Huyện Phúc Thọ: Đồng hành cùng sự phát triển của doanh nghiệp

Nhằm hỗ trợ sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, những năm qua, huyện Phúc Thọ đã triển khai nhiều cơ chế, chính sách, trong đó có việc đẩy mạnh xây dựng các cụm công nghiệp, tạo mặt bằng sản xuất - kinh doanh cho các doanh nghiệp.

Giá trị sản xuất liên tục tăng

Theo thống kê, trên địa bàn huyện Phúc Thọ hiện có 1.043 doanh nghiệp đang hoạt động, chủ yếu trong hai nhóm lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ; còn lại là các doanh nghiệp nông nghiệp và một số lĩnh vực khác.

Toàn huyện có 435 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, với hơn 20 ngành sản xuất. Trong số này, có 4 ngành chủ yếu gồm: May mặc, chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ, sản xuất và chế biến thực phẩm, sản xuất sản phẩm từ kim loại.

Sản xuất đồ mộc nội thất tại xã Thanh Đa (huyện Phúc Thọ).

Nhóm sản phẩm giá trị kinh tế cao có thể kể tới là quần áo các loại, giày mũ vải, bún bánh, đậu phụ, giò chả, giường, tủ, bàn ghế, nội thất văn phòng, cơ khí; tập trung ở các làng nghề: Tam Hiệp (may mặc); Hát Môn, Thanh Đa, Long Xuyên (mộc), Sen Chiểu (chế biến thực phẩm), Liên Hiệp (cơ khí)…

Một số công ty TNHH, công ty cổ phần nhận đơn đặt hàng, gia công cho đối tác nước ngoài như: Công ty may Huy Hoàng, Công ty TNHH Nguyên Đức, Công ty TNHH Hải Phương… Những năm qua, các doanh nghiệp, hộ sản xuất đã chú trọng đổi mới công nghệ nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Trong những tháng đã qua của năm 2023, tổng giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, xây dựng cơ bản đạt 6.010 tỷ đồng, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Bên cạnh đó, toàn huyện hiện có 508 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lĩnh vực thương mại - dịch vụ. Tính từ đầu năm 2023 đến nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt hơn 4.680 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm trước.

Nhờ kết quả sản xuất - kinh doanh tốt, thống kê trong những tháng đã qua của năm 2023, các doanh nghiệp đã thu ngân sách nhà nước đạt 45 tỷ 389 triệu đồng. Riêng số thuế giá trị gia tăng của các doanh nghiệp trên địa bàn đã thực hiện nghĩa vụ đối với nhà nước đạt 34 tỷ 649 triệu đồng, tăng 120,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Đẩy mạnh phát triển hạ tầng sản xuất

Trong những năm qua được sự hỗ trợ kinh phí của TP Hà Nội, UBND huyện Phúc Thọ đã tập trung chỉ đạo thực hiện tốt kế hoạch đầu tư công. Trong đó, quan tâm đầu tư một số công trình trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội, nhất là một số tuyến đường trục chính của huyện, liên huyện, liên xã, hệ thống điện.

Từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn huyện Phúc Thọ có 167 doanh nghiệp được thành lập mới. Huyện cũng đã cấp mới 700 giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hộ kinh doanh, tổng số vốn đăng ký 337,75 tỷ đồng, tăng 149% so với cùng kỳ năm 2022.

Có thể khẳng định, việc quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông, hệ thống điện, các cơ sở hạ tầng khác đã cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa, điện sinh hoạt và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hộ sản xuất và nhân dân.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ Lê Thị Kim Phương cho biết, hiện nay, UBND huyện Phúc Thọ đang tiếp tục chỉ đạo cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Các giải pháp tháo gỡ khó khăn, giảm chi phí cho doanh nghiệp và hộ kinh doanh; đồng thời UBND huyện cũng đã đề xuất với TP kêu gọi đầu tư đối với các dự án cụm công nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị, hệ thống chợ, các cửa hàng kinh doanh xăng dầu.

Liên quan đến tiến độ 6 cụm công nghiệp (diện tích 94,87ha) đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt, bà Lê Thị Kim Phương cho biết đến thời điểm hiện tại, đã có 2 cụm công nghiệp được khởi công, 2 cụm đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, đang hoàn thiện hồ sơ xin giao đất để tổ chức khởi công; 2 cụm đang triển khai công tác giải phóng mặt bằng.

Theo kế hoạch, sau khi các cụm công nghiệp hoàn thành công tác đầu tư cơ sở hạ tầng, huyện sẽ phối hợp cùng chủ đầu tư thu hút các các nhà đầu tư thứ cấp vào sản xuất, kinh doanh trong cụm. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện, nhất là tại các xã làng nghề đang phát triển như: Liên Hiệp, Tam Hiệp, Long Xuyên, Võng Xuyên, Thanh Đa...

Để bảo đảm hiệu quả đầu tư, huyện Phúc Thọ đang xin ý kiến TP Hà Nội cho phép 2 cụm công nghiệp do Bản quản lý dự án của huyện làm chủ đầu tư là Liên Hiệp và thị trấn Phúc Thọ, giao cho doanh nghiệp có đủ năng lực quản lý và tiếp tục đầu tư các diện tích còn lại.

Bên cạnh đó, huyện Phúc Thọ cũng báo cáo đề xuất với TP Hà Nội bổ sung 5 cụm công nghiệp: Sen Phương (30ha), Tam Hiệp 2 (60ha), Tam Hiệp 3 (56ha), Liên Hiệp 3 (36ha), Liên Hiệp 4 (35ha), với tổng diện tích 217ha, nhằm tạo điều kiện để thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo việc làm, bảo đảm an sinh - xã hội tại địa phương.

Trọng Tùng

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/huyen-phuc-tho-dong-hanh-cung-su-phat-trien-cua-doanh-nghiep.html