Hướng đến môi trường không rác thải nhựa
Ô nhiễm từ rác thải nhựa đang trở thành một trong những thách thức lớn nhất mà nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam đang phải đối mặt. Việc lạm dụng sử dụng sản phẩm nhựa, nhất là túi ny-lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần đã và đang để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường và sức khỏe con người.
Giảm thiểu, phân loại tại nguồn, tăng cường khả năng tái sử dụng, tái chế rác thải nhựa; sử dụng vật liệu thay thế túi ny-lông và sản phẩm nhựa dùng một lần; nghiên cứu và đầu tư cho công nghệ tái chế rác thải nhựa… chính là những giải pháp ứng phó với tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa mà Việt Nam cũng như nhiều quốc gia đang hướng tới.
* Toàn cầu tập trung ứng phó với ô nhiễm rác thải nhựa
Ngày Môi trường thế giới 5-6-2023, Chương trình môi trường LHQ (UNEP) đã phát đi thông điệp “Chống ô nhiễm nhựa” (Beat Plastic Pollution) với chủ đề “Giải pháp cho ô nhiễm nhựa” (Solutions to Plastic Pollution). Trong đó tập trung cho chiến dịch ứng phó với ô nhiễm từ rác thải nhựa.
Theo UNEP, ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa đang trở thành vấn đề bức thiết mà các quốc gia trên toàn cầu đang phải đối mặt. Mỗi năm, trên thế giới có khoảng 400 triệu tấn nhựa được sản xuất, một nửa trong số đó được thiết kế chỉ sử dụng một lần. Sau quá trình sử dụng, hàng năm thế giới thải bỏ khoảng 300 triệu tấn rác thải nhựa, trong khi chỉ có 10% lượng rác thải nhựa được tái chế (tương đương với 30 triệu tấn), còn lại 270 triệu tấn đang được xử lý bằng phương pháp đốt, chôn lấp hoặc nằm rải rác khắp nơi trên đất liền và ở các đại dương.
Trong số này, rác thải nhựa chiếm số lượng nhiều nhất là bịch ny-lông. Chỉ cần 5 giây để sản xuất 1 chiếc bịch ny-lông, thời gian sử dụng khoảng 5 phút rồi vứt bỏ, nhưng phải cần đến 500 năm để những bịch ny-lông này phân hủy hoàn toàn. Rác thải nhựa được phân hủy thành các hạt vi nhựa và đi vào nguồn nước, thực phẩm, không khí. Ước tính, mỗi người trên hành tinh phải tiếp nhận hơn 50 ngàn hạt vi nhựa mỗi năm.
Vì vậy, chủ đề Ngày Môi trường thế giới năm 2023 nhằm truyền tải mạnh mẽ đến các quốc gia thông điệp cùng xây dựng lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và thích ứng với biến đổi khí hậu; kiểm soát, giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa thông qua các chính sách, sáng kiến và tham gia cơ chế hợp tác toàn cầu; tăng cường tái chế, tái sử dụng; thúc đẩy xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững; thực thi hiệu quả chính sách chống rác thải nhựa; hướng tới lối sống xanh hơn, sạch hơn.
* Đồng Nai với nỗ lực xử lý rác thải nhựa
Với khoảng 3,2 triệu dân, mỗi ngày Đồng Nai thải ra 3,6 ngàn tấn rác thải các loại, trong đó rác thải nhựa chiếm 6-8% (tương đương với hơn 200 tấn/ngày, bao gồm cả rác thải nhựa công nghiệp và sinh hoạt). Hoạt động thu gom, xử lý khối lượng rác thải khổng lồ này, đặc biệt là tái chế, xử lý rác thải nhựa lâu nay vốn là bài toán nan giải.
Theo đại diện Công ty CP Dịch vụ môi trường Sonadezi, mỗi ngày Khu xử lý rác thải ở xã Quang Trung (H.Thống Nhất) tiếp nhận khoảng 800 tấn rác thải để xử lý, trong đó có khoảng 6-8% là rác thải nhựa (tương đương khoảng 35-40 tấn) và chỉ có 50% lượng rác nhựa có thể tái chế, số còn không tái chế được vẫn phải chôn lấp hoặc đốt. Cho nên, việc xử lý triệt để lượng rác thải nhựa vẫn còn nhiều khó khăn.
