Kết nối các nhà khoa học, doanh nghiệp vì tương lai xanh ở Việt Nam

Theo Giáo sư Soumitra Dutta, Việt Nam cần quan tâm nhiều hơn đến tốc độ và việc đầu tư mạnh mẽ cho đổi mới sáng tạo vì tất cả các nước khác đều đang đầu tư rất nhiều cho lĩnh vực này.

Các chuyên gia trong nước và quốc tế trao đổi tại một phiên thảo luận. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Những thách thức toàn cầu về biến đổi khí hậu và phát triển bền vững đang đặt ra yêu cầu cấp thiết về sự đổi mới trong mọi lĩnh vực tại Việt Nam cũng như trên toàn thế giới. Vì vậy, trao đổi của các chuyên gia nhằm xây dựng môi trường hợp tác, kết nối các nhà nghiên cứu và nhà sáng tạo để khám phá các giải pháp xanh mới nhất, cùng đóng góp vào sự phát triển bền vững tại Việt Nam cũng như trên toàn cầu.

Thông tin trên được Ban tổ chức Hội thảo Quốc tế Đổi mới sáng tạo mở 2024, do trường Đại học VinUni phối hợp cùng Bộ Khoa học và Công nghệ, Trường Kinh doanh Saïd (Đại học Oxford), Trường Kinh doanh SC Johnson (Đại học Cornell) và Trung tâm Phát triển Quốc tế (Đại học Duke) tổ chức ngày 6-7/12 tại Trường Đại học VinUni (Hà Nội) với chủ đề “Vì tương lai xanh”.

Sự kiện quy tụ các chuyên gia quốc tế trong các lĩnh vực đổi mới sáng tạo, chính sách xanh, công nghệ xanh, môi trường bền vững và kinh doanh xanh. Mục tiêu chính là thúc đẩy chuyển đổi xanh toàn cầu, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và xây dựng mô hình tăng trưởng bền vững.

Tại Hội thảo, Giáo sư Soumitra Dutta - Hiệu trưởng Trường Kinh doanh Saïd Đại học Oxford (Vương Quốc Anh) đã có bài trình bày với chủ đề "Nâng cao hiệu quả quản lý đổi mới sáng tạo trong bối cảnh chuyển đổi xanh: Góc nhìn từ những kết quả ban đầu của VIIR (Vietnam Innovation Index Research)."

 Giáo sư Soumitra Dutta - Hiệu trưởng Trường Kinh doanh Saïd Đại học Oxford (Vương Quốc Anh). (Ảnh: PV/Vietnam+)

Giáo sư Soumitra Dutta - Hiệu trưởng Trường Kinh doanh Saïd Đại học Oxford (Vương Quốc Anh). (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo Giáo sư Soumitra Dutta, trong việc đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế xanh và tăng trưởng xanh tại Việt Nam, điều quan trọng nhất là Việt Nam cần tạo ra một tiềm năng con người, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp để đổi mới sáng tạo. Bởi trong bối cảnh thế giới là thế giới đang thay đổi rất nhanh về mặt công nghệ, nếu không có đổi mới sáng tạo thì Việt Nam sẽ bị bỏ lại phía sau trong.

Theo nghiên cứu về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của VIIR, trong 10 năm gần đây Việt Nam vẫn có một bước nhảy vọt, tuy nhiên trong 5 năm gần đây thì tốc độ tăng trưởng về thứ hạng của Việt Nam đã chậm lại. Do đó, Việt Nam cần quan tâm nhiều hơn đến tốc độ và việc đầu tư cho đổi mới sáng tạo vì tất cả các nước khác đều đang đầu tư rất nhiều cho lĩnh vực này.

Tại hội thảo, Giáo sư Edmund J. Malesky - Giám đốc Trung tâm Phát triển Quốc tế Trường Chính sách công Sanford Đại học Duke (Hoa Kỳ) đã có bài thuyết trình về "Hoạch định chính sách như chất xúc tác cho tăng trưởng xanh: Quản lý và đo lường tác động của các chính sách xanh."

 Giáo sư Edmund J. Malesky - Giám đốc Trung tâm Phát triển Quốc tế Trường Chính sách công Sanford Đại học Duke (Hoa Kỳ). (Ảnh: PV/Vietnam+)

Giáo sư Edmund J. Malesky - Giám đốc Trung tâm Phát triển Quốc tế Trường Chính sách công Sanford Đại học Duke (Hoa Kỳ). (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đối với Việt Nam, Giáo sư Edmund J. Malesky đưa ra 5 khuyến nghị chính. Đó là vấn đề về lên kế hoạch phải có tính lâu dài, định hướng lâu dài; Việc hỗ trợ đầu tư tài chính cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo xanh được hiệu quả; Phía cơ quan quản lý đưa ra chính sách ưu tiên cho chuyển đổi xanh; Tiếp đó là việc hỗ trợ về tài chính, về đầu tư thông qua hợp tác công tư PPP; Sự đảm bảo công bằng với các đối tượng trong quá trình chuyển đổi xanh này bởi có nhiều người sẽ bị ảnh hưởng chẳng hạn như người nông dân, người trồng cây lâm nghiệp... Do vậy, các cơ quan chức năng phải có cơ chế để bảo vệ người dân có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi chuyển đổi quá trình chuyển đổi xanh.

Tại hội thảo, các phiên thảo luận song song về các chủ đề như chuyển đổi xanh, giáo dục xanh, và y tế xanh, với sự tham gia của gần 250 tác giả từ 12 quốc gia được dẫn dắt bởi các chuyên gia như: Giáo sư David Reibstein (Trường Đại học Pennsylvania) và Giáo sư Ermias Kebreab (Trường Đại học California, Davis). Hội thảo là cơ hội để kết nối các nhà khoa học, doanh nghiệp và chính phủ trong việc thúc đẩy sáng tạo và phát triển bền vững tại Việt Nam.

Hội thảo năm nay quy tụ các lãnh đạo khu vực công, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, và đại điện các doanh nghiệp nhằm thảo luận về những xu hướng mới nhất trong đổi mới sáng tạo và ứng dụng vào phát triển bền vững.

Điểm nhấn của hội thảo là các kết quả không chỉ dừng lại ở các trao đổi, mà hướng đến việc ứng dụng các giải pháp vào thực tế. Từ các cam kết toàn cầu đã thành chiến lược quốc gia, thông qua hội thảo sẽ chuyển thành các kế hoạch hành động ở quy mô địa phương, ngành và doanh nghiệp việc ứng dụng các giải pháp vào thực tế. Đây là diễn đàn quốc tế đầu tiên tại Việt Nam về đổi mới sáng tạo hướng đến phát triển kinh tế xanh có tính liên ngành, có sự tham gia của 3 bên: học thuật, hoạch định chính sách, thực tiễn./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/ket-noi-cac-nha-khoa-hoc-doanh-nghiep-vi-tuong-lai-xanh-o-viet-nam-post999620.vnp