HTX Dịch vụ nông nghiệp cây đào xã Chiến Thắng: Liên kết để phát triển

Thời gian qua, Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp cây đào xã Chiến Thắng, huyện Bắc Sơn đã phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển mô hình trồng, chăm sóc cây đào và nhất chi mai, qua đó góp phần nâng cao thu nhập cho các thành viên trong HTX và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Thành viên HTX Dịch vụ nông nghiệp cây đào xã Chiến Thắng chăm sóc cây đào

Thành viên HTX Dịch vụ nông nghiệp cây đào xã Chiến Thắng chăm sóc cây đào

Xã Chiến Thắng có khoảng 90% hộ dân trồng đào và cây nhất chi mai. Diện tích đất trồng đào đã lên tới hơn 100 ha, đất trồng nhất chi mai hơn 10 ha. Nhận thấy đa phần các hộ dân trồng với quy mô nhỏ và chưa biết cách áp dụng khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất, chính quyền xã đã tuyên truyền, vận động, khuyến khích các hộ trồng đào trên địa bàn liên kết, thành lập HTX. Theo đó, tháng 7/2023, HTX Dịch vụ nông nghiệp cây đào xã Chiến Thắng đã được thành lập, với 21 thành viên, hoạt động chủ yếu là trồng và chăm sóc đào cảnh, nhất chi mai.

Ông Trần Văn Luân, Giám đốc HTX cho biết: Sau khi thành lập, HTX đã tạo điều kiện cho các thành viên tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây đào và nhất chi mai do các cơ quan chuyên môn của huyện, tỉnh tổ chức. HTX cũng thường chuyên tổ chức các buổi sinh hoạt để các thành viên trao đổi, chia sẻ, học tập kinh nghiệm về kỹ thuật chăm sóc, cắt tỉa, uốn nắn tạo hình cây...

Ông Nguyễn Tiến Cương, thành viên HTX chia sẻ: Hiện nay, gia đình tôi đang có hơn 1 ha trồng đào cảnh. Khi tham gia HTX, bên cạnh việc được tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn về quy trình, kỹ thuật chăm sóc cây đào, tôi còn được đi tham quan, học tập kinh nghiệm ở các mô hình trồng đào hiệu quả của các hộ xung quanh cũng như ở một số tỉnh, thành khác như Hà Nội, Bắc Ninh... Từ đó, tôi nắm rõ quy trình chăm sóc, kỹ thuật cắt tỉa, uốn nắn cành, hãm và thúc cây đào nở hoa đúng dịp... để áp dụng vào thực tế mô hình của gia đình, nâng hiệu quả sản xuất. Chỉ tính trong dịp Tết Nguyên đán năm 2024, gia đình tôi đã xuất bán ra thị trường khoảng 1.000 gốc đào, mang lại thu nhập gần 600 triệu đồng.

Không chỉ chú trọng đến việc nâng cao khả năng áp dụng KHKT vào sản xuất của các hộ thành viên, HTX Dịch vụ nông nghiệp cây đào xã Chiến Thắng còn là đơn vị tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào mô hình sản xuất, tiết kiệm sức lao động. Ông Trần Văn Luân, Giám đốc HTX chia sẻ thêm: Hiện nay, tại HTX đang có khoảng 1ha đào cảnh được Nhà nước hỗ trợ xây dựng mô hình sản xuất thông minh. Theo đó, chỉ cần sử dụng một chiếc điện thoại thông minh, người dân có để điều khiển hệ thống chiếu sáng, tưới nước... để chăm sóc vườn đào một cách tự động. Đây là mô hình rất hiện đại và ưu việt, do đó, trong thời gian tới, HTX sẽ nghiên cứu, khuyến khích các hộ thành viên áp dụng rộng rãi vào quá trình sản xuất.

Nhờ việc chú trọng áp dụng KHKT vào sản xuất, HTX đã ngày càng phát triển. Đến nay, HTX đã có khoảng 7 ha trồng đào cảnh với khoảng 19.000 cây, gần 10 ha trồng nhất chi mai với khoảng 27.000 cây. Đặc biệt, sản phẩm cây đào cảnh và nhất chi mai của HTX còn có mẫu mã đẹp, hoa nở đúng dịp, được đông đảo người tiêu dùng biết đến và tìm mua. Trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, