Jeju khủng hoảng

'Cuộc chiến' chống miếng ba rọi 98% mỡ thời gian gần đây đã khiến cho cuộc khủng hoảng du lịch ở Jeju (Hàn Quốc) thêm trầm trọng.

 Khu phố ăn uống của Jeju vắng bóng du khách. Ảnh: Kim Young-heon/Korea Times.

Khu phố ăn uống của Jeju vắng bóng du khách. Ảnh: Kim Young-heon/Korea Times.

Black Pork Street ở Geonip-dong, Jeju nổi tiếng với các nhà hàng đặc sản thịt lợn đen và thu hút lượng lớn du khách. Nhưng giờ đây, không khí ảm đạm bao trùm con phố này, trái ngược với sự nhộn nhịp trước đây.

Tối thứ 2, mặc dù đang là giờ ăn uống, các nhà hàng vẫn trống nhiều chỗ và nhân viên đứng hẳn ra ngoài để mời mọc khách ghé vào. Khung cảnh này không giống với thời gian trước đại dịch khi con phố luôn chật cứng du khách.

Các chủ nhà hàng địa phương cho biết sau Covid-19, lượng khách nước ngoài cũng như khách nội địa đều giảm khiến tình hình buôn bán khó khăn.

Ngoài ra, tranh cãi gần đây về những miếng ba chỉ quá nhiều mỡ cũng ảnh hưởng đến việc kinh doanh của họ.

Cụ thể, một khách du lịch ẩn danh đã đăng những bức ảnh về món thịt ba rọi hay còn gọi là "samgyeopsal" của Jeju tại một nhà hàng địa phương, khẳng định miếng thịt có tới 98% là mỡ, dẫn tới làn sóng bức xúc của dư luận.

 Cuộc tranh luận về miếng thịt ba rọi quá mỡ ảnh hưởng đến kinh doanh của các nhà hàng tại Jeju. Ảnh: Bobaedream.

Cuộc tranh luận về miếng thịt ba rọi quá mỡ ảnh hưởng đến kinh doanh của các nhà hàng tại Jeju. Ảnh: Bobaedream.

Bài đăng cùng hình ảnh đi kèm viral đến mức Thống đốc Jeju Oh Young-hun đã tổ chức họp báo vào đầu tháng 5, tuyên bố chính quyền sẽ rà soát lại hoạt động chăn nuôi lợn ở tỉnh và có nhiều biện pháp quản lý chặt chẽ hơn. Thống đốc Oh xác nhận chính quyền đã bắt đầu kiểm tra hoạt động của các nhà hàng samgyeopsal trên địa bàn.

Các chủ kinh doanh khác than thở rằng chỉ vì sai lầm của một nhà hàng đã ảnh hưởng xấu đến những người khác, bôi xấu hình ảnh và làm du khách mất niềm tin vào thịt lợn Jeju, kéo doanh số bán hàng giảm mạnh.

Một chủ nhà hàng thịt lợn đen nổi tiếng ở trung tâm thành phố Jeju chia sẻ hiện nay nhiều khách hàng kiểm tra thịt xem có bị mỡ quá hay không ngay khi nhận được, và yêu cầu thay thế nếu thấy không đạt yêu cầu.

Nhu cầu du lịch nước ngoài tăng cao do dịch bệnh Covid-19 cũng đã khiến lượng khách du lịch trong nước đến thăm Jeju giảm mạnh.

Theo Hiệp hội Du lịch Jeju, tính đến ngày 22/5, có 4,58 triệu khách du lịch nội địa đã đến thăm Jeju, giảm 8,4% so với một năm trước đó. Số lượng khách du lịch nội địa đạt đỉnh 13,8 triệu vào năm 2022 nhưng đã giảm xuống còn 12,66 triệu vào năm ngoái. Nếu xu hướng giảm này tiếp tục, dự kiến con số này sẽ giảm xuống còn khoảng 11 triệu trong năm nay.

Khách du lịch nội địa chiếm khoảng 90% ngành du lịch của Jeju, bởi vậy sự sụt giảm của nhóm khách này đã ảnh hưởng đến doanh thu của các cơ sở lưu trú, nhà hàng và thậm chí cả các sân golf địa phương.

Cuộc tranh cãi về miếng "samgyeopsal" gần đây đã khiến tình hình trở nên trầm trọng hơn.

Một du khách 45 tuổi cho biết: "Nhiều người tôi biết thích đi du lịch nước ngoài với chi phí bằng một chuyến đi đến Jeju. Với cùng một mức giá, ai mà chọn Jeju vì giá cao và cảm thấy không thân thiện cơ chứ".

Các chuyên gia đều nhất trí rằng để vượt qua khủng hoảng ngành du lịch Jeju, việc tập trung cung cấp dịch vụ chất lượng cao là điều cần thiết.

Moon Sung-jong, giáo sư quản lý du lịch tại Đại học Cheju Halla, cho biết: "Chúng ta cần tạo ra nhu cầu cho khách du lịch nội địa và thiết lập các biện pháp mới và sáng tạo để cải thiện hình ảnh du lịch của Jeju. Trên hết, ngành du lịch phải hứa hẹn giá cả hợp lý và chất lượng phục vụ tốt".

Một yếu tố tiêu cực khác là lượng khách du lịch nước ngoài đến Jeju tăng nhưng mức chi tiêu của họ lại giảm.

Theo Hiệp hội Du lịch Jeju, tính đến cuối tháng 4, đã có 542.000 du khách nước ngoài đến thăm nơi này, tăng mạnh so với 100.000 du khách một năm trước đó.

Tuy nhiên, mức chi tiêu của khách du lịch Trung Quốc, từng được coi là những người chi tiền mạnh tay, đã giảm xuống và khách du lịch ở độ tuổi 30-40, những người có khả năng chi tiêu cao hơn, không đến thăm nhiều, dẫn đến mức tiêu dùng tổng thể giảm.

Tổng chi tiêu trung bình của mỗi du khách nước ngoài năm ngoái là 1.034 USD (1,41 triệu won), mức thấp nhất trong 5 năm qua.

Đinh Phạm

Theo Korea Times

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/jeju-khung-hoang-post1477432.html