Kênh Đông Củ Chi - Biểu tượng của ý chí và sáng tạo

Trải qua 40 năm hình thành và phát triển, kênh Đông Củ Chi không chỉ hoàn thành xuất sắc sứ mệnh thủy lợi phục vụ nông nghiệp, tạo nên những cánh đồng màu mỡ, trù phú trên vùng 'đất thép thành đồng' mà còn góp phần bảo đảm nguồn nước sinh hoạt, phục vụ công nghiệp, phát triển các mô hình nông nghiệp hiện đại và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương.

 Kênh Đông là mắt xích để ngành nông nghiệp Củ Chi cất cánh và là bản lề để kinh tế, xã hội địa phương phát triển.

Kênh Đông là mắt xích để ngành nông nghiệp Củ Chi cất cánh và là bản lề để kinh tế, xã hội địa phương phát triển.

Công trình là minh chứng sinh động cho sự đoàn kết, đồng lòng của chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước sau ngày thống nhất.

“Địa đạo mặt đất” thời bình

Dẫn chúng tôi dọc theo dòng kênh Đông, anh Chu Văn Huỳnh, Phó Phòng Thủy nông (Công ty TNHH MTV Quản lý Khai thác Dịch vụ Thủy lợi Thành phố Hồ Chí Minh) không giấu được niềm tự hào: “Kênh Đông như mạch sống nuôi dưỡng vùng đất này. Nhờ có nước từ kênh, đất đai phì nhiêu, mùa màng bội thu, đời sống người dân từng bước khấm khá, nhiều hộ đã vươn lên làm giàu”.

Dọc theo con kênh là những mảng xanh trải dài của lúa, hoa màu, rau sạch, thủy canh, vườn lan và cả những mô hình du lịch sinh thái. Dòng nước mát lành từ kênh Đông còn được người dân tận dụng để nuôi trồng thủy sản, trong đó có cả những loại cá cảnh có giá trị kinh tế cao.

Thật khó tin rằng nơi đây từng là vùng đất hoang hóa, nghèo nàn, đầy rẫy hố bom, bãi mìn. Ông Lê Hữu Đức, nguyên Bí thư Huyện ủy Củ Chi nhớ lại: Sau giải phóng, bà con còn phải ăn củ mì thay cơm, chỉ biết trông chờ vào mùa mưa để canh tác. Nhiều vụ mùa thất bát, lúa trổ bông cũng chỉ để cho bò ăn. Trong hoàn cảnh ấy, giải pháp thủy lợi trở thành yêu cầu cấp thiết để bảo đảm an ninh lương thực cho địa phương. Năm 1981, cùng với công trình hồ Dầu Tiếng, tuyến kênh chính Đông được thiết kế để dẫn nước về phía Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, trước yêu cầu cấp bách về nước tưới, Củ Chi đã chủ động triển khai đào kênh cấp 2, cấp 3 và hệ thống kênh nội đồng trước cả khi kênh chính hoàn thiện. Toàn huyện huy động sức dân, từ nông dân, cán bộ, giáo viên đến nhà sư, tu sĩ; tất cả đều tham gia ít nhất 15 ngày công để đào kênh. “Không phân biệt ai với ai, tất cả cùng vác cuốc, xẻng ra đồng. Những tiếng cười nói rộn rã, những bài ca cổ động, những câu chuyện động viên nhau giữa trưa nắng như tiếp thêm sức mạnh. Đó là một đại công trường thật sự - công trình của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”, ông Đức hào hứng. Để hoàn thành hàng trăm km kênh dẫn, hơn 700 ha đất của người dân đã được tự nguyện hiến để phục vụ công trình. Người dân hiểu rằng, có đất mà không có nước thì cũng không thể làm gì. Củ Chi đã vận động, tuyên truyền bằng tinh thần vì cái chung, vì tương lai con cháu. Đó là truyền thống của vùng “đất thép”.

