Khai thác khoáng sản và những hệ lụy về môi trường

Bên cạnh các lợi ích phục vụ phát triển KT-XH thì hoạt động khai thác khoáng sản cũng gây nhiều tác động xấu đến môi trường, ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Chủ tịch UBND huyện Tuy An Huỳnh Gia Hoàng trao đổi về hoạt động của các mỏ khoáng sản trên địa bàn huyện với đoàn giám sát. Ảnh: THÚY HẰNG

Chủ tịch UBND huyện Tuy An Huỳnh Gia Hoàng trao đổi về hoạt động của các mỏ khoáng sản trên địa bàn huyện với đoàn giám sát. Ảnh: THÚY HẰNG

Đoàn giám sát của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh do đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh làm trưởng đoàn vừa tổ chức giám sát xã hội về tác động môi trường của hoạt động khai thác khoáng sản đối với đời sống nhân dân trên địa bàn TX Sông Cầu, TP Tuy Hòa và các huyện Sông Hinh, Tuy An.

Sống chung với tiếng ồn, bụi bẩn…

Hơn 30 năm sinh sống gần mỏ khai thác đá Hòa Mỹ (xã Xuân Cảnh, TX Sông Cầu) của Công ty TNHH Xây dựng Hòa Mỹ, ông Đỗ Văn Lại, 68 tuổi dường như đã quen với việc nghe tiếng mìn nổ, xe chạy rầm rập vận chuyển và đóng cửa im ỉm vì sợ bụi.

Ông Lại cho biết: Trước khi nổ mìn, công ty sẽ thông báo đến người dân xung quanh. Hằng ngày, công ty cũng tưới 3-4 lần nước trên đường nhưng bụi bặm trong không khí thì không thể nào ngăn được. Ảnh hưởng vệ sinh môi trường là điều không tránh khỏi, nhưng từ thời ba tôi, đến tôi, giờ đến các con tôi vẫn ở nơi này chớ biết đi đâu.

“Điều đáng ghi nhận là công ty hỗ trợ cho người dân sinh sống quanh khu vực mỏ 200 ký điện mỗi tháng, tương đương 400.000 đồng; lao động tại địa phương có nhu cầu làm việc tại mỏ đều được công ty tạo điều kiện. Chúng tôi chỉ mong công ty tiếp tục chú trọng hơn đến việc đảm bảo vệ sinh môi trường, hạn chế xe vận chuyển đi vào tuyến đường dân cư sinh sống để đảm bảo an toàn giao thông”, ông Lại nói.

Là hàng xóm với ông Lại, ông Ngô Văn Hùng chia sẻ: Nhà tôi là nhà cấp 4, khi công ty nổ mìn làm nứt vách nhà. Nhận được tin báo, công ty đã cử người đến sửa chữa, khắc phục. Mặc dù vậy, những rung chấn trong quá trình nổ mìn là không tránh được.

Tại mỏ đất san lấp núi Hòn Một (thôn Thọ Vức, xã Hòa Kiến, TP Tuy Hòa) do Công ty CP Đầu tư hạ tầng thương mại Bình An quản lý khai thác, nhiều người dân than phiền rằng, quá trình khai thác và vận chuyển đất ra khỏi khu vực khai thác đã gây bụi ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh.

Đặc biệt hiện nay, người dân sinh sống ở khu vực phía Đông, phía Nam mỏ đất này lo ngại núi Hòn Một có vị trí cao, như một vành đai bao, góp phần ngăn chặn mùi hôi khi có gió và nước rỉ từ bãi rác chôn lấp rác thải của thành phố. Nếu đơn vị khai thác hạ thấp cao độ của núi Hòn Một thì không còn gì để ngăn mùi hôi và nước rỉ từ bãi rác sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống người dân; giống như khu vực xóm Chùa, xóm Mỹ (thôn Thọ Vức), các hộ dân đã phải di dời vì ảnh hưởng của bãi chôn lấp rác thải của thành phố...

Thực tế giám sát xã hội về tác động môi trường của hoạt động khai thác khoáng sản đối với đời sống nhân dân tại các địa phương cho thấy, trong quá trình khai thác khoáng sản không thể tránh khỏi những tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên và xã hội, gây ra các ô nhiễm phát sinh gồm: Ô nhiễm bụi thải; ô nhiễm môi trường nước; phát sinh đất đá thải; sạt lở đất, đá thải; rủi ro về nổ mìn và tác động rung chấn...

Những hoạt động này đang phá vỡ cân bằng điều kiện sinh thái, gây ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, không ít công ty hoạt động không tuân thủ thiết kế và báo cáo đánh giá tác động môi trường, hoặc bản cam kết được duyệt.

