Kết thúc Hội nghị An ninh Munich: Đức khẳng định 'sự đoàn kết mạnh mẽ'; châu Phi và Mỹ Latinh có những mối lo hơn cả Ukraine?
Chiều ngày 19/2 (giờ địa phương), Hội nghị an ninh Munich - hội nghị an ninh quy mô nhất thế giới được tổ chức thường niên tại thành phố cùng tên tại miền Nam nước Đức - đã kết thúc sau 3 ngày diễn ra.
Cuộc xung đột đang diễn ra giữa Nga và Ukraine chi phối hầu hết các cuộc thảo luận tại hội nghị năm nay khi các nhà lãnh đạo và diễn giả dành nhiều thời gian để thảo luận về nhiều khía cạnh của đề tài này.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng thảo luận nhiều chủ đề nóng khác và những thách thức mà thế giới đang phải đối mặt, từ chính trị, kinh tế tới an ninh, quốc phòng, biến đổi khí hậu, môi trường, an ninh lương thực toàn cầu...
Trong bài phát biểu bế mạc, Chủ tịch Hội nghị an ninh Munich 2023 Christoph Heusgen đánh giá, hội nghị đã thể hiện "sự đoàn kết mạnh mẽ xuyên Đại Tây Dương" và cho rằng, điều này rất cần thiết để đạt được thành công cuối cùng trong xung đột tại Ukraine.
Bày tỏ hy vọng xung đột Nga-Ukraine sẽ kết thúc vào năm 2024 và hòa bình được lập, ông kêu gọi châu Âu nói chung và nước Đức nói riêng cần tăng chi tiêu quốc phòng để có thể đáp ứng tốt hơn trước những thách thức mới của thời đại.
Bên lề hội nghị, đã diễn ra nhiều cuộc thảo luận song phương và đa phương được dư luận quốc tế quan tâm, trong đó đáng chú ý là các cuộc gặp có sự tham dự của đại diện Mỹ, Trung Quốc, Đức, Pháp, Nhật hay Hàn Quốc.
Nhận định về Hội nghị An ninh Munich, ngày 19/2, tờ Thời báo Tài chính (FT) của Anh cho rằng, các nước phương Tây đã cố sử dụng sự kiện để thuyết phục các nước châu Phi và Mỹ Latinh thắt chặt chính sách đối ngoại của họ đối với Nga.
Tuy nhiên, theo FT, các nhà lãnh đạo phương Tây đã thất bại trong việc truyền đạt tới lãnh đạo các quốc gia được gọi là Nam bán cầu ý tưởng rằng, các hành động của Nga ở Ukraine đe dọa an ninh không chỉ của châu Âu mà của toàn thế giới.
Bài báo cũng lưu ý, tại các cuộc gặp song phương với nguyên thủ các nước phương Tây ở Munich, đại diện các quốc gia châu Phi và Mỹ Latinh bày tỏ lo ngại về lạm phát gia tăng, giá năng lượng và các vấn đề an ninh lương thực hơn là tình hình ở Ukraine.
Theo FT, Ngoại trưởng Brazil Mauro Vieira cho rằng, thế giới nên cố tìm ra giải pháp cho cuộc xung đột ở Ukraine chứ "không thể tiếp tục chỉ nói về xung đột”.
Về phần mình, Phó Tổng thống Colombia Francia Marquez cho biết, bà không muốn thảo luận ai sẽ là "người chiến thắng hay kẻ thua trong cuộc xung đột quân sự" mà hy vọng châu Âu sẽ quan tâm hơn nữa đến cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Thủ tướng Namibia, Sarah Kugongelwa-Amadila cho biết, bà quan tâm đến việc "giải quyết vấn đề chứ không đổ lỗi".
Theo bà, số tiền được phân bổ ở châu Âu để mua vũ khí "tốt hơn nên được chi cho việc thúc đẩy sự phát triển ở Ukraine, châu Phi, châu Á và chính Liên minh châu Âu, nơi nhiều người gặp khó khăn".
Được tổ chức thường niên từ năm 1963 tới nay, Hội nghị An ninh Munich tuy không phải là nơi đề ra chính sách, chiến lược, không thể giải quyết tất cả vấn đề an ninh đang đặt ra, nhưng lại được coi là một diễn đàn quan trọng.
Tại đây, các nhà lãnh đạo, các bên đối thoại cấp cao, tăng cường sự hiểu biết, tin cậy, thảo luận các biện pháp giảm đối đầu, căng thẳng, đối phó với các thách thức, nguy cơ, nhằm bảo vệ môi trường an ninh quốc tế.