Huy động 2,2 tỷ USD đầu tư trạm sạc trên cao tốc bằng cách nào?
Để phát triển hạ tầng trạm sạc trên các tuyến cao tốc, ước tính cần khoảng 2,2 tỷ USD cho giai đoạn 2025-2050.
Tại hội thảo "Thúc đẩy chuyển dịch năng lượng và cơ chế chính sách đầu tư hạ tầng trạm sạc tại Việt Nam" tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia nhận định khả năng thu hút đầu tư tư nhân vào lĩnh vực này rất khả thi.
Theo các chuyên gia, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2050, toàn bộ phương tiện cơ giới đường bộ, xe thi công công trình, tham gia giao thông trên đường chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh. Để đạt được mục tiêu này, việc phát triển hạ tầng trạm sạc là yếu tố không thể tách rời.
Tính đến năm 2021, chỉ có VinFast sở hữu 150.000 cổng sạc được lắp đặt tại 63 tỉnh, thành trong cả nước.
Trong khi đó, theo quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông đường bộ, đến năm 2050, Việt Nam sẽ xây dựng hơn 9.000km đường cao tốc, gấp gần 8 lần hiện tại. Các cao tốc sẽ có trạm dừng nghỉ và đây là nơi có thể đặt trạm sạc xe điện.
Với công nghệ hiện nay, mỗi xe điện di chuyển quãng đường khoảng 180-300km/lần sạc. Muốn đi đường dài chắc chắn cần trạm sạc dày đặc. Do vậy, các chuyên gia cho rằng nhu cầu trạm sạc tại Việt Nam đang rất cao, đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp trong nước đầu tư.
Ông Nguyễn Thế Trọng, chuyên gia tài chính từng tham gia xây dựng nhiều dự án giao thông, đánh giá khả năng thu hút đầu tư tư nhân vào lĩnh vực này rất khả thi.
Hiện toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam có 39 trạm nghỉ. Giả định đến năm 2050 toàn bộ phương tiện lưu hành là xe điện sẽ cần đầu tư khoảng 7.800 điểm sạc, trung bình 200 điểm sạc/trạm nghỉ. Để đầu tư được cơ sở hạ tầng này sẽ cần khoảng 2,2 tỷ USD trong giai đoạn 2025-2050.
Dự tính mỗi lần xe sạc 30 phút, đầy 80% pin, chi phí người tiêu dùng cần trả khoảng 75.000 đồng. Phí sạc này tương đồng với các nước trên thế giới. Khả năng chi trả của chủ sở hữu xe điện tốt hơn so với xe xăng do xe điện có chi phí vòng đời và vận hành tốt hơn.
Theo ông Nguyễn Thế Trọng, nếu tính tỷ suất lợi nhuận cao hơn 4% so với lãi suất ngân hàng thì về lâu dài, các nhà đầu tư trạm sạc có thể hoàn vốn và có lãi.
Để thu hút vốn tư nhân đầu tư vào phát triển hạ tầng trạm sạc, điều quan trọng nhất là phải đẩy nhanh tốc độ chấp nhận xe điện của người dân. Đồng thời, cho phép các đơn vị tư nhân được phép thu phí dịch vụ sạc để thu hồi vốn.
Ông khuyến nghị Bộ Tài chính cùng Bộ Giao thông Vận tải, phối hợp để nghiên cứu và quy định phí dịch vụ sạc, từ đó đảm bảo chi phí hợp lý cho người tiêu dùng.
Cần có các chính sách điều chỉnh giá sạc theo giờ. Quy hoạch lưới điện cần được lên kế hoạch phù hợp với nhu cầu sạc xe điện để đảm bảo đủ công suất.
Với những trạm nghỉ trên cao tốc không tiếp cận được mạng lưới điện áp cao, cần xem xét lắp thêm hệ thống điện năng lượng mặt trời.
Ông Nguyễn Thế Vĩnh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ ra, số lượng trạm sạc không phải là vấn đề duy nhất. Việc tăng cường trạm sạc xe trên đường cao tốc cũng cần tính toán số lượng xe cần sạc và thời điểm sạc xe tại mỗi trạm để tránh gây áp lực lớn lên hệ thống điện trên toàn quốc, gây mất điện cục bộ.
Hiện hệ thống trạm sạc công cộng chiếm tới 10% năng lượng điện cả nước.
Các chuyên gia cho rằng, giống như các quốc gia phát triển, Việt Nam cần khuyến khích, động viên các tổ chức tư nhân góp vốn đầu tư, tăng cường trạm sạc trên các tuyến đường cao tốc. Các chính sách khuyến khích có thể như miễn thuế trong 5 năm đầu sau khi đưa các trạm sạc đi vào hoạt động, giảm 50% thuế trong 5 năm tiếp theo.