Hướng dẫn áp dụng Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA)

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo Thông tư hướng dẫn việc áp dụng Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA) trong quản lý thuế.

Ảnh minh họa

Dự thảo Thông tư này hướng dẫn thi hành Điều 41 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP của Chính phủ về việc áp dụng Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (gọi tắt là APA) trong quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.

Đối tượng áp dụng gồm: Tổ chức sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ là đối tượng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp trên cơ sở kê khai doanh thu, chi phí để xác định thu nhập chịu thuế (gọi chung là người nộp thuế), thực hiện giao dịch với các bên có quan hệ liên kết (gọi tắt là giao dịch liên kết) và đề nghị áp dụng APA đối với các giao dịch theo quy định.

Giao dịch được đề nghị áp dụng APA là các giao dịch liên kết thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 132/2020/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ.

Giao dịch được đề nghị áp dụng APA theo quy định trên cần đáp ứng đồng thời các điều kiện sau: Giao dịch không liên quan đến thu nhập được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định về ưu đãi miễn thuế, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp theo pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.

Trường hợp trong kỳ tính thuế doanh nghiệp có thu nhập được miễn thuế và thu nhập không được miễn thuế theo quy định về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp thì doanh nghiệp phải hạch toán riêng thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh không liên quan đến thu nhập được miễn thuế để làm căn cứ xác định các giao dịch đề nghị áp dụng APA theo quy định tại Thông tư này. Trường hợp doanh nghiệp không hạch toán riêng được thì thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh được miễn thuế được xác định theo tỷ lệ giữa doanh thu của hoạt động sản xuất, kinh doanh được ưu đãi miễn thuế trên tổng doanh thu của doanh nghiệp.

Giao dịch có đủ thông tin, tài liệu để xác định bản chất giao dịch liên kết phù hợp nguyên tắc phân tích so sánh, lựa chọn đối tượng so sánh độc lập theo quy định tại Nghị định số 132/2020/NĐ-CP.

Giao dịch tìm kiếm được số lượng đối tượng so sánh độc lập để xác định khoảng giá trị giao dịch độc lập chuẩn phù hợp theo quy định tại Nghị định số 132/2020/NĐ-CP từ nguồn cơ sở dữ liệu thương mại có sự kiểm chứng đảm bảo tính pháp lý theo quy định.

Giao dịch thực tế đã phát sinh trong hoạt động sản xuất kinh doanh của người nộp thuế và sẽ tiếp tục diễn ra trong giai đoạn đề nghị áp dụng APA, mà kết quả xác định mức giá hoặc tỷ suất lợi nhuận hoặc tỷ lệ phân bổ lợi nhuận của người nộp thuế liên quan đến giao dịch đó không có biến động mang tính trọng yếu giữa các năm tính thuế trong giai đoạn trước khi nộp hồ sơ đề nghị áp dụng APA chính thức so với giai đoạn đề nghị áp dụng APA và phù hợp với các quy định về phân tích, so sánh, lựa chọn đối tượng so sánh độc lập và phương pháp xác định giá giao dịch liên kết.

Giao dịch có nghĩa vụ thuế phát sinh từ giao dịch không thuộc đối tượng giải quyết tranh chấp, khiếu nại về vi phạm hành chính về thuế; giao dịch không thuộc trường hợp được sắp xếp nhằm mục đích trốn, tránh thuế hoặc lợi dụng Hiệp định thuế.

Việc áp dụng APA nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế, giảm chi phí tuân thủ pháp luật thuế, xác định giá giao dịch liên kết của người nộp thuế phù hợp với nguyên tắc phân tích, so sánh với các giao dịch độc lập và bản chất hoạt động, giao dịch quyết định nghĩa vụ thuế để xác định nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của người nộp thuế như trong điều kiện giao dịch giữa các bên độc lập và ngăn ngừa việc đánh thuế trùng và trốn lậu thuế, giảm thiểu tranh chấp về xác định giá của giao dịch liên kết. Trong thời gian đàm phán APA, người nộp thuế thực hiện khai, nộp thuế theo quy định pháp luật hiện hành.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Khánh Linh

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/chinh-sach-moi/huong-dan-ap-dung-thoa-thuan-truoc-ve-phuong-phap-xac-dinh-gia-tinh-thue-apa/425842.vgp