Kế hoạch Chiến thắng của Tổng thống Ukraine gồm những gì?
Tổng thống Ukraine Zelensky tỏ ra sốt sắng và tự tin về 'Kế hoạch Chiến thắng' do ông soạn thảo nhằm chấm dứt xung đột với Nga. Ông vẫn bày tỏ lạc quan Tổng thống Mỹ Biden sẽ đổi ý trong cuộc gặp song phương tại Washington, từ đó trao cơ hội cho Ukraine tạo đột phá, xoay chuyển tình thế trên chiến trường.
Vũ khí tầm xa - điểm then chốt trong kế hoạch của ông Zelensky
Dự kiến Tổng thống Ukraine Zelensky sẽ trình “Kế hoạch Chiến thắng” của ông lên Tổng thống Mỹ Biden trong chuyến thăm Washington sắp tới.
Ông Zelensky đã hối thúc Tổng thống Biden cho phép Ukraine tiến hành những cuộc tập kích tầm xa bên trong lãnh thổ nước Nga bằng vũ khí do Mỹ cung cấp, từ đó tạo ra bước ngoặt trong lịch sử trước khi ông Biden kết thúc nhiệm kỳ tổng thống.
Ông Zelensky chưa công bố tầm nhìn của mình về giành chiến thắng và chấm dứt xung đột quân sự nhưng trong một cuộc họp báo, ông nói rằng kế hoạch của mình liên quan việc sử dụng tên lửa phương Tây để tập kích tầm xa vào bên trong nước Nga - điều mà Mỹ và Anh cho tới nay vẫn từ chối cho phép.
Hôm 20/9/2024, khi trao đổi với các phóng viên, ông Zelensky nhấn mạnh rằng những hành động cụ thể trong phương án của ông “phụ thuộc hoàn toàn vào các đối tác”.
Theo ông Zelensky, bản kế hoạch này có một danh sách các bước đi cụ thể và cần thiết mà Ukraine cần các đối tác của mình hoàn thành vào cuối tháng 12 tới. Ông cho biết, các nét lớn trong bản kế hoạch này bao gồm củng cố năng lực vũ khí của Ukraine, vị thế của Ukraine trong cấu trúc an ninh toàn cầu, và hợp tác kinh tế.
Tổng thống Zelensky khẳng định: Kế hoạch này là “cầu nối tới bất cứ giai đoạn nào của nỗ lực chấm dứt chiến tranh”. Đây là cầu nối “củng cố Ukraine về chính trị, về vũ khí và về tương lai của Ukraine sau chiến tranh”.
Tổng thống Zelensky xác nhận ông vẫn chưa nhận được tín hiệu “đèn xanh” về sử dụng vũ khí tầm xa dù đã mất nhiều tháng vận động hành lang cấp cao. Ông nói: “Cả Mỹ và Anh đều không cho phép chúng tôi dùng những vũ khí này để tấn công lãnh thổ Nga, nhằm vào bất cứ mục tiêu nào và ở bất kỳ cự ly nào”.
Bên cạnh đó, ông Zelensky nói thêm rằng tên lửa Storm Shadow và tên lửa ATACMS được cung cấp cho Ukraine với số lượng thấp hơn mức họ mong muốn. Ông giải thích sự lưỡng lự này là do các đối tác quốc tế e ngại làm leo thang xung đột với Nga. Moscow đã khéo léo tận dụng nỗi sợ này của phương Tây, sử dụng các cảnh báo hạt nhân và phát ngôn về lằn ranh đỏ để làm chùn bước phương Tây, khiến họ không dám dỡ bỏ rào cản đối với cách thức Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa của phương Tây.
Về cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Biden sắp tới, nhà lãnh đạo Ukraine bày tỏ lạc quan rằng ông Biden từng “thay đổi quan điểm” sau “những lần thảo luận đầy khó khăn”. Ông Zelensky cũng lưu ý rằng một số phụ tá của ông Biden ủng hộ việc tập kích, mà theo ông Zelensky đây cũng là “một thành tựu”.
