Hướng đi 'cũ mà mới' cho HTX từ mô hình cho thuê dài hạn

Làm sao để bảo đảm nguồn thu, việc làm, thu nhập cho thành viên cũng chính là cách để duy trì, 'nuôi sống' HTX. Với thế mạnh của mô hình HTX là mua chung, bán chung, việc đầu tư dịch vụ, máy móc nhưng thay vì mua đứt bán đoạn mà chuyển sang cho thuê dịch vụ sẽ là cách đi dài hạn, bảo đảm sự phát triển cho HTX.

Với vai trò là "bà đỡ", phát triển các dịch vụ hỗ trợ thành viên, HTX vận tải du lịch Thanh Sơn (TPHCM) đang phát triển dịch vụ cho thuê các loại xe từ 4-45 chỗ ngồi. Trong khi đó, HTX nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Bình Tây (Tiền Giang) đang cho thuê nhà trọ, ki ốt; HTX Nông nghiệp Hậu Thành (Vĩnh Long) đầu tư máy bay không người lái để làm thuê cho người dân...

Đa dạng lĩnh vực, ngành nghề

Có thể thấy, mô hình cho thuê máy móc, dịch vụ hiện diện ở các HTX, ở mọi lĩnh vực ngành nghề, mọi địa phương…, mang lại hiệu quả cho cả HTX, thành viên và khách hàng.

Đối với người thuê, họ được mua, sử dụng dịch vụ giá rẻ, đáp ứng nhu cầu một cách tự động. Nhất là khi khách hàng thuê dịch vụ, máy móc theo năm, theo mùa vụ dài hạn chắc chắn sẽ có giá hấp dẫn hơn thuê theo ngày hoặc thuê một thời điểm ngắn. Còn HTX sẽ có nguồn thu ổn định, có thể dự trù được nguồn thu nên chủ động trong phát triển. Khi HTX có nguồn thu, thành viên cũng có việc làm, đảm bảo thu nhập.

Cho thuê sạp hàng, ki ốt trong chợ truyền thống là mô hình đang được nhiều HTX quản lý chợ thực hiện.

Cho thuê sạp hàng, ki ốt trong chợ truyền thống là mô hình đang được nhiều HTX quản lý chợ thực hiện.

Không những vậy, việc cho thuê máy móc, dịch vụ của HTX thường đến với những tệp khách quen thuộc, có thể là chính thành viên, người dân ở trên địa bàn hoặc địa bàn lân cận với chu kỳ cho thuê lâu dài nên tạo thuận lợi cho HTX trong chăm sóc khách hàng, giữ mối quan hệ, từ đó có được lượng khách cố định.

Nghiên cứu của Công ty công nghệ VCCorp và một số báo cáo cho thấy doanh thu từ khách hàng cũ thường cao 67-80% so khách hàng mới. Điều này phù hợp cho HTX khi mang lại nhiều trải nghiệm cho người thuê và tiết kiệm được chi phí quảng cáo, marketing…

Ông Nguyễn Ngọc Côn, Giám đốc HTX sản xuất và dịch vụ Nông – Ngư nghiệp Thái Hải (Đăk Lăk), cho biết một chiếc máy gặt đập liên hợp Kubota trị giá gần 800 triệu đồng, quá sức với khả năng tài chính của người dân, nên rất ít hộ có thể tự đầu tư, trang bị được. Nhưng khi HTX đầu tư một lần mà thực hiện thu tiền nhiều lần bằng cách làm thuê thì giá trị kinh tế thu về sẽ khá hiệu quả. Đặc biệt, khi HTX lấy giá phù hợp và thu hút được nhiều khách thuê dịch vụ.

Nếu như trước đây, các HTX thường phát triển dịch vụ cho thuê ở ngành nông nghiệp thì hiện nay đã mở rộng sang nhiều ngành nghề và có sự phát triển, đổi mới nhằm thích ứng với thị trường. Có HTX còn thực hiện chính sách thưởng trực tiếp cho thành viên nếu như kêu gọi được thêm người tham gia HTX và sử dụng dịch vụ của HTX. Có những HTX chuyên về công nghệ cũng phát triển các dịch vụ, phần mềm để bán hoặc cho khách hàng thuê.