Ngày nước về, hàng nghìn người dân kéo ra hai bên bờ kênh reo vui, xúc động. Từ đây, người nông dân Củ Chi không còn lệ thuộc vào thời tiết. Nhờ chủ động nguồn nước tưới, sản xuất phát triển với ba vụ mỗi năm, năng suất tăng mạnh, đời sống nông thôn chuyển biến rõ rệt. Một “cuộc cách mạng nước” đã thật sự đổi thay diện mạo Củ Chi - mảnh đất từng chịu nhiều mất mát trong chiến tranh, nay vươn mình mạnh mẽ trong thời bình. Khi chiến tranh người dân Củ Chi đào hầm, làm hàng trăm km địa đạo dưới lòng đất. Ở thời bình người dân lại cùng nhau đào hàng trăm km kênh, được ví như một “địa đạo trên mặt đất”.

Đổi thay vùng đất thép

Theo ông Nguyễn Văn Đam, Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý Khai thác Dịch vụ Thủy lợi Thành phố Hồ Chí Minh, ban đầu kênh Đông chủ yếu phục vụ nông nghiệp. Tuy nhiên, sau một thời gian vận hành, kênh lộ rõ nhược điểm: mất nước do thấm và phải dừng hoạt động định kỳ để duy tu sửa chữa. Từ năm 2000, hệ thống kênh đã được đầu tư kiên cố hóa, đồng bộ hóa, nâng cao hiệu quả phục vụ sản xuất.

Từ năm 2010 đến nay, ngành thủy lợi thành phố tiếp tục hiện đại hóa công tác vận hành kênh bằng việc đưa hệ thống SCADA vào theo dõi, kiểm soát lượng nước theo thời gian thực. Việc áp dụng chuyển đổi số, hiện đại hóa hệ thống vận hành đang giúp nâng cao năng lực cung cấp nước của kênh Đông, hướng đến mục tiêu gấp đôi công suất hiện tại trong tương lai. Đây là giải pháp quan trọng bảo đảm an ninh nguồn nước - một trong những vấn đề trọng yếu trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp.

Đáng chú ý, nhờ điều tiết hiệu quả, phần nước dư được chuyển sang phục vụ sinh hoạt. Hiện nay, kênh Đông cấp khoảng 240 nghìn m³/ngày cho Nhà máy nước kênh Đông, 200 nghìn m³/ ngày cho Nhà máy Tân Hiệp và 40 nghìn m³/ngày cho khu vực Củ Chi. Ngoài ra, còn cấp từ 5.000-10.000 m³/ngày cho Khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi. Kênh đã đóng vai trò quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Không chỉ tưới tiêu cho hàng chục nghìn héc-ta lúa, hoa màu, nguồn nước từ kênh còn phục vụ sinh hoạt, phát triển công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao. Nhiều mô hình kinh tế mới đã được hình thành, từ trồng rau sạch, nuôi cá cảnh đến du lịch trải nghiệm.

Tận dụng lợi thế nguồn nước sạch, nhiều hộ dân và doanh nghiệp tại Củ Chi đã xây dựng thành công các mô hình sản xuất nông nghiệp đặc thù. Chị Nguyễn Thị Thu Thủy - quản lý cơ sở nuôi cá rồng của Công ty TNHH Cá rồng Hồng Anh (xã Phước Thạnh) cho biết: “Nhờ nước từ kênh Đông bảo đảm chất lượng, cơ sở chúng tôi không chỉ duy trì tốt việc nuôi cá giống mà còn nhân giống thành công nhiều dòng cá rồng quý hiếm, có giá trị cao. Sản phẩm đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố và thị trường xuất khẩu”.

Không chỉ là nguồn nước, kênh còn mang lại cảnh quan môi trường sạch đẹp, thuận tiện cho giao thông và phát triển dịch vụ. Những con đường dọc kênh được bê-tông hóa, thông suốt, tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa, đi lại của người dân. Giám đốc Nguyễn Văn Đam khẳng định: “Kênh Đông là mắt xích quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của thành phố. Không chỉ phục vụ tưới tiêu, kênh còn góp phần bảo đảm nước sạch, phát triển công nghiệp, nâng cao chất lượng sống. Đây là công trình tiêu biểu cho tinh thần vì cộng đồng, gắn kết lợi ích của người dân với định hướng phát triển của thành phố”.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/kenh-dong-cu-chi-bieu-tuong-cua-y-chi-va-sang-tao-post876089.html