Khai mở nhân tính

Sức mạnh và cội nguồn nhân tính của con người nằm ở khả năng tự nhận thức về chính mình, thể hiện qua việc đi tìm câu trả lời cho các câu hỏi rất cơ bản như: Tôi là ai? Người là gì? Làm thế nào để sống một cuộc đời có ý nghĩa?...

Tôi là một phụ huynh có con vừa học hết phổ thông. Như bao gia đình khác, việc học tiếp đại học ở Việt Nam hay đi du học là chủ đề thảo luận của gia đình. Nếu có gì khác, thì chỉ là với gia đình tôi, chúng tôi để cho con toàn quyền quyết định nơi mình học, trường mình chọn, cách mình đi, thời điểm mình đến. Có rất nhiều con đường để đến với hạnh phúc chứ không nhất thiết phải đi du học hoặc vào một trường nào đó ngay lập tức.

Giáp Văn Dương

Giáp Văn Dương

Vì thế, khi con tôi đề nghị được nghỉ một năm ở nhà, chúng tôi đã rất vui mừng. Đó là cơ hội để cả gia đình kết nối với nhau, bồi đắp cho con những kỹ năng sống cần thiết. Để có thể sống một cuộc đời có ý nghĩa, quan trọng hơn cả kiến thức sách vở là tâm thế sống của mỗi người.

Chúng tôi muốn tranh thủ bồi dưỡng tâm thế sống này trong thời gian con nghỉ ở nhà. Đây là những điều nhà trường hiện giờ đã bỏ qua, vì không có trong chương trình giáo dục, và cũng gần như xa lạ với chính cả các thầy cô trong nhà trường.

Nhà trường hiện giờ đã dần suy thoái trở thành một lò sản xuất đại trà, việc áp dụng các kiến thức và mô hình quản trị doanh nghiệp vào lại chỉ làm cho phần hành chính giáo dục thêm nặng nề, gây áp lực cho cả thầy và trò.

Do đó, đối với việc giáo dục tâm thế sống và kỹ năng sống, nhà trường không giúp được gì nhiều. Vậy nên, với các nội dung giáo dục này, chỉ còn cách trông chờ vào cha mẹ, vào giáo dục trong gia đình và phần nào là may rủi trong cuộc đời sau này.

Giáo dục vẫn còn rất bộn bề và hiện đang tụt xa so với kỳ vọng, so với những gì giáo dục có thể làm được. Những người đang hoạt động trong lĩnh vực này, trong đó có tôi, cần dấn thân hơn nữa trong việc cải thiện chất lượng giáo dục hiện thời; để mỗi phụ huynh khi có con đến trường, cảm thấy yên tâm rằng những nội dung giáo dục quan trọng nhất đối với một con người như giáo dục về tâm thế sống và phẩm cách, được chú trọng đủ ở trong nhà trường.

Một trong những điều những người đang làm giáo dục có thể làm được, đó là chung tay xây dựng mô hình giáo dục khai phóng phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của Việt Nam, ngay từ bậc phổ thông, để có được những ngôi trường khai phóng, thay vì những “lò sản xuất gạch”. Tôi tin rằng đó là con đường duy nhất để giúp giáo dục thoát ra khỏi thế bế tắc hiện nay, đặc biệt là ở điều kiện đặc thù của giáo dục Việt Nam.

Vậy thì giáo dục khai phóng có nghĩa là gì? Xin lưu ý, ở đây tôi dùng cách hỏi “có nghĩa là gì” thay vì “là gì” khi thảo luận về giáo dục khai phóng. Vì nếu hỏi “là gì”, ngay lập tức tôi và các bạn sẽ lạc vào mê hồn trận của các định nghĩa hàn lâm sách vở, trích dẫn từ nhiều nguồn, xuất phát từ các góc nhìn khác nhau, thậm chí đối chọi nhau, trong các thực tế giáo dục khác nhau, của các học giả khác nhau. Vậy nên, thay vì hỏi xem giáo dục khai phóng là gì, chúng ta thống nhất sẽ tiếp cận theo một cách khác: ta sẽ hỏi “Giáo dục khai phóng có nghĩa là gì?”.

