Hướng đi đúng của nền nông nghiệp hiện đại

Tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi ngành hàng đã khẳng định là hướng đi đúng đắn của nền sản xuất nông nghiệp hiện đại, được phát triển đa dạng về hình thức và cấp độ. Nhờ đó, tỷ lệ nông sản chủ lực tiêu thụ thông qua liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản hiện tăng lên hơn 20%.

Nhiều doanh nghiệp trở thành nòng cốt của chuỗi giá trị

Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã luôn quan tâm chú trọng tới công tác tổ chức sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Mô hình nông nghiệp thông minh trong sản xuất rau an toàn tại Công ty cổ phần Đầu tư công nghệ xanh. Ảnh: Trường Giang

Mô hình nông nghiệp thông minh trong sản xuất rau an toàn tại Công ty cổ phần Đầu tư công nghệ xanh. Ảnh: Trường Giang

Cụ thể, Bộ đã và đang phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương triển khai rà soát, điều chỉnh, bổ sung chiến lược, quy hoạch các ngành, lĩnh vực để thống nhất với Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (theo Quyết định số 150/QĐ-TTG ngày 28.01.2022 của Thủ tướng Chính phủ). Điều chỉnh quy mô và cơ cấu sản xuất phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Xây dựng chuỗi liên kết chặt chẽ, đồng bộ giữa người sản xuất với các doanh nghiệp trong chế biến, tiêu thụ sản phẩm; tổ chức nghiên cứu, dự báo cung cầu thị trường, cung cấp kịp thời cho các địa phương, doanh nghiệp và người dân...

Đến nay, hệ thống các tổ chức sản xuất, nhất là HTX ngày càng có vai trò quan trọng, đặc biệt trong phát triển nông nghiệp, nông thôn; nhất là nhiệm vụ tổ chức nông dân sản xuất theo quy trình an toàn và kiểm soát nội bộ chất lượng sản phẩm; thực hiện truy xuất nguồn gốc; đầu mối liên kết tiêu thụ sản phẩm cho thành viên và người dân... Năm tháng đầu năm 2022, cả nước đã thành lập mới 456 HTX nông nghiệp, nâng tổng số lên 77 Liên hiệp HTX nông nghiệp, trên 18.500 HTX nông nghiệp; trong đó có khoảng 60% HTX nông nghiệp được đánh giá xếp loại khá, tốt; thu hút được 3,28 triệu hộ (chiếm khoảng 38% tổng số hộ nông dân cả nước).

Bên cạnh sự đầu tư, phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã đẩy mạnh đầu tư vào nông nghiệp. Nhiều doanh nghiệp trở thành nòng cốt của chuỗi giá trị và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, phát triển thị trường, như Nafoods, Đồng Giao, TH, Doveco, Ba Huân…

Đáng chú ý, tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi ngành hàng đã khẳng định là hướng đi đúng đắn của nền sản xuất nông nghiệp hiện đại, được phát triển đa dạng về hình thức và cấp độ. Đến nay, cả nước có trên 6.900 chuỗi liên kết nông nghiệp; huy động 293 tổ chức khoa học, gần 4.400 HTX, 777 tổ hợp tác, hơn 1.900 doanh nghiệp và gần 700.000 hộ nông dân tham gia. Nhờ đó, tỷ lệ nông sản chủ lực tiêu thụ thông qua liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản từ 10% năm 2017 lên hơn 20% hiện nay.

Tuy nhiên, vai trò của các bên tham gia hợp tác, liên kết trong chuỗi giá trị nông sản còn nhiều hạn chế (còn gần 70% HTX nông nghiệp chưa tham gia tiêu thụ nông sản, chưa làm được vai trò là cầu nối nông dân với doanh nghiệp…). Quy mô thành viên trung bình của một HTX nông nghiệp nhỏ. Hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân chưa bền vững, chủ yếu vẫn là thỏa thuận mua bán. Việc tiêu thụ sản phẩm còn qua nhiều khâu trung gian, hiệu quả kinh tế không cao...

Sẽ ban hành Nghị quyết về phát triển hợp tác xã nông nghiệp

Trong thời gian tới, để khắc phục những hạn chế trên, thúc đẩy liên kết trong chuỗi giá trị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhân rộng các mô hình HTX nông nghiệp tiêu biểu trên cả nước; thúc đẩy chủ trương hỗ trợ phát triển HTX từ đơn chức năng sang đa chức năng, tích hợp đa giá trị, từ chú trọng đầu vào sang kết hợp chú trọng đầu ra; từ chuỗi cung ứng sang chuỗi giá trị. Ưu tiên hỗ trợ phát triển HTX quy mô lớn, đông thành viên.

Bên cạnh đó, Bộ sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị quyết về phát triển HTX trong nông nghiệp phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025.

Nhằm đổi mới, nâng cao năng lực hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất, trọng tâm là HTX nông nghiệp, Bộ sẽ củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX nông nghiệp trong định hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Mặt khác, ngành nông nghiệp sẽ tổ chức sản xuất, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hợp đồng và liên kết thị trường theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp. Thực hiện liên kết trong sản xuất giữa nông dân với nông dân (liên kết ngang), giữa nông dân với doanh nghiệp (liên kết dọc), giảm bớt các khâu trung gian nhằm hạ giá thành sản phẩm.

Ngoài ra, Bộ xây dựng, củng cố và phát triển mô hình chợ đầu mối nông sản, các chợ truyền thống, hình thành các kênh phân phối bán buôn, bán lẻ; tăng cường ứng dụng công nghệ số, thương mại điện tử; tổ chức quản lý hệ thống thương lái. Công tác thông tin, tuyên truyền về liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sẽ được đẩy mạnh.

Song song với đó, ngành nông nghiệp sẽ thực hiện hiệu quả công tác dự báo, xác định nhu cầu thị trường; phát triển các vùng sản xuất hàng hóa theo nhóm trục sản phẩm chủ lực (cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp địa phương - nhóm sản phẩm OCOP). Xây dựng và hoàn thiện các hồ sơ vùng trồng, diện tích và địa điểm, các hàng rào kỹ thuật của nước nhập khẩu. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, đăng ký và bảo hộ nhãn hiệu, nhất là nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý...

Tạo điều kiện tối đa cho nhập khẩu để bảo đảm nguồn cung

Để ổn định thị trường, kiểm soát sự biến động giá của một số mặt hàng nông sản, thủy sản, thức ăn chăn nuôi, vật tư nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Nông thôn cho biết tiếp tục phối hợp với Bộ Công thương, các địa phương đánh giá cân đối cung - cầu nông sản, điều tiết xuất nhập khẩu vật tư đầu vào. Bộ sẽ triển khai “Hệ thống điều hành cơ sở dữ liệu cung cầu nông sản” làm công cụ theo dõi sản lượng cung cầu, qua đó đưa ra các kịch bản và giải pháp can thiệp cần thiết điều tiết cung cầu từng nhóm hàng và từng khu vực trong các tình huống.

Bên cạnh đó, Bộ sẽ phối hợp với các bên liên quan tập trung, liên kết chặt chẽ với các vùng nguyên liệu, đẩy mạnh chế biến, chế biến sâu bảo quản, nâng cao giá trị gia tăng. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, kiểm soát giá nguyên liệu và giá thành sản xuất phân bón, thức ăn chăn nuôi; tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho hoạt động nhập khẩu nhằm bảo đảm nguồn cung, ổn định giá cả để doanh nghiệp và người dân yên tâm phục hồi sản xuất.

Minh Châu

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doi-song-xa-hoi/huong-di-dung-cua-nen-nong-nghiep-hien-dai-i291326/