Huyện Trần Đề phát triển bền vững diện tích lúa thơm, lúa đặc sản

Lúa là một trong những cây chủ lực của huyện Trần Đề (Sóc Trăng), với tổng diện tích canh tác hằng năm lên đến 44.800ha, năng suất bình quân dao động trên dưới 6,2 tấn/ha. Được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo các cấp, trong suốt 10 năm qua, địa phương rất chú trọng đến việc cơ cấu các giống lúa triển khai đến hộ dân gieo trồng, đặc biệt là các giống chất lượng cao, đặc sản để đưa vào sản xuất đã và đang mang lại nhiều kết quả tốt. Qua đó giúp nông dân có cuộc sống khấm khá hơn, góp phần cho huyện ngày thêm đổi mới.

Ông Lâm Phol, ấp Trà Ông, xã Viên Bình, huyện Trần Đề (Sóc Trăng) thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm nhờ canh tác giống lúa ST25. Ảnh: THÚY LIỄU

Để tìm hiểu về tính hiệu quả của việc canh tác giống lúa chất lượng cao, lúa đặc sản mang lại cho gia đình, chúng tôi đến ấp Trà Ông, xã Viên Bình, huyện Trần Đề để gặp lão nông Lâm Phol. Nhờ canh tác giống lúa ST25 mà kinh tế gia đình ông càng khấm khá. Trò chuyện với ông Phol được biết, trong vụ lúa Đông - Xuân, năm 2023 - 2024 vừa qua, gia đình ông có mùa vụ “bội thu” với năng suất bình quân đạt 7 tấn/ha. Với tổng diện tích ruộng canh tác là 6,5ha, tổng sản lượng thu hoạch hơn 45 tấn, giá bán được doanh nghiệp bao tiêu là 8.400 đồng/kg, trừ chi phí đã mang về lợi nhuận cho gia đình hơn 40 triệu đồng/ha.

Tại xã Viên Bình nói riêng và các xã, thị trấn trên địa bàn toàn huyện Trần Đề nói chung, thời gian qua, để lúa đạt năng suất cao, giá bán tốt thì nông dân thường chọn các giống lúa chất lượng cao, lúa đặc sản. Giống lúa mà nông dân gieo trồng nhiều nhất là ST25 - đây là giống lúa ít bị dịch bệnh, nhẹ công chăm sóc, chi phí đầu tư thấp, năng suất cao. Khi mới xuống giống, doanh nghiệp đến ký kết hợp đồng ngay nên nông dân không cần lo đầu ra. Ngoài ra, việc chọn canh tác giống lúa chất lượng cao, lúa đặc sản, giá lúa cao hơn lúa thường từ 1.000 - 3.500 đồng/kg, nông dân tăng thêm lợi nhuận.

Theo đồng chí Chung Bỉnh Phước - Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trần Đề, năm 2023 tổng diện tích lúa gieo trồng trên địa bàn toàn huyện là 44.800ha, đạt 100,9% kế hoạch cả năm, trong đó diện tích lúa thơm, lúa đặc sản là 37.000ha, đạt 117,12% kế hoạch, chiếm 96,7% diện tích sản xuất; sản lượng lúa đặc sản 271.142 tấn, đạt 118,48% kế hoạch. Cụ thể, diện tích xuống giống vụ Đông - Xuân 2022 - 2023 là 22.500ha, trong đó diện tích lúa thơm, lúa đặc sản 22.113ha, đạt 116,39% kế hoạch, chiếm 98,28% diện tích sản xuất; sản lượng lúa thơm, lúa đặc sản 144.893 tấn. Diện tích xuống giống vụ Hè - Thu 2023 là 22.300ha, đạt 100,45% so kế hoạch, năng suất bình quân 5,95 tấn/ha, tổng sản lượng 132.670 tấn, trong đó diện tích lúa thơm, lúa đặc sản 21.221ha, đạt 117,89% kế hoạch, chiếm 95,16% diện tích sản xuất; sản lượng lúa thơm, lúa đặc sản 126.252 tấn.

