Kết nối tiêu thụ hàng hóa, giúp nông dân thu về 'trái ngọt'
Dịch Covid-19 khiến các chuỗi cung ứng không còn vận hành như trước, thói quen mua sắm thay đổi đột ngột. Tuy nhiên, 'cái khó ló cái khôn', đó là một phương thức kinh doanh mới được ứng dụng, phù hợp với bối cảnh dịch bệnh và thực tiễn cuộc sống.
“Cầu nối” tiêu thụ nông sản
Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An - Nguyễn Thành Kiệt khẳng định, kết nối tiêu thụ nông sản là mang lại niềm vui cho nông dân. Điều này thể hiện rõ trong thời điểm Long An, TP.HCM và nhiều tỉnh, thành khác thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, việc đi lại, vận chuyển nông sản khó khăn.
Nhờ cầu nối từ Sở Công Thương, Hội Nông dân Việt Nam xã kết nối tiêu thụ 35 tấn tôm của người nuôi đến TP.HCM thông qua doanh nghiệp (DN). Dù bán tôm với giá không cao so với thời điểm trước giãn cách xã hội nhưng nông dân ai cũng vui mừng bởi thu lại được vốn đầu tư để tái sản xuất cho vụ sau.
Anh Kiệt nhớ lại, TP.HCM là thị trường tiềm năng trong thời điểm giãn cách. Nhưng để cung cấp được tôm, Hội đứng ra cam kết bảo đảm chất lượng và quy chuẩn tôm, về cách đóng gói, về thời gian, địa điểm giao, nhận hàng hóa để DN thu mua chấp nhận. Đến thời điểm này, giữa nông dân và DN đã tạo được kênh mua bán mới, mở ra nhiều cách thức hợp tác giữa nông dân và DN. Điều này khiến nông dân càng hạnh phúc hơn vì tôm tiêu thụ theo kiểu “có liên kết”, giúp khơi thông thị trường, bỏ qua các khâu trung gian, cung ứng hàng hóa với giá phải chăng đến người tiêu dùng.
Phó Giám đốc Sở Công Thương - Châu Thị Lệ phấn khởi, hiện nay, tất cả mặt hàng mà DN, hợp tác xã (HTX), nông dân có nhu cầu chào mua, chào bán, khi Sở có thông tin đều thực hiện kết nối. Năm qua, Sở kết nối tất cả mặt hàng từ hàng hóa phục vụ công tác phòng dịch, bao bì phục vụ sản xuất đến các mặt hàng nhu yếu phẩm. Đặc biệt, Sở quan tâm kết nối tiêu thụ lương thực, thực phẩm: Gạo, thịt, cá, tôm, ếch, rau, củ, quả, trứng, khoai lang, khoai mì, thanh long,... với số lượng hàng trăm tấn. Các đơn vị tham gia mua, bán gồm trong và ngoài tỉnh như Công ty (Cty) TNHH Dương Vũ, Cty CP Tân Đồng Tiến, Cty TNHH San Hà, SaiGonTel,...
Việc kết nối tiêu thụ hầu hết với số lượng lớn, cần tập trung tiêu thụ khi đến vụ thu hoạch, cần tiêu thụ ngay. Điều này mang ý nghĩa vừa giúp nông dân tiêu thụ nông sản, vừa tham gia bình ổn thị trường, cung ứng nhanh hàng hóa với các địa phương trong phòng, chống dịch.
Khuyến khích nền sản xuất có trách nhiệm
Đến vườn rau của các thành viên HTX Rau an toàn Mười Hai (xã Long Khê, huyện Cần Đước), ấn tượng đầu tiên là màu xanh tươi của rau. Ở đây, nông dân được khuyến khích giảm sử dụng phân bón hóa học, tăng sử dụng phân hữu cơ. Với cách trồng trọt này, trong khi nhiều HTX khác hoạt động cầm chừng, không hiệu quả thì HTX đã vươn lên, xây dựng thành công chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn không chỉ trên địa bàn huyện mà còn của cả tỉnh.
Giám đốc HTX Rau an toàn Mười Hai - Lê Văn Giấy chia sẻ, HTX có 30 thành viên đều trồng rau trong nhà màng theo quy trình VietGAP. Để ổn định đầu ra của rau, ngoài việc giảm phân hóa học, tăng phân hữu cơ, HTX còn tập trung xây dựng thương hiệu, logo. Tất cả 25 loại rau ăn lá của HTX đều được dán tem truy xuất nguồn gốc. Nhờ có tem này, người tiêu dùng dễ dàng nhận biết thông tin về nguồn gốc nông sản. Mỗi ngày, với diện tích 30ha, HTX thu hoạch 10 tấn rau các loại.
Không chỉ HTX Rau an toàn Mười Hai, một số HTX khác trên địa bàn tỉnh như Phước Thịnh, Thuận Giàu, Phước Hòa, Mỹ Thạnh,... cũng được Sở Công Thương kết nối với một số đơn vị kinh doanh bán lẻ trong tỉnh như Co.opmart Bến Lức, SanHàFoodstore, Bách Hóa Xanh, Vinmart+,... Theo Giám đốc Co.opmart Bến Lức - Nguyễn Long Trung, việc DN bán lẻ và DN sản xuất trong tỉnh kết nối, tiêu thụ hàng hóa ngày càng thuận lợi. DN bán lẻ giảm chi phí đầu vào, đôi bên đều giảm qua các khâu trung gian, hàng hóa đến tay người tiêu dùng nhanh hơn, chất lượng hơn, giá cạnh tranh hơn.
Theo bà Châu Thị Lệ, năm qua, Sở Công Thương kết nối hàng hóa, xúc tiến thương mại bằng hình thức vừa trực tiếp, vừa trực tuyến,... Nhờ tận dụng tất cả cơ hội, trong đó có cả tận dụng công nghệ 4.0, Sở kết nối được nhiều kênh bán hàng, nhiều đối tác mới, phát triển phương thức kinh doanh mới. Thời gian tới, hy vọng các hình thức kết nối và tiêu thụ hàng hóa sẽ song hành với quá trình sản xuất của nông dân, không dừng lại ở thời điểm dịch bệnh hiện tại.
Theo đánh giá của Chủ tịch Hội đồng Quản trị Cty CP Thương mại Prefood - Phạm Văn Quân, những sản phẩm hàng hóa, nông sản mà Cty kết nối tiêu thụ thời gian qua được các kênh phân phối lẫn người tiêu dùng đánh giá cao vì chất lượng. Hiện không ít HTX, nông dân chú trọng xây dựng, quản lý chuỗi sản xuất theo các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, có tem truy xuất nguồn gốc. Điều này tạo lòng tin đối với người tiêu dùng, vì thế, sản lượng kết nối, tiêu thụ ngày càng tăng lên.
Theo bà Châu Thị Lệ, năm 2022, Sở tiếp tục triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu trong và ngoài nước. Sở đẩy mạnh ứng dụng và phát triển thương mại điện tử, hỗ trợ DN, HTX tham gia các sàn thương mại điện tử lớn trong nước. Qua đó, tăng hiện diện của sản phẩm để tiếp cận với người tiêu dùng. Đặc biệt, Sở khuyến khích nền sản xuất có trách nhiệm thông qua chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, bao bì, mẫu mã, truy xuất nguồn gốc, các vấn đề pháp lý,... để đáp ứng yêu cầu các kênh phân phối. Trong bất kỳ mối liên kết nào, “làm ăn” theo hợp đồng, bảo đảm chữ “tín” để duy trì và phát triển hợp đồng./.