Theo Tổ chức Môi trường toàn cầu, mỗi năm lượng rác thải nhựa do con người thải ra trên toàn thế giới đủ để phủ kín 4 lần diện tích bề mặt trái đất. Trong đó có 13 triệu tấn chất thải nhựa được đổ ra các đại dương. Lượng rác thải nhựa chiếm từ 50-80% rác thải biển.
Nhằm đảm bảo việc phát triển kinh tế song hành với các mục tiêu bảo vệ môi trường, thời gian qua, Đồng Nai đã và đang triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, đáng chú ý là công tác tái chế rác thải nhựa, góp phần giải quyết các hậu quả ô nhiễm môi trường do phát sinh rác thải hàng ngày.
Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Lê Văn Bình cho biết, nếu như trước đây đa phần các loại rác thải nhựa sau khi phân loại, được xử lý theo phương pháp đốt, thì nay việc tận dụng, tái chế được cho là ưu tiên trong thực hiện bảo vệ môi trường theo hướng bền vững, không chỉ góp phần giảm thải ô nhiễm môi trường trong nước mà còn đóng góp tích cực cho sự nghiệp chung bảo vệ môi trường trên thế giới.
Bằng những nỗ lực của mình, Đồng Nai đang khuyến khích các hoạt động tái chế rác thải nhựa công nghiệp và rác thải nhựa sinh hoạt thành những sản phẩm hữu ích, mang lại giá trị kinh tế ổn định, điều đó đồng thời giảm thiểu lượng rác thải nhựa phải xử lý bằng phương pháp đốt và chôn lấp.
Điển hình cho công tác tái chế rác thải nhựa thành sản phẩm hữu ích, thậm chí có thể xuất khẩu là Công ty TNHH MTV Thanh Tùng (có Khu xử lý chất thải tại xã Vĩnh Tân, H.Vĩnh Cửu). Ông Bùi Xuân Hùng, Tổng giám đốc công ty cho biết, ngay từ khi tiếp nhận chủ trương, định hướng của các cấp lãnh đạo tỉnh, công ty đã nhanh chóng triển khai các quy trình, áp dụng thành tựu khoa học - công nghệ, trang bị nền tảng kỹ thuật mới để sẵn sàng tiếp nhận, xử lý, tái chế chất thải, trong đó có chất thải nhựa nhằm phát triển ra những sản phẩm mới. Hiện công ty đã cho ra nhiều sản phẩm tiện ích được tái chế từ rác thải nhựa như: ván nhựa xuất khẩu, gạch cao su, ghế sử dụng ngoài trời, bàn ghế học sinh, thùng đựng rác khổ lớn, vách ngăn nhà, tranh 3D nghệ thuật… có giá trị kinh tế trên thị trường.
Với lượng rác thải nhựa phát sinh khá lớn mỗi ngày, việc phát triển khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư công nghệ tái chế chất thải nhựa giá thành thấp và sản xuất ra những sản phẩm hữu ích từ rác thải nhựa đang được tỉnh ưu tiên. Hiện Sở TN-MT đang rà soát, đề xuất thành lập cụm công nghiệp tái chế chất thải; đồng thời xây dựng các chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, vốn cũng như hỗ trợ quảng bá sản phẩm tái chế từ rác thải nhựa, nhằm tạo tiền đề cho sự phát triển ngành công nghệ tái chế chất thải nhựa - vốn là vấn đề nan giải lâu nay.
Trong Kế hoạch Hành động về sản xuất và tiêu dùng bền vững trong công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, giai đoạn 2022-2030 do UBND tỉnh ban hành, tỉnh phấn đấu đến năm 2025, 85% siêu thị, trung tâm thương mại sử dụng sản phẩm bao bì thân thiện môi trường thay thế cho sản phẩm bao bì nhựa dùng một lần; đến năm 2030, 100% siêu thị, trung tâm thương mại phân phối sử dụng sản phẩm bao bì thân thiện môi trường.