Huy động nguồn lực xã hội, thúc đẩy hoạt động văn hóa phát triển

Tháng 6/2014, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Với quan điểm nhất quán coi văn hóa là sức mạnh mềm, những năm qua, các cấp, ngành của tỉnh đã có nhiều giải pháp cụ thể hóa triển khai Nghị quyết số 33, trong đó chú trọng huy động nguồn lực xã hội và tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa.

Lạng Sơn là tỉnh miền núi, biên giới, có tổng dân số trên 807.000 người, gồm 7 dân tộc chủ yếu: Tày, Nùng, Kinh, Sán Chay, Hoa, Dao, Mông. Hòa chung với dòng chảy văn hóa Việt Nam, Lạng Sơn được biết đến là vùng đất của những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, với hệ thống di sản văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú. Để bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa, các cấp, ngành của tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp thực hiện Nghị quyết số 33 và đạt được nhiều kết quả quan trọng…

Tăng cường xã hội hóa

Nghị Quyết số 33 nêu rõ các nhiệm vụ để triển khai, thực hiện, trong đó nhấn mạnh: “Huy động sức mạnh của toàn xã hội nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, khích lệ sáng tạo các giá trị văn hóa mới, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, làm giàu văn hóa dân tộc”. Đây là nội dung quan trọng được Đảng ta xác định ưu tiên hàng đầu trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa. Để cụ thể hóa nhiệm vụ này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 63 ngày 23/6/2014 về tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết số 33 đến các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân.

Nhân dân và du khách xem trình diễn múa sư tử mèo tại lễ hội Háng Pò, xã Thiện Thuật, huyện Bình Gia

Nhân dân và du khách xem trình diễn múa sư tử mèo tại lễ hội Háng Pò, xã Thiện Thuật, huyện Bình Gia

Năm 2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 25 về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2016 – 2020, trong đó, nhấn mạnh quan điểm tập trung tối đa huy động sức mạnh của toàn xã hội, đẩy mạnh xã hội hóa. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành văn hóa, thể thao và du lịch (VHTT&DL) tham mưu thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa của tỉnh.

Ông Phan Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL cho biết: Hằng năm, chúng tôi đã ban hành các văn bản chỉ đạo các phòng chuyên môn, đồng thời hướng dẫn các huyện, thành phố đẩy mạnh giáo dục, tuyên truyền sâu rộng nội dung về bảo tồn, phát huy di sản văn hóa của tỉnh đến cộng đồng dân cư để người dân hiểu rõ vai trò, trách nhiệm của mình đối với vấn đề bảo tồn di sản văn hóa; thành lập các mô hình, ban quản lý di tích mang tính cộng đồng tự quản, do Nhân dân tự quản lý hoặc kết hợp vai trò tự quản của cộng đồng với sự trợ giúp của Nhà nước.

Bên cạnh đó, đối với di sản văn hóa vật thể, ngành VHTT&DL tỉnh đã thực hiện kiểm kê, tham mưu trình UBND tỉnh ban hành Quyết định số 73 ngày 10/1/2019 về phê duyệt và công bố danh mục kiểm kê di tích trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn với 335 di tích; hướng dẫn UBND các huyện, thành phố chỉ đạo UBND cấp xã nơi có di tích thành lập bộ phận thường trực, ban quản lý các di tích; tăng cường phối hợp với các đơn vị có liên quan kêu gọi, vận động nguồn lực xã hội hóa tu bổ, tôn tạo di tích. Nhờ đó, từ năm 2014 đến nay, nguồn kinh phí xã hội hóa đã đạt gần 300 tỷ đồng, toàn tỉnh có gần 100 lượt di tích được tu bổ, tôn tạo, phục hồi.