Chủ tịch UBND huyện Tuy An Huỳnh Gia Hoàng cho hay: Tuy An đang có 13 mỏ được UBND tỉnh và Bộ TN&MT cấp phép. Trong quá trình hoạt động khai thác khoáng sản, vẫn còn xảy ra trường hợp đơn vị khai thác khoáng sản chưa thực hiện đúng và đầy đủ các quy định ghi trong giấy phép khai thác hoặc các quy định khác có liên quan đến việc khai thác khoáng sản đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt làm ảnh hưởng đến đời sống người dân, nhất là tình trạng rơi vãi đá, đất cát xuống đường, ảnh hưởng trật tự an toàn giao thông.

Tăng cường giám sát từ địa phương

Theo đánh giá của các chuyên gia môi trường, khai thác khoáng sản có những tác động rất đặc thù đối với môi trường, có thể phá vỡ cấu trúc địa chất và cảnh quan. Các tác động môi trường của hoạt động này vẫn tiếp diễn khi kết thúc khai thác. Trong đó cộng đồng dân cư nơi có hoạt động khoáng sản chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, nhất là các vấn đề chất lượng môi trường sống, sinh kế và sức khỏe của họ.

Đoàn giám sát của Ủy ban MTTQ tỉnh khảo sát thực tế khai thác tại mỏ đá Hòa Mỹ, xã Xuân Cảnh (TX Sông Cầu). Ảnh: THÚY HẰNG

Ông Nguyễn Ngọc Phượng, Phó Chủ tịch UBND xã An Thọ (huyện Tuy An) cho hay: Trên địa bàn xã An Thọ có 2 mỏ đá đang hoạt động. Các mỏ xa khu dân cư nên người dân ít bị ảnh hưởng bởi bụi bặm, tiếng ồn. Tuy nhiên, vị trí mỏ gần trục đường ĐT643, lưu lượng xe lưu thông trên tuyến đường từ mỏ ra ĐT643 khá dày, nhiều vụ tai nạn giao thông đã xảy ra do đất đá rơi vãi khắp mặt đường.

Theo các địa phương, công tác quản lý hoạt động khai thác khoáng sản còn gặp nhiều khó khăn là do các khu vực khai thác khoáng sản không tập trung, nhỏ lẻ nên việc bảo vệ môi trường từ việc khai thác khoáng sản phụ thuộc rất nhiều vào ý thức doanh nghiệp.

Ông Huỳnh Gia Hoàng thẳng thắn nói: Với nguồn nhân lực và vật lực hiện nay, huyện khó có thể xác định được công suất khai thác khoáng sản của các đơn vị được cấp phép và không xác định được trữ lượng khoáng sản đã khai thác, trữ lượng khoáng sản còn lại tại mỏ nên gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý.

Còn ông Nguyễn Quốc Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP Tuy Hòa cho hay: “Đến nay, địa phương chưa nhận được đơn, thư hoặc các ý kiến về tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến mỏ đất núi Hòn Một. Song qua nắm bắt tình hình nhân dân, sự lo lắng của người dân sinh sống ở khu vực này là rất đúng với thực tế nên đơn vị khai thác mỏ đất này cũng như các đơn vị có liên quan phải lưu ý và có giải pháp phù hợp”.

Để hạn chế tác động môi trường của hoạt động khai thác khoáng sản đối với đời sống nhân dân, đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn đề nghị các địa phương tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát tình hình hoạt động của các dự án khai thác khoáng sản trên địa bàn và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm.

Địa phương cũng phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khoáng sản và bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản đến từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, tổ chức, cá nhân trên địa bàn; vận động người dân nâng cao trách nhiệm trong việc bảo vệ khoáng sản, không khai thác, thu mua, tàng trữ, vận chuyển khoáng sản trái phép, phát hiện và tố giác tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trái phép.

Lãnh đạo các địa phương cần lắng nghe, giải quyết kịp thời những kiến nghị, phản ánh, tố giác của người dân trong hoạt động khai thác khoáng sản... Những kiến nghị, đề xuất của các địa phương được đoàn giám sát tiếp thu, ghi nhận để báo cáo cấp có thẩm quyền đề ra những giải pháp hữu hiệu nhằm đảm bảo quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác khoáng sản và bảo vệ môi trường trong thời gian đến.

Bên cạnh các lợi ích phục vụ cho phát triển KT-XH, thì khai thác khoáng sản cũng gây nhiều tác động xấu đến môi trường. Do đó, để bảo đảm môi trường trong quá trình khai thác khoáng sản, cơ quan chức năng và địa phương cần thường xuyên quan tâm, giám sát; doanh nghiệp cần nghiêm túc chấp hành, tuân thủ các quy định pháp luật trong công tác bảo vệ môi trường, giảm thiểu tối đa ảnh hưởng đời sống của người dân sinh sống xung quanh các mỏ.

Đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh

THÚY HẰNG

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/76/316746/khai-thac-khoang-san-va-nhung-he-luy-ve-moi-truong.html