV liên miền, truyền tải điện đi xa, giảm tổn thất điện năng trong truyền tải điện và tăng cường độ tin cậy cung cấp điện. Trong tính toán của quy hoạch, sản lượng điện truyền tải từ miền Nam, miền Trung ra miền Bắc được giới hạn ở mức khoảng 15 tỷ kWh/năm.

Thứ ba, về cơ chế điều hành quy hoạch điện: QHĐ VIII đã đưa ra một số nguyên tắc và tiêu chí cho việc giám sát chặt chẽ quá trình triển khai, tổ chức thực hiện quy hoạch, điều phối sự phối hợp xuyên suốt giữa các cơ quan quản lý ngành với địa phương, tránh để tình trạng phát triển điện lực thiếu kiểm soát, vỡ quy hoạch, chậm tiến độ dự án kéo dài… làm giảm hiệu quả đầu tư dự án, thậm chí thất thoát, lãng phí như đã thấy thời gian vừa qua ở một số dự án lớn.

Để đảm bảo an ninh cung cấp điện, cơ cấu nguồn điện trong QHĐ VIII được tính toán theo các tiêu chí nào và tỷ trọng các nguồn điện đã tính toán hợp lý để tiến tới mục tiêu Việt Nam đảm bảo đủ điện với giá điện thấp nhất chưa, thưa ông?

Chương trình phát triển hệ thống điện của Việt Nam được xây dựng dựa trên 3 tiêu chí chủ yếu sau: Đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng của đất nước trong mọi tình huống; đáp ứng được những cam kết của Chính phủ Việt Nam với quốc tế về tác động tới môi trường của hoạt động sản xuất điện; có giá thành sản xuất điện hợp lý, đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng điện.

Ngoài ra, QHĐ VIII được xây dựng trên quan điểm bám sát theo Nghị quyết số 55-NQ/TW và nhiều chỉ đạo của Đảng, Chính phủ trong việc tạo đà cho ngành điện Việt Nam phát triển vững chắc và bền vững, hướng tới thân thiện với môi trường và khai thác tối đa lợi ích từ các nguồn năng lượng tái tạo.

Theo đó, cơ cấu tỷ trọng từng loại nguồn điện sẽ được chương trình quy hoạch tính toán tối ưu dựa trên suất đầu tư từng loại hình nguồn điện, chi phí nhiên liệu, chi phí sửa chữa bảo dưỡng các loại nguồn điện, chi phí truyền tải điện... Tỷ trọng của các loại hình nguồn điện của QHĐ VIII sẽ đảm bảo đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội với giá thành sản xuất thấp nhất.

Hiện, Bộ Công Thương đã gửi Tờ trình Chính phủ về việc phê duyệt Đề án QHĐ VIII; đồng thời, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt QHĐ VIII với các nội dung chính được nêu tại Dự thảo Quyết định phê duyệt kèm theo để làm cơ sở tổ chức triển khai thực hiện.

Đỗ Nga (thực hiện)

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/khai-thac-toi-da-loi-ich-nguon-nang-luong-tai-tao-166647.html