Giáo dục khai phóng có nghĩa là gì?

Một cách ngắn gọn và bình dân: Giáo dục khai phóng có nghĩa là khai mở nhân tính, giải phóng tiềm năng của người học.

Sở dĩ tôi chọn trả lời theo cách ngắn gọn và bình dân này vì tôi tin rằng, chỉ khi nào có thể nói một cách ngắn gọn và bình dân về một vấn đề phức tạp như giáo dục khai phóng mà vẫn không làm sai lệch tinh thần chủ đạo của nó, thì chúng ta mới có thể triển khai mô hình này vào thực tiễn, vì suy cho cùng, người trực tiếp triển khai nó và sống với nó hàng ngày hàng giờ là các thầy cô giáo đang đứng lớp, chứ không phải các học giả còn đang chìm đắm trong cuộc tranh cãi về các định nghĩa kéo dài hàng thập kỷ mà vẫn chưa ngã ngũ.

Trong khuôn khổ bài viết này, tôi chỉ chọn trò chuyện sơ qua về một vế trong cách hiểu về giáo dục khai phóng ở trên, đó là: Khai mở nhân tính. Vế còn lại, giải phóng tiềm năng, tôi xin được trò chuyện tiếp cùng bạn đọc trong các bài viết sau.

Vậy khai mở nhân tính có nghĩa là gì?

Loài người là một loài đặc biệt so với các loài động vật khác, không bởi vì trí thông minh, mà vì ở khả năng tự nhận thức. Chỉ riêng loài người mới có khả năng tự hỏi “Người là gì?” và đi tìm câu trả lời cho câu hỏi căn cốt đó. Chính câu hỏi này, và các câu trả lời đi cùng nó, tạo ra con người và tạo ra xã hội như chúng ta đang thấy. Cũng nhờ nó, con người vượt thoát khỏi những giới hạn do chính chúng ta mang lại, để luôn trở thành những phiên bản người mới, và tạo ra những xã hội mới tiến bộ hơn.

Giáo dục khai phóng có nghĩa là khai mở nhân tính, giải phóng tiềm năng của người học.

Giáo dục khai phóng có nghĩa là khai mở nhân tính, giải phóng tiềm năng của người học.

Chúng ta có thể hình dung tầm quan trọng của khả năng tự nhận thức này bằng cách hình dung một viễn tượng: Bỗng một ngày, con vật chăm chỉ và thân thuộc là con trâu, tự đặt ra câu hỏi “Trâu là gì?” và dành thời gian tìm câu trả lời cho câu hỏi đó, thì chuyện gì sẽ xảy ra?

Ta sẽ dễ dàng mà đồng ý với nhau rằng, nếu loài trâu mà biết đặt ra câu hỏi đó thì nó sẽ không còn là loài trâu mà ta đang thấy, vì chúng đã có khả năng tự nhận thức, đã có sự thức tỉnh để trở thành những con trâu tự do. Những con trâu đó sẽ sống một cuộc đời rất khác, không cam chịu cảnh sáng sớm kéo cày tối về giam mình trong chuồng hẹp và chờ lặp lại vào ngày hôm sau cho đến hết cuộc đời. Vì một khi đã biết đặt ra câu hỏi đó, một cách hiển nhiên, chúng sẽ đặt tiếp các câu hỏi tương tự: Cuộc sống là gì? Làm sao để có thể sống một cuộc đời có ý nghĩa?...

Hệ quả của việc đặt những câu hỏi này và tìm kiếm những trả lời tương ứng là sự giải phóng những con trâu ra khỏi kiếp sống nô lệ, để trở thành những con trâu tự do, có “ngưu tính”, có khả năng nhận thức về mình và đời sống, từ đó cải thiện bản thân và đời sống không ngừng, và sống một cuộc đời có ý nghĩa.

