IRGC - lực lượng quân sự đáng gờm hàng đầu của Iran tại Trung Đông
Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) là lực lượng quân sự có sức mạnh và vị thế chính trị ở Trung Đông, có nhiệm vụ chính là loại trừ các mối đe dọa với nhà nước Iran.
Trong động thái được mô tả là nhằm trả thù cho cái chết của thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah, lãnh đạo Hamas Ismail Haniyeh và chuẩn tướng IRGC Abbas Nilforoushan, IRGC đêm 1/10 thông báo tiến hành chiến dịch "Lời hứa Đích thực 2", khai hỏa khoảng 200 tên lửa các loại vào 3 căn cứ quân sự Israel gần thành phố Tel Aviv gồm sân bay Nevatim, Tel Nof và Hatzerim.
Hình ảnh do truyền thông khu vực đăng tải cho thấy tên lửa Iran gây ra các vụ nổ ở Israel. IRGC sau đó khẳng định 90% tên lửa đánh trúng đích. Truyền thông Iran cho rằng, các căn cứ của Israel bị hư hại và Tel Aviv đã mất một số tiêm kích F-35 cũng như trận địa phòng không Arrow 2/3.
Dù Israel chưa nêu chi tiết các khu vực bị tấn công và thiệt hại, nhưng quy mô của đòn tập kích đã cho thấy một phần năng lực quân sự đáng gờm của IRGC.
Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian cùng ngày khẳng định, nước này "không tìm kiếm chiến tranh" với Israel, nhưng sẽ kiên quyết tự vệ trước mọi mối đe dọa. Ông cũng tuyên bố, cuộc tấn công tên lửa vào Israel "chỉ là phần nổi của tảng băng".
New York Times cho biết, IRGC là nhánh quân sự quan trọng hàng đầu trong các lực lượng vũ trang Iran, bên cạnh quân đội truyền thống và cảnh sát vũ trang. Trong đó, quân đội truyền thống Iran do Bộ trưởng Quốc phòng - một thành viên có nhiệm kì thuộc nội các dưới quyền Tổng thống Iran, điều hành; còn lãnh đạo IRGC do lãnh tụ Tối cao Iran trực tiếp bổ nhiệm.
Theo truyền thông Iran, lãnh tụ Tối cao Iran là tổng tư lệnh của các lực lượng vũ trang Iran. Bộ Tổng tham mưu Các lực lượng vũ trang có vai trò điều phối các lực lượng, các quân chủng và đề ra chiến lược tổng thể, nhưng quân đội và IRGC hoạt động tương đối độc lập.
IRGC ra đời sau Cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979, có nhiệm vụ ban đầu là bảo vệ chính phủ mới thành lập và lãnh tụ Tối cao Iran Ayatollah Ruhollah Khomeini – người có quyền lực chính trị cao nhất Iran, sau này là người kế nhiệm Ayatollah Ali Khamenei.
Do chỉ báo cáo trực tiếp với lãnh tụ Tối cao, quyền lực của IRGC ít bị các thiết chế chính trị khác kiểm soát. Sau hơn 4 thập kỉ, IRGC ngày càng mở rộng. Một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc (trụ sở ở Anh) tế năm 2019 đánh giá IRGC có 125.000 quân nhân tại ngũ.
Trong khi quân đội Iran thực hiện nhiệm vụ bảo vệ lãnh thổ giống như các quân đội thông thường khác, IRGC đảm nhận vai trò bảo vệ tinh thần Cách mạng Hồi giáo Iran; chặn đứng các cuộc nổi loạn; loại trừ mối đe dọa về an ninh, quân sự với nhà nước Iran từ các đối thủ về ý thức hệ. Các thành viên IRGC coi họ là người "giữ lửa cách mạng Iran", theo New York Times.
Về cơ cấu tổ chức, IRGC có lục quân, hải quân, không quân và tình báo riêng biệt. Dù số lượng binh sĩ và thiết bị ít hơn của quân đội, nhưng chúng thường hiện đại hơn. IRGC cũng trực tiếp thực hiện chương trình tên lửa đạn đạo của Iran, được Reuters dẫn lời các chuyên gia mô tả là có quy mô lớn nhất Trung Đông.
