Huy động mọi nguồn lực phát triển ngành hàng không Việt Nam
Muốn phát triển ngành hàng không dân dụng (HKDD), Việt Nam cần phải có nguồn lực lớn, kỹ thuật công nghệ cao và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu khắt khe liên quan đến an ninh an toàn hàng không quốc gia. Hiện nay, việc xã hội hóa đang được xem là tối ưu khi huy động các nguồn lực tham gia vào việc phát triển ngành HKDD Việt Nam.
Chiều 26/11, Hội Khoa học và Công nghệ hàng không Việt Nam và công ty GK Wintron đã tổ chức hội thảo “Ngành hàng không Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới” nhằm tìm ra những giải pháp để thúc đẩy phát triển ngành hàng không Việt Nam xứng tầm khu vực và thế giới.
Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Doãn Hồng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ hàng không Việt Nam, cho biết, xã hội hóa ngành HKDD được xem là giải pháp tối ưu khi phát triển ngành HKDD Việt Nam và đây cũng là xu hướng chung và phổ biến tại các quốc gia trên thế giới.
Theo ông Hồng, gần đây nhà nước đã có chủ trương đầu tư lớn vào cảng hàng không, sân bay như dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành; cải tạo, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất; nâng cấp một loạt sân bay Thanh Hóa, Vinh, Quảng Bình, Quảng Trị, Phan Thiết, Điện Biên, Lào Cai... Để gia tăng nguồn lực đầu tư cho hạ tầng HKDD Việt Nam, nhà nước đang đẩy mạnh xã hội hóa, kêu gọi nguồn vốn tư nhân tham gia. Tuy nhiên, việc kêu gọi xã hội hóa vẫn còn nhiều vướng mắc do doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn trong các khâu như thủ tục hành chính, vốn đầu tư, mặt bằng xây dựng hạ tầng hàng chậm giải phóng...
Theo Cục hàng không Việt Nam, thị trường hàng không Việt Nam có mức tăng trưởng gấp đôi khu vực trong một thập kỷ qua, bình quân khoảng hơn 16%/năm. Việt Nam hiện có các hãng hàng không trong nước khai thác thương mại như: Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar, Vasco, Bamboo Airways... và khoảng 70 hãng hàng không quốc tế đang khai thác thương mại đi và đến Việt Nam. Một số pháp nhân đã đăng ký doanh nghiệp và đang thực hiện thủ tục được cấp phép khai thác hàng không tại Việt Nam như: Thiên Minh, Vietravel Airlines, Vinpearl Air…
TS Trần Quang Châu, Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ hàng không Việt Nam, cũng cho biết việc triển khai xã hội hóa đầu tư vào cảng hàng không còn rất chậm, chưa hiệu quả. Cụ thể, Việt Nam mới chỉ có một cảng hàng không quốc tế đầu tiên được thực hiện theo phương thức xã hội hóa là sân bay Vân Đồn, còn một số sân bay khác như Đà Nẵng, Cam Ranh… mới triển khai xã hội hóa từng phần.
Ông Trần Tuấn Linh, Trưởng Phòng Khoa học công nghệ và Môi trường Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, khi kêu gọi xã hội hóa để phát triển hạ tầng cho ngành hàng không sẽ dẫn đến sự ra đời các hãng hàng không tư nhân. Một khi có nhiều hãng hàng không cùng khai thác thị trường Việt Nam sẽ tạo ra sự cạnh tranh rất lớn khi thu hút nhân lực cho ngành này. Đặc biệt, trong bối cảnh nhân lực ngành hàng không Việt Nam đang thiếu và yếu về chuyên môn. Vì vậy, khi xem xét cấp phép cho các doanh nghiệp mới tham gia phát triển ngành hàng không Việt Nam, quan điểm của Cục Hàng không là phải theo quy hoạch đã được duyệt để bảo đảm cạnh tranh lành mạnh từ cạnh tranh trong khai thác thị trường, nguồn khách, nguồn nhân lực chất lượng phục vụ cho phát triển… chung của ngành hàng không.
Cũng tại hội thảo,TS Đinh Quang Toàn, Phó trưởng Ban Kinh tế Hội Khoa học và Công nghệ hàng không Việt Nam, cho biết: Muốn đẩy mạnh phát triển ngành HKDD Việt Nam trước tiên cần giải bài toán “quá tải” tại các sân bay hiện nay. Thực tế nhu cầu vận tải bằng đường hàng không đang vượt tổng công suất tiếp nhận của hệ thống cảng hàng không sân bay hiện có. Cụ thể sân bay Nội Bài (Hà Nội) đang xuống cấp nghiêm trọng, sân bay Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh) đang bị quá tải từ trên không lẫn đường băng cất hạ cánh…. Điều này khiến các doanh nghiệp tư nhân muốn tham khai thác cảng hàng không e ngại tham gia.
“Sở dĩ các cảng hàng không đang rơi vào tình trạng “quá tải” là do cơ sở hạ tầng và trang thiết bị chưa được đầu tư đồng bộ từ hệ thống các sân bay, đường băng, đường lăn… Ví dụ tổng công suất thiết kế của 21 cảng hàng không trên cả nước đạt khoảng 96 triệu khách/năm, tuy nhiên lượng hành khách thông qua các cảng năm ngoái đã đạt 104 triệu hành khách/năm. Dự kiến năm 2019, lượng hành khách thông qua các cảng này sẽ vượt 112 triệu hành khách (chưa kể sân bay Vân Đồn - Quảng Ninh mới đưa vào khai thác)”, ông Toàn cho biết thêm.
Ngoài ra, sự kết nối giao thông giữa hàng không với các phương tiện giao thông khác như đường bộ, đường thủy, đường sắt, tàu điện ngầm… vẫn còn nhiều bất cập trên tất cả các phương diện (về phần cứng cũng như phần mềm) như: cơ sở vật chất, thông tin, kỹ thuật số cũng như cơ sở dữ liệu thông tin… Đây cũng là rào cản khiến tình trạng quá tải cảng hàng không vẫn chưa giảm mà có chiều hướng gia tăng.