JAS 39 Gripen chặn thành công Su-30SM trên biển Baltic?

Tiêm kích JAS 39 Gripen được các quốc gia Bắc Âu tin dùng và coi là phương tiện hữu hiệu để đối phó chiến đấu cơ hạng nặng của Không quân Nga.

Vào hôm 15/8, máy bay chiến đấu hạng nhẹ JAS 39 Gripen của Không quân Hungary đã cất cánh để đánh chặn tiêm kích hạng nặng Su-30SM Flanker thuộc biên chế Không quân Hải quân Nga trên bầu trời biển Baltic.

Theo thông báo từ phía Hungary, tiêm kích Su-30SM của Nga đã bỏ đi sau khi chiếc JAS 39 Gripen xuất hiện và kèm sát bên hông. Kết quả của hành động trên được thông báo là đã thành công và đạt yêu cầu nhiệm vụ đề ra.

Tiêm kích JAS 39 Gripen mặc dù là tiêm kích hạng nhẹ nhưng nó được Thụy Điển thiết kế với mục đích chính là để đối đầu với tiêm kích hạng nặng của Không quân Nga, trong lần đụng độ vừa qua nó đã phần nào thể hiện rõ vai trò của mình.

Tiêm kích JAS 39 Gripen của Không quân Hungary kèm sát Su-30SM của Không quân Hải quân Nga

Thiết kế của JAS-39 với cặp cánh delta lớn và cánh mũi mang đậm chất châu Âu, máy bay có ưu điểm là rất linh hoạt, có thể cất hạ cánh trên đường băng ngắn chỉ 800 m, trong quá trình chiến đấu chỉ cần mất vài phút tái nạp nhiên liệu và vũ trang là lại có thể cất cánh.

Bên cạnh đó, JAS-39 còn được trang bị những hệ thống điện tử hàng không hiện đại bậc nhất trong đó nổi bật là radar xung Doppler PS-05/A của liên doanh Ericsson và GEC-Marconi có độ chính xác và mức độ tin cậy rất cao.

Các công nghệ ứng dụng trên JAS-39 bao gồm 67% của Thụy Điển và châu Âu còn lại 33% là của Mỹ. Các quốc gia sử dụng đánh giá cao JAS-39 ở đặc tính nhỏ gọn, khả năng cơ động cao, dễ sử dụng và chi phí bảo trì rẻ.

Chiến đấu cơ Su-30SM của Nga đã phải bỏ đi sau khi nhận thấy thất thế trước JAS 39 vì số lượng và chủng loại vũ khí mang theo

Trong vụ đụng độ vừa qua, tiêm kích Su-30SM của Không quân Hải quân Nga đã gặp phải bất lợi lớn trước JAS 39 Gripen khi nó chỉ mang theo tên lửa không đối không trong tầm nhìn loại R-73 đã tương đối lạc hậu.

Còn chiếc JAS 39, nó được trang bị đầy đủ cả vũ khí không chiến trong lẫn ngoài tầm nhìn với tên lửa AIM-120 AMRAAM và AIM-9X Siderwinder do Mỹ sản xuất. Bên cạnh lợi thế về tác chiến tầm xa thì kể cả trong tầm ngắn với tên lửa AIM-9X có khả năng khóa mục tiêu sau khi phóng thì phần thắng vẫn nghiêng hẳn về chiếc Gripen.

Đối với nhiệm vụ vừa qua, JAS 39 Gripen chưa mang theo tên lửa không chiến ngoài tầm nhìn tối tân nhất của mình là Meteor, vũ khí này tạo ra "Vùng không thể trốn thoát - NEZ" lớn nhất so với các đối thủ, không phải ngẫu nhiên mà Thụy Điển gọi chiếc tiêm kích của mình là khắc tinh của Su-35.

Chí Linh

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/jas-39-gripen-chan-thanh-cong-su-30sm-tren-bien-baltic-3385901/