Rất khó để xác định quy mô kho vũ khí của IRGC nhưng tướng Amir Ali Hajizadeh, tư lệnh không quân IRGC năm 2021 khẳng định họ "dẫn đầu về tên lửa và UAV ở khu vực và trên thế giới". Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Mỹ đánh giá Iran sở hữu ít nhất 8 loại tên lửa tấn công, với tầm bắn từ 300 đến 2.500km.
Trong đó có thể kể tới mẫu tên lửa đạn đạo tầm trung Sejjil tầm bắn 2.000 km; mẫu Ghadr tầm bắn 1.950 km; mẫu Emad tầm bắn 1.700 km; mẫu Zolfaghar tầm bắn khoảng 700km; hay mẫu tên lửa siêu vượt âm Fattah/ Fattah-2 tầm bắn 1.500km, được dùng để tấn công Israel ngày 1/10.
Năm 2019, báo cáo của tình báo Mỹ xác nhận, dù chịu sức ép trừng phạt trong nhiều thập kỷ, Iran vẫn thành công trong việc phát triển tên lửa và hiện đang sở hữu dàn tên lửa lớn hơn bất kỳ quốc gia Trung Đông nào khác, bao gồm Israel.
Các thành viên ưu tú nhất của IRGC đa phần thuộc Lực lượng đặc nhiệm Quds hoạt động chủ yếu bên ngoài Iran. Phương Tây cáo buộc Quds có tham gia các cuộc tấn công bí mật nhắm vào lợi ích các nước đối thủ. IRGC còn kiểm soát một đơn vị bán quân sự được gọi là Basij, có vai trò đảm bảo an ninh và ngăn các nguy cơ an ninh từ trong nội địa.
Trên khắp Trung Đông, IRGC duy trì quan hệ mật thiết với các thành viên trong "Trục kháng chiến", một mạng lưới quân sự do Iran dẫn đầu gồm Syria cùng các nhóm vũ trang như Hamas tại Dải Gaza, Hezbollah Tại Lebanon, Houthi tại Yemen và các nhóm vũ trang khác ở Syria và Iraq.
IRGC nổi tiếng về khả năng mở rộng ảnh hưởng ra bên ngoài thông qua huấn luyện lực lượng dân quân ở nước ngoài hay tham gia vào các chiến dịch quân sự như sứ mệnh chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và các nhóm phiến quân trên lãnh thổ Syria.
IRGC còn khác biệt với các nhánh khác trong lực lượng vũ trang ở tầm ảnh hưởng chính trị mạnh mẽ. Reuters cho biết, các cựu sĩ quan IRGC hiện nắm giữ nhiều vị trí chủ chốt trong các cơ quan lập pháp và hành pháp Iran. Hầu hết nội các của cựu Tổng thống Ebrahim Raisi, người qua đời vì tai nạn máy bay cách đây vài tháng, là các cựu sĩ quan IRGC.
Lực lượng này cũng được cho là kiểm soát trực tiếp và gián tiếp hàng tỷ USD hợp đồng về xây dựng, điện năng, kỹ thuật, viễn thông, truyền thông, New York Times khẳng định. Nhiều công ty lớn của Iran có liên hệ với các thành viên cấp cao IRGC hoặc do cựu thành viên IRGC điều hành.
Lãnh đạo cao nhất của IRGC hiện nay là tướng Hossein Salami, được bổ nhiệm năm 2019. Trong khi đó, chỉ huy đặc nhiệm Quds là tướng Esmail Qaani, nắm quyền từ 2020 sau khi người tiền nhiệm Qassem Soleimani bị Mỹ hạ sát trong một cuộc tấn công ở Baghdad. Trước khi bị hạ sát, ông Soleimani từng được đánh giá là nhân vật có ảnh hưởng chính trị hàng đầu Iran và có thể trở thành lãnh đạo chính phủ trong tương lai.