Vướng tư duy, nguồn đầu tư

Theo các chuyên gia, mô hình cho thuê để tạo ra nguồn thu này của các HTX đã phát triển rất nhanh chóng và áp dụng cho HTX ở hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề.

Việc phát triển dịch vụ như trên nếu HTX có sản phẩm, dịch vụ tốt kết hợp với khách hàng có nhu cầu lớn sẽ tạo thuận lợi cho HTX. Tuy nhiên, nếu khách hàng ít, trong khi chính HTX cũng gặp khó khăn trong đầu tư máy móc, dịch vụ cho thuê thì chính là vướng mắc trong phát triển mô hình này.

“Có một điều là hầu hết HTX ở Việt Nam đều không có khả năng tự sản xuất các loại máy móc nên phải nhập khẩu, mua lại nên giá đầu tư ban đầu đã cao lại còn cao hơn”, ông Nguyễn Ngọc Côn chia sẻ.

Bên cạnh đó, muốn nhận được hỗ trợ máy móc theo Quyết định 1804/QĐ-TTg thì đòi hỏi HTX phải có nguồn vốn đối ứng 55% so với giá trị máy móc đầu tư, ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ 45%. Điều này là khó khăn đối với không ít HTX trong tiếp cận chính sách hỗ trợ. Trong khi nhiều dịch vụ, máy móc hiện có rất nhiều đơn vị cùng làm và cạnh tranh trực tiếp với HTX.

Bà Nguyễn Thị Minh Yến, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp Hậu Thành (Vĩnh Long) cho biết để đầu tư máy móc, dịch vụ thì HTX cần vốn. Khi đầu tư rồi thì chiết khấu tài sản phải mất nhiều năm, ngân hàng thì HTX khó tiếp cận. Trong khi đó, sản xuất nông nghiệp hiệu quả không cao, hay bị phụ thuộc vào khí hậu, thời tiết.

Trước khó khăn trên, các chuyên gia cho rằng nếu HTX thực hiện mô hình cho thuê dài hạn và kết hợp được với một số quỹ (quỹ khởi nghiệp, quỹ bảo hiểm…) đầu tư thì sẽ thuận lợi hơn. Và đã có HTX làm được điều này như HTX Kinh doanh nông sản Quang Lanh (Thái Bình) được hỗ trợ máy móc, vốn (không lãi suất) khi liên kết, kết hợp được với một số quỹ, dự án.

Bên cạnh đó, mô hình cho thuê của HTX cũng gặp không ít khó khăn bởi tâm lý của người dân Việt Nam hiện vẫn muốn sở hữu nhiều loại tài sản. Điều này khác với tâm lý của người dân ở nhiều nước trên thế giới là muốn thoát ra khỏi sự lệ thuộc vào các tài sản.

Cũng vì tâm lý muốn sở hữu, sợ mất đất, mất ruộng mà nhiều HTX cũng không thuê lại được đất của người dân để phát triển các dịch vụ theo hướng chuyên nghiệp.

Ông Mathias Klippel , Chủ tịch HĐQT HTX Wöllmisse Schlöbern (Công hòa Liên bang Đức) cho biết các dịch vụ cho thuê các loại máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp hay ở các ngành dịch vụ khác ở Đức rất phát triển từ thuê xe, thuê nhà, thuê quần áo… Tuy vậy, HTX muốn cho thuê được thì phải chi nhiều trước khi có được khách hàng.

Chính vì vậy, để phát triển mô hình này hiệu quả, nhanh thu hồi vốn và phát huy được giá trị của mô hình kinh tế tập thể, HTX cũng phải tìm cách để cung cấp dịch vụ nhất quán, chất lượng cao, bảo đảm về giá cả. HTX cũng phải tìm kiếm cơ hội để bán thêm hoặc bán kèm các sản phẩm khác vì nhiều dịch vụ chỉ thực hiện trong một thời gian nhất định. Nhất là nông nghiệp luôn sản xuất kinh doanh theo mùa vụ, gây gián đoạn nguồn thu cho HTX.

Huyền Trang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//hop-tac-xa/huong-di-cu-ma-moi-cho-htx-tu-mo-hinh-cho-thue-dai-han-1100457.html