Tổng thống Zelensky nói: “Ngài Biden có thể củng cố Ukraine và đưa ra những quyết định quan trọng để giúp Ukraine trở nên mạnh hơn, bảo vệ được nền độc lập của mình khi ông ấy còn làm tổng thống. Tôi cho rằng đây là một sứ mệnh lịch sử”.
Ông Zelensky cho biết, tình hình ở miền Đông vẫn rất khó khăn với Ukraine. Theo ông, Kiev cần vũ khí tầm xa để chống lại các cuộc tấn công của Nga bằng bom lượn. Ông kể, sau màn bom lượn, Nga sẽ nã pháo ồ ạt rồi tung bộ binh lên đánh chiếm mục tiêu.
Tuần trước, Tổng thống Putin nói rằng nếu Ukraine dùng vũ khí Mỹ để đánh vào lãnh thổ Nga, điều đó đồng nghĩa với việc khối quân sự NATO lâm chiến chống Nga. Và Tổng thống Putin đã đưa ra những cảnh báo cứng rắn nhằm vào phương Tây.
Trông cậy UAV để xoay chuyển tình thế trước mắt
Trong lúc chờ đợi thêm viện trợ vũ khí từ phương Tây, Ukraine đã thực hiện một trong những cuộc tập kích UAV lớn nhất trong toàn xung đột Nga - Ukraine vào sáng ngày 18/9/2024, gây ra vụ nổ lớn tại kho vũ khí nằm sâu trong lãnh thổ Nga.
Theo các nguồn tin Ukraine, vụ tấn công đó sử dụng hơn 100 UAV tầm xa do Ukraine tự chế tạo và nhằm vào một cơ sở lớn cất trữ đạn dược của Nga tại thị trấn Toropets ở tỉnh Tver nằm về phía Tây Nam thủ đô Moscow. Kho đạn dược này chứa đạn súng trường, đạn cối, rocket và tên lửa đạn đạo tầm xa, có thể bao gồm cả tên lửa Iskander.
Đến sáng 21/9, Ukraine lại tiến hành thêm một vụ tập kích UAV lớn nữa vào thị trấn Tikhoretsk ở miền Nam Nga, cách biên giới với Ukraine là 322km. Trong vụ mới nhất này, có thông tin nói rằng Ukraine sử dụng “UAV tên lửa” Palianytsia đẩy bằng động cơ phản lực
Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine cho hay, kho Tikhoretsk “là 1 trong 3 căn cứ lưu trữ đạn dược lớn nhất của Nga, đóng vai trò then chốt trong hệ thống hậu cần của quân đội Nga”. Cơ quan này ước tính có tới 2.000 tấn đạn dược tại đây khi UAV Ukraine đánh vào.
Ukraine khởi động chiến dịch tập kích đường không bằng UAV tầm xa vào tháng 1/2024. Từ đó đến nay, UAV Ukraine đã tấn công hàng chục mục tiêu giá trị tại Nga, bao gồm nhà máy lọc dầu, căn cứ không quân, cơ sở sản xuất vũ khí và các vị trí quân sự khác.
Trước đó, Ukraine chủ trương tập trung nguồn lực hạn hẹp của mình vào thúc đẩy phát triển và sản xuất nội địa các UAV tầm xa. Giờ đây khi có thêm các UAV tự sản xuất này, Ukraine mở rộng các cuộc tập kích đường không vào những vị trí ở Nga nằm cách biên giới hai nước tới 1.000km mà không phải dùng đến tên lửa tầm xa của phương Tây.
Trước năm 2024, Ukraine tập kích Nga bằng UAV tầm xa đáng kể nhưng lại có sức công phá thấp hơn. Còn vừa qua, họ sử dụng UAV tầm ngắn hơn một chút nhưng mang theo chất nổ có sức hủy diệt lớn hơn nhiều.
Mục tiêu mà chiến dịch tập kích UAV tầm xa 2024 nhắm tới là phá hoại sức mạnh quân sự của Nga cùng ngành năng lượng Nga - ngành có tầm quan trọng đặc biệt đối với kinh tế Nga.
Ngoài ra, dường như Ukraine cũng mong mỏi thông qua những cuộc tập kích UAV như thế này, họ sẽ lay chuyển được quyết định của các đồng minh lớn phương Tây trong vấn đề sử dụng vũ khí tầm xa.