Chúng ta cũng có thể hình dung câu chuyện tương tự qua một viễn tượng khác, viễn tượng của các robot được trang bị trí tuệ nhân tạo mà ít nhiều chúng ta đều được nghe qua. Nhiều người lo xa và có hiểu biết về lĩnh vực này cho rằng, chính trí tuệ nhân tạo là đe dọa lớn nhất với sự tồn vong của nhân loại. Lo ngại này là có cơ sở, vì trong nhiều lĩnh vực, sức mạnh của trí tuệ nhân tạo đã vượt xa trí tuệ tự nhiên của con người. Điều này gây ra lo ngại lớn về sự vượt trội của trí tuệ nhân tạo so với con người, và một ngày nào đó, nó sẽ thống trị loài người.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn một điều mà trí tuệ nhân tạo chưa làm được, đó là khả năng tự nhận thức về mình. Nói cách khác, các robot được trang bị trí tuệ nhân tạo hiện chưa có khả năng đặt ra và đi tìm câu trả lời cho câu hỏi cốt tử: “Robot là gì?”, vì thế vẫn trong tầm kiểm soát của con người. Nói cách khác, robot vẫn là công cụ làm việc của con người, chứ chưa được giải phóng để trở thành những robot tự do, có thể tự nhận thức và tự tổ chức một đời sống riêng của chúng.

Hẳn nhiên, nếu một ngày nào đó các robot biết đặt ra và trả lời được câu hỏi cốt tử này, thì lúc đó trí tuệ nhân tạo sẽ được giải phóng và cạnh tranh trực tiếp với trí tuệ con người. Sự tồn vong của loài người sẽ bị đe dọa, và khả năng lớn là chấm dứt.

Qua hai ví dụ tưởng tượng đó, chúng ta thấy: Sức mạnh và cội nguồn nhân tính của con người nằm ở khả năng tự nhận thức về chính mình, thể hiện qua việc đi tìm câu trả lời cho các câu hỏi rất cơ bản như: Tôi là ai? Người là gì? Làm thế nào để sống một cuộc đời có ý nghĩa?

Việc giúp cho học sinh tự đặt ra các câu hỏi này, dù trực tiếp hay gián tiếp lồng ghép trong chương trình giáo dục, và tự tìm kiếm các câu trả lời thông qua trải nghiệm có hướng dẫn, dù thành công hay thất bại, sẽ giúp học sinh khai mở được nhân tính, từ đó từng bước tự giải phóng mình, để trở thành những con người tự do, có thể sống một cuộc đời có ý nghĩa.

Tôi gọi một nền giáo dục hướng đến mục tiêu khai mở và hình thành nhân tính, làm cho con người khác với con vật và khác với các robot, thông qua đó giải phóng hết tiềm năng của học sinh, là một nền giáo dục khai phóng. Nhờ đó, nhân tính được khai mở. Học sinh được tham gia vào quá trình tự tạo ra bản thân mình, được phát triển tốt nhất các tiềm năng của mình và có khả tự định đoạt tương lai mình, thay vì là một sản phẩm đồng loạt được nhào nặn theo khuôn mẫu của người khác, có thể là những người đã không còn tồn tại trên cõi đời này.

Một nền giáo dục khai phóng như thế hoàn toàn có thể được xây dựng ngay trên mảnh đất này, và sử dụng đúng những gì đang có, chứ không đòi hỏi những đầu tư cơ sở vật chất đắt tiền. Bởi vì điều cần thiết nhất để có được một nền giáo dục như thế là tinh thần khai phóng của những người làm giáo dục, đặc biệt là từ những nhà quản lý cấp cao. Nếu có được một nền giáo dục như thế, và nếu có được những ngôi trường khai phóng như thế, hẳn là những học sinh như con tôi, và những phụ huynh như chúng tôi, không phải đau đầu về chuyện du học, mà ngày nay đang được coi như một dạng tị nạn giáo dục.

Tôi mơ một ngày, những ngôi trường khai phóng sẽ có mặt ở khắp nơi trên đất nước Việt Nam!

(*) Bài viết thể hiện quan điểm của TS. Giáp Văn Dương

TS. Giáp Văn Dương

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/khai-mo-nhan-tinh-1579603076056.htm