Huyền Chip ra sách, lập công ty khởi nghiệp về AI tại Mỹ

Trên trang cá nhân, Huyền Chip chia sẻ hình ảnh cuốn sách mới. 'AI Engineering' đánh dấu một thành tựu nữa trên đất Mỹ của cô gái Việt trưởng thành sau những ồn ào tuổi đôi mươi.

 Huyền Chip cùng cuốn sách mới nhất. Ảnh: FBNV.

Huyền Chip cùng cuốn sách mới nhất. Ảnh: FBNV.

Những đột phá gần đây trong lĩnh vực AI không chỉ làm tăng nhu cầu sử dụng AI mà còn giảm bớt rào cản gia nhập ngành đối với những ai muốn xây dựng các sản phẩm AI. Phương pháp tiếp cận mô hình dưới dạng dịch vụ đã biến AI từ một ngành học bí truyền thành một công cụ phát triển mạnh mẽ mà bất kỳ ai cũng có thể sử dụng.

Mọi người, kể cả những người ít hoặc không có kinh nghiệm về AI, giờ đây đều có thể tận dụng các mô hình AI để xây dựng ứng dụng.

Trong AI Engineering: Building Applications with Foundation Models (tạm dịch: Kỹ thuật AI: Xây dựng ứng dụng với các mô hình nền tảng), Huyền Chip thảo luận về quy trình xây dựng các ứng dụng với các mô hình nền tảng có sẵn.

Mở đầu, cuốn sách giới thiệu tổng quan về kỹ thuật AI, phân biệt nó với Machine Learning (học máy) truyền thống, cũng như thảo luận về AI stack (tập hợp các công nghệ, công cụ, và khung phần mềm (framework) được sử dụng để phát triển, triển khai, và vận hành các hệ thống AI).

Sử dụng AI càng nhiều thì nguy cơ xảy ra lỗi thảm khốc càng cao. Do đó, công việc đánh giá càng trở nên quan trọng. Cuốn sách này thảo luận về nhiều cách tiếp cận khác nhau để đánh giá các mô hình mở, bao gồm cả cách tiếp cận dùng-AI-để-đánh-giá (và đưa ra quyết định) đang phát triển nhanh chóng.

Các nhà phát triển ứng dụng AI sẽ có được hiểu biết toàn diện về hệ sinh thái AI, các yếu tố nền tảng trong AI (mô hình, dữ liệu, tiêu chuẩn đánh giá) và tiềm năng tạo ra các ứng dụng AI thực tiễn ở nhiều lĩnh vực khác nhau.

Đi từ các kỹ thuật đơn giản đến các phương pháp phức tạp, cuốn sách khám phá cách triển khai hiệu quả các ứng dụng AI: quy trình phát triển ứng dụng AI, thách thức ở từng bước và cách tiếp cận để giải quyết các thách thức này.

Cuốn sách cũng khám phá nhiều kỹ thuật điều chỉnh mô hình khác nhau, bao gồm kỹ thuật tạo lệnh, RAG (Retrieval-Augmented Generation - tăng cường truy xuất), tinh chỉnh (fine-tuning), tác nhân và kỹ thuật tập dữ liệu; lý giải cách thức chúng hoạt động.

Huyền Chip cũng hướng dẫn cách phân tích và giải quyết các thách thức về hiệu suất (độ trễ) và kinh tế (chi phí) khi triển khai các mô hình AI lớn, đảm bảo chúng hoạt động nhanh chóng và tiết kiệm trong quá trình vận hành. Từ đây, tác giả chỉ ra cách chọn đúng mô hình, tập dữ liệu, chuẩn đánh giá và số liệu phù hợp với phục vụ nhu cầu phát triển ứng dụng cụ thể.

AI Engineering được xây dựng dựa trên và bổ sung cho cuốn sách trước đó của cô - Designing Machine LearningSystems (tạm dịch: Thiết kế hệ thống học máy), từng lọt top sách về AI bán chạy trên Amazon. AI Engineering hiện đứng top 1 trong tiểu mục sách về Lý thuyết máy (Machine Theory) trên Amazon, top 3 mục sách về Khoa học máy tính.

Huyền Chip - cô gái Việt "trưởng thành sau cơn bão" tại đất Mỹ

Huyền Chip sinh năm 1990, từng gây bão với các cuốn sách du ký Xách ba lô lên và đi - Tập 1: Châu Á là nhà. Đừng khóc! (2012). Tuy nhiên, trong hai buổi họp báo ra mắt Tập 2: Đừng chết ở châu Phi (2013) tại Hà Nội, Huyền Chip - khi ấy 23 tuổi - trước hàng trăm khán giả tham dự, đã đối mặt với những câu hỏi về tính xác thực của các chi tiết trong cuốn sách du ký trước đó.

Trong nhiều tháng tiếp theo, cô liên tục bị chất vấn về cuốn sách, với hàng loạt bài phân tích, chỉ trích những đoạn ghi âm,... xuất hiện trên mặt báo, các diễn đàn, mạng xã hội... Cú sốc này đã khiến Huyền Chip đi đến quyết định đến Mỹ học đại học ở tuổi 24. Cô được nhận vào Đại học Stanford năm 2014.

Cô gái ưa xê dịch năm xưa liên tục gặt hái thành công trên đất Mỹ. Sau khi tốt nghiệp đại học và thạc sĩ ngành Khoa học máy tính tại Đại học Stanford vào năm 2018, Huyền Chip làm việc tại Snorkel AI và NVIDIA, thành lập một công ty khởi nghiệp về cơ sở hạ tầng AI và giảng dạy về Thiết kế hệ thống học máy tại Stanford. Cô hiện làm công việc phân tích dữ liệu tại Voltron Data.

Nhìn lại ồn ào trước kia, năm 2017, Huyền Chip thừa nhận "đã phạm phải nhiều lỗi lầm ngốc nghếch, và đã nhận được nhiều bài học". Cô tiếp tục xuất bản các tác phẩm Giấc mơ Mỹ - Đường đến Stanford(2016), Tuổi trẻ không hối tiếc (2018) trải lòng những tâm sự của một người trẻ trên hành trình trưởng thành và theo đuổi ước mơ.

Tâm Anh

Nguồn Znews: https://znews.vn/huyen-chip-ra-sach-lap-cong-ty-khoi-nghiep-ve-ai-tai-my-post1523917.html