Kế hoạch táo bạo của không quân Mỹ

Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để điều khiển máy bay trong điều kiện tác chiến cường độ cao đang là mục tiêu triển khai bởi không quân Mỹ.

Nếu quân đội Mỹ đối mặt với một cuộc xung đột trong tương lai, hệ thống định vị toàn cầu bằng vệ tinh (GPS) và các công nghệ điều hướng hiện đại khác nhiều khả năng trở thành “nạn nhân” hàng đầu bị đối phương nhắm đến.

Theo Business Insider, một trong những giải pháp đối phó mà không quân Mỹ ấp ủ là dùng AI để điều hướng tại môi trường bị nhiễu loạn, không có tín hiệu GPS. Đơn cử, không quân Mỹ tiến hành thử nghiệm sử dụng chương trình AI để điều khiển một máy bay vận tải C-17 dựa vào từ trường trái đất. Không quân Mỹ đánh giá, AI đã “học” được cách nhận biết nên sử dụng tín hiệu nào để có thể hướng dẫn máy bay đi đúng đường.

Máy bay chiến đấu X-62A Vista (phía trước) bay cùng tiêm kích F-16 có người lái trong một cuộc thử nghiệm. Ảnh: Không quân Mỹ

Máy bay chiến đấu X-62A Vista (phía trước) bay cùng tiêm kích F-16 có người lái trong một cuộc thử nghiệm. Ảnh: Không quân Mỹ

Thời gian qua, nhiều cường quốc quân sự tích cực phát triển các vũ khí có thể tiêu diệt vệ tinh trên quỹ đạo cũng như những thiết bị tác chiến điện tử có thể can thiệp, gây nhiễu tín hiệu vệ tinh. Mặt khác, quân đội Mỹ lại sở hữu nhiều loại khí tài gần như phụ thuộc hoàn toàn vào GPS, đặc biệt là trong nhiệm vụ dẫn đường và nhắm mục tiêu. Do đó, việc Lầu Năm Góc quan tâm đến phương pháp sử dụng AI để dẫn đường thay GPS cho thấy lo ngại ngày càng tăng của Washington trước kịch bản phải tác chiến dưới điều kiện không có định vị vệ tinh.

Cùng với đó, vừa qua không quân Mỹ còn thực hiện một chuyến bay lịch sử khi thử nghiệm máy bay chiến đấu X-62A Vista, được cải tiến từ tiêm kích F-16 và trang bị tính năng phi công AI, với hành khách đặc biệt, đó là Bộ trưởng Không quân nước này Frank Kendall. Máy bay trên bay cạnh một chiếc F-16 có phi công trong khoảng một giờ đồng hồ.

Trong quá trình trên, hai máy bay liên tục thực hiện các động tác để đẩy chiếc còn lại vào thế khó, nhằm mô phỏng tình huống tác chiến thực tế. Sau khi kết thúc hành trình, ông Kendall thậm chí khẳng định đã trải nghiệm đủ để tin tưởng trao cho AI quyền quyết định khai hỏa vũ khí trong trường hợp xảy ra xung đột.

Thực tế, việc thử nghiệm máy bay do AI điều khiển tham gia không chiến với máy bay có người lái đã được lực lượng này tiến hành từ tháng 9-2023. “Không sở hữu máy bay chiến đấu điều khiển bằng AI là rủi ro an ninh. Chúng tôi phải sở hữu nó”, Bộ trưởng Không quân Mỹ từng nhấn mạnh.

AI được coi là nằm trong số những công nghệ chính của thế kỷ 21 và trở nên phổ biến trong cuộc sống hằng ngày. Đặc biệt, quân đội nhiều nước đã và đang đưa AI vào các hệ thống vũ khí trang bị hiện đại, cho phép chúng tác chiến hiệu quả, ít phụ thuộc hơn vào sự điều khiển của con người.

Riêng với lĩnh vực hàng không quân sự, AI là một trong những bước tiến lớn nhất kể từ sau sự xuất hiện của công nghệ tàng hình vào đầu thập niên 1990. AP cho biết không quân Mỹ đang tích cực đầu tư vào AI và thậm chí có kế hoạch xây dựng lực lượng gồm hơn 1.000 máy bay chiến đấu không người lái do công nghệ này điều khiển, với chiếc đầu tiên dự kiến được vận hành từ năm 2028.

Nhận thức về tiềm năng của AI là rất quan trọng để tận dụng nó cho các hoạt động quân sự hiện đại. Điều quan trọng không kém là nhận thức về các rủi ro an ninh tiềm ẩn và các vấn đề đạo đức có thể phát sinh khi AI được sử dụng trong bối cảnh quân sự. Thí dụ, các chuyên gia lo ngại nguy cơ trong tương lai AI có thể bị lạm dụng cho mục đích quân sự hoặc có khả năng tự động thả bom mà không cần xin mệnh lệnh của con người.

Do đó, cần sớm có những quy định, điều luật quốc tế để giám sát những nghiên cứu liên quan đến AI. Cuối năm ngoái, 46 quốc gia, trong đó có Mỹ, Đức, Nhật Bản và Hàn Quốc, đã ra tuyên bố chung nêu bật việc sử dụng AI một cách “có trách nhiệm” trong lĩnh vực quân sự. Mới nhất, vào giữa tháng 5 này, Hội đồng châu Âu (EC) đã thông qua hiệp ước toàn cầu đầu tiên mang tính ràng buộc về mặt pháp lý liên quan tới quy định quản lý việc sử dụng AI nói chung. Các quốc gia ngoài Liên minh châu Âu (EU) cũng có thể tham gia hiệp ước này.

VĂN HIẾU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/vu-khi-trang-bi/ke-hoach-tao-bao-cua-khong-quan-my-778327