Indonesia ghi nhận ca COVID-19 tử vong thấp nhất kể từ tháng 4/2020
Ngày 19/11, Indonesia ghi nhận thêm 360 ca mắc COVID-19, trong khi số ca tử vong trong ngày chỉ ở mức 5 ca, mức thấp nhất kể từ tháng 4/2020.
Theo trang worldometers.info, tính đến hết ngày 19/11, các quốc gia trong khu vực ASEAN ghi nhận 27.458 ca mắc COVID-19 và 498 ca tử vong. Tổng số người mắc COVID-19 tại ASEAN từ đầu dịch hiện đã trên 13,7 triệu ca, trong đó trên 286 nghìn người tử vong.
Trong 24 giờ qua, tất cả các nước trong khối ASEAN đều ghi nhận ca COVID-19 mới; 8 quốc gia thành viên ASEAN ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Philippines, Thái Lan, Malaysia, Campuchia, Malaysia, Myanmar và Việt Nam.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Jakarta, Indonesia. Ảnh: THX
Xét về tổng số ca mắc và tử vong, Indonesia vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng lớn nhất do dịch bệnh kéo dài nhiều tháng ở mức nghiêm trọng trước đây. Tuy nhiên, trong vài tháng qua, dịch bệnh tại Indonesia đã hạ nhiệt nhanh chóng, số ca mắc và tử vong đã giảm đáng kể. Indonesia đã qua đỉnh dịch và tình hình đang khả quan hơn rõ rệt.
Thống kê cho thấy, ngày 19/11, Indonesia chỉ ghi nhận thêm 360 ca mắc COVID-19, trong khi số ca tử vong trong ngày chỉ ở mức 5 ca, mức thấp nhất kể từ tháng 4/2020. Tính đến nay, Indonesia có tổng cộng 4.252.705 ca mắc COVID-19 và 143.714 ca tử vong kể từ khi ghi nhận các ca bệnh đầu tiên hồi tháng 3/2020. Hiện số bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị tại các bệnh viện hoặc tự cách ly ở nhà chỉ còn 8.154 ca, thấp hơn rất nhiều so với mức đỉnh điểm khoảng 570.000 ca trong tháng 7 vừa qua.
Mặc dù Indonesia đã vượt qua làn sóng lây nhiễm thứ hai, song một số chuyên gia lên tiếng cảnh báo về nguy cơ xảy ra làn sóng thứ ba trong dịp nghỉ lễ Giáng sinh và Năm mới sắp tới. Vì vậy, Chính phủ Indonesia đã quyết định áp đặt lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM) cấp độ 3 tại tất cả các tỉnh, thành trên toàn quốc trong khoảng thời gian từ ngày 24/12/2021 đến ngày 2/1/2022.
Thận trọng với dịch bệnh có khả năng bùng phát trở lại, trưởng nhóm điều chỉnh hành vi cộng đồng, thuộc Lực lượng đặc trách phòng chống COVID-19 của Indonesia, ông Sonny Harry B. Harmadi, cho rằng Indonesia cần rút kinh nghiệm từ sự gia tăng ca mắc mới COVID-19 tại một số quốc gia châu Âu hiện nay nhằm ngăn chặn làn sóng lây nhiễm thứ ba.
Theo đó, ông Harmadi đưa ra 3 biện pháp để chống dịch, trong đó có việc tiếp tục thực hiện nghiêm ngặt các giao thức y tế. Ông Harmadi lưu ý, thực tế ở các quốc gia châu Âu, khi số ca mắc mới COVID-19 giảm xuống, các biện pháp an toàn y tế ngay lập tức được nới lỏng như việc đeo khẩu trang, sát khuẩn, khiến cho tình hình dịch bệnh kéo dài khó lường.
Ông Harmadi cũng cho rằng, Indonesia cần tăng cường tiêm vaccine ngừa COVID-19 trên toàn quốc và thắt chặt kiểm soát sự đi lại của hành khách từ nước ngoài vào Indonesia.
Trong khi đó, tại Philippines, Bộ trưởng Du lịch Berna Puyat thông báo nước này sẽ sớm mở cửa đón tiếp du khách quốc tế đối với các du khách đã hoàn thành tiêm chủng. Hiện chính phủ Philippines đã xếp hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ vào “vùng xanh”.
Trong những tuần qua, Philippines đã nới lỏng dần một số biện pháp kiểm soát dịch khi số ca mắc theo ngày tại Philippines đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm và tỷ lệ tiêm chủng gia tăng. Cho đến nay, khoảng 33% trong tổng số 110 triệu dân nước này đã hoàn thành tiêm chủng.