Qua số liệu nêu trên cho thấy, diện tích lúa thơm, lúa đặc sản ngày càng thu hút nhiều nông dân trên địa bàn huyện Trần Đề chọn canh tác. Ông Lâm Sà Thol, ấp Tú Điềm, xã Đại Ân 2, huyện Trần Đề cho biết: “Tôi chuyển canh tác từ lúa thường sang làm lúa chất lượng cao đã nhiều năm qua, vì lúa thường năng suất không cao, giá bán thấp, đặc biệt là đầu ra không ổn định. Với diện tích đất 1,5ha, canh tác lúa 2 vụ/năm, tùy theo từng mùa vụ và thời tiết mà tôi sẽ chọn giống lúa đặc sản khác nhau để canh tác, nhằm đảm bảo năng suất cao và bán tốt nhất. Thông thường, vụ lúa Đông - Xuân sẽ chọn canh tác giống ST25; còn vụ Hè - Thu sẽ chọn giống Đài Thơm 8 hay OM18, đây đều là những giống lúa đặc sản, được thị trường ưa chuộng, giá ổn định ở mức cao, lợi nhuận sau thu hoạch tốt. Thời gian tới, tôi sẽ duy trì việc canh tác lúa chất lượng cao, lúa đặc sản và tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong canh tác lúa, để nâng cao chất lượng sản phẩm lúa sau thu hoạch, bán lúa có giá tốt hơn, góp phần tăng thêm thu nhập…”.

Ông Trà Thương, cũng ở ấp Tú Điềm, xã Đại Ân 2, huyện Trần Đề góp lời: "Thời gian qua, nhờ làm lúa chất lượng cao, lúa đặc sản mà đời sống của gia đình tôi đã cải thiện rất nhiều. Với 2,5ha, làm lúa 2 vụ/năm, trừ chi phí lợi nhuận hơn 180 triệu đồng/năm. So với lúa thường thì lúa đặc sản cho năng suất cao hơn từ 20 - 30% và giá bán cũng cao hơn từ 20 - 30%. Từ lợi ích lúa đặc sản đem lại, thời gian tới tôi sẽ tiếp tục canh tác giống lúa này, đặc biệt là sẽ lựa chọn giống lúa ST25 canh tác lâu dài, để đem về nguồn thu nhập tốt hơn cho gia đình".

Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trần Đề, diện tích lúa thơm, lúa đặc sản phát triển mạnh trên địa bàn huyện trong vài năm trở lại đây. Nếu như năm 2010, diện tích lúa của huyện chủ yếu là các giống lúa thường, lúa thơm nhẹ chỉ chiếm khoảng 20% diện tích gieo trồng thì đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn huyện, diện tích lúa chất lượng cao, lúa đặc sản đã chiếm trên 90% (trong đó giống lúa ST25 chiếm từ 20 - 25% diện tích gieo trồng). Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục phát triển diện tích lúa đặc sản, đặc biệt là phát triển dòng lúa ST; đồng thời, tăng cường công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật, thông tin về các giống lúa chất lượng cao, lúa đặc sản cho năng suất tốt, thị trường ưa chuộng; tuyên truyền, hướng dẫn nông dân áp dụng canh tác lúa theo quy trình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”; tưới nước ngập khô xen kẽ…

Có thể thấy rằng, việc canh tác lúa chất lượng cao, lúa đặc sản không chỉ giúp nông dân tăng thu nhập mà còn góp phần vào việc tái cơ cấu giống cây trồng trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện Trần Đề một cách hiệu quả, thúc đẩy nền nông nghiệp huyện phát triển ngày càng bền vững.

THÚY LIỄU

Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/huyen-tran-de/huyen-tran-de-phat-trien-ben-vung-dien-tich-lua-thom-lua-dac-san-71982.html