Đình Vằng Khắc, thôn Khòn Trả, xã Thống Nhất, huyện Lộc Bình là một trong những di tích cấp tỉnh được quan tâm tu bổ, tôn tạo 100% kinh phí từ nguồn xã hội hóa. Năm 2019, đình Vằng Khắc đã được người dân đóng góp xây dựng mới phần hậu cung với tổng kinh phí gần 1,2 tỷ đồng; năm 2023, sửa chữa lại gian tiền tế, hai dãy “nhà lang” (tả vu và hữu vu) cùng một số hạng mục khác với tổng kinh phí hơn 400 triệu đồng. Ông Đinh Văn Hòa, Thủ từ Đình Vằng Khắc chia sẻ: Nhờ sự quan tâm của chính quyền huyện và Nhân dân, du khách gần xa mà hiện giờ ngôi đình được khang trang, sạch đẹp, tôi và bà con nơi đây rất phấn khởi. Về phía chúng tôi, hằng ngày vẫn thường xuyên quét dọn, vệ sinh, đảm bảo cho di tích được trang nghiêm, sạch sẽ.

Bên cạnh các di sản vật thể, công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể trong những năm qua cũng đạt nhiều kết quả tích cực nhờ sự huy động sức mạnh của toàn xã hội. Hiện nay, ngành VHTT&DL tỉnh đã và đang triển khai thực hiện 6 đề án trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, như: Đề án “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”; Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2030”; Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản múa sư tử dân tộc Tày, Nùng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 - 2030... Các đề án đều xác định cộng đồng nắm giữ di sản và các tầng lớp Nhân dân là bộ phận quan trọng, có vai trò chính trong bảo tồn, phát huy di sản.

Từ năm 2014 đến nay, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã quan tâm nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng, bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể. Đồng thời thường xuyên tổ chức các lớp truyền dạy về di sản văn hóa phi vật thể. Hằng năm, Trung tâm Văn hóa tỉnh và Hội Bảo tồn dân ca tỉnh tổ chức 20 lớp truyền dạy, phổ biến dân ca trên địa bàn, thu hút khoảng 1.500 người tham gia; Sở VHTT&DL phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức khoảng 10 lớp truyền dạy dân ca cấp tỉnh, thu hút trên 300 học viên tham gia học tập.

Ngoài ra, các hoạt động tổ chức, phục dựng lễ hội truyền thống của các dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh hằng năm vẫn được duy trì thường xuyên, trong đó 90% số lễ hội trong tỉnh đều huy động từ nguồn lực xã hội hóa. Trung bình, mỗi lễ hội có kinh phí tổ chức từ 30 triệu đồng đến 400 triệu đồng.

Bà Nguyễn Thị Hồng Vân, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lạng Sơn cho biết: Thời gian qua, UBND thành phố đã chỉ đạo UBND các phường, xã tăng cường tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia các hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, đẩy mạnh việc xã hội hóa các hoạt động văn hóa thông qua các hình thức như: các cuộc họp thôn, khối phố; tổ chức các buổi tập huấn; qua các lễ hội, sự kiện văn hóa…; nhờ đó ý thức người dân được nâng lên, các tầng lớp Nhân dân nhiệt tình hưởng ứng các hoạt động xã hội hóa văn hóa trên địa bàn. Các lễ hội của thành phố hằng năm đều tổ chức từ nguồn vốn xã hội hóa 100%. Đặc biệt từ năm 2014 đến nay, các di tích trên địa bàn thành phố đã được đầu tư tôn tạo, xây mới với tổng giá trị hơn 100 tỷ đồng từ nguồn ngân sách và xã hội hóa.

Nhờ những giải pháp thiết thực của các cấp, ngành, từ năm 2014 đến nay, toàn tỉnh đã có thêm 2 khu di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, 2 di tích xếp hạng cấp quốc gia và 22 di tích cấp tỉnh, nâng tổng số di tích được xếp hạng lên 141 di tích (gồm 2 khu di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt, 31 di tích xếp hạng cấp quốc gia và 108 di tích xếp hạng cấp tỉnh). Toàn tỉnh có thêm 34 cá nhân được phong tặng, truy tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” (tăng 13 cá nhân so với năm 2019) và 9 di sản được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa

Việc nhận thức đúng đắn, triển khai hiệu quả Nghị quyết 33, trong đó tập trung huy động sức mạnh toàn xã hội trong suốt 10 năm qua đã từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa.

Phong trào văn hóa, thể thao quần chúng được phát triển rộng khắp. Các hình thức sinh hoạt câu lạc bộ, văn nghệ quần chúng, tổ chức liên hoan, hội thi, hội diễn... đã thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có trên 800 câu lạc bộ, đội văn nghệ quần chúng (tăng 300 câu lạc bộ so với năm 2014), trong đó có hơn 600 câu lạc bộ văn nghệ quần chúng hoạt động theo hình thức xã hội hóa. Mỗi năm, các câu lạc bộ đã tổ chức trên 200 buổi biểu diễn văn nghệ.

Nghệ nhân Nhân dân Hà Mai Ven, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Điếp Sli Then, xã Thụy Hùng, huyện Cao Lộc cho biết: Câu lạc bộ được thành lập từ năm 2017. Sau 7 năm hoạt động, số hội viên tăng từ 18 lên 24 người. Trong đó, có 13 hội viên ở độ tuổi từ 10 đến15 tuổi. Ngoài tổ chức các lớp truyền dạy cho hội viên lớn tuổi vào các buổi tối, câu lạc bộ còn mở thêm lớp học hát dân ca cho các hội viên nhỏ tuổi vào các ngày cuối tuần. Hoạt động của câu lạc bộ đã giúp các em nhỏ ngày càng hiểu và yêu dân ca của dân tộc.

Thông qua các phong trào văn hóa văn nghệ, những nét sinh hoạt văn hóa truyền thống được phục hồi; khai thác được tiềm năng thế mạnh và khơi dậy ý thức say mê sáng tạo nghệ thuật trong Nhân dân. Ngày càng có nhiều công trình văn hóa, khu vui chơi giải trí, khu di tích danh thắng, các thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở được quan tâm đầu tư. Hiện nay, toàn tỉnh có 7 thiết chế văn hóa, thể thao cấp tỉnh; 26 thiết chế văn hóa, thể thao cấp huyện; cấp xã: có 120/200 nhà văn hóa xã, phường, thị trấn (đạt 60%), tăng gần 50% so với năm 2014; 1.649/1.658 thôn, khu phố có nhà văn hóa thôn, khu phố (đạt 99,5%).

Ngoài ra, từ hiệu quả của việc chú trọng nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, khơi dậy vai trò của người dân trong bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa, đã và đang trở thành động lực cho phát triển kinh tế - du lịch trên địa bàn tỉnh. Năm 2023, Lạng Sơn đã đón hơn 3,9 triệu lượt khách, (tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2022); thu nhập từ lĩnh vực du lịch ước đạt trên 3,1 nghìn tỷ đồng. Riêng 6 tháng đầu năm 2024, tổng lượt khách đạt trên 2,9 triệu lượt, (tăng 5,3% so với cùng kỳ 2023). Tổng doanh thu ước đạt trên 2,6 nghìn tỷ đồng.

Anh Nguyễn Đức Anh, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội chia sẻ: Năm nào tôi và gia đình cũng lên Lạng Sơn tham quan các di tích tâm linh tín ngưỡng như đền Kỳ Cùng, chùa Tam Thanh, chùa Thành... Mỗi năm đến lại thấy có sự thay đổi tích cực. Tôi sẽ còn quay trở lại nhiều lần và giới thiệu thêm nhiều bạn bè đến đây tham quan, trải nghiệm.

Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, lĩnh vực văn hóa của tỉnh đã thực sự thể hiện vai trò là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, tạo được niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa.

HOÀNG HIẾU - TUYẾT MAI

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/huy-dong-nguon-luc-xa-hoi-thuc-day-hoat-dong-van-hoa-phat-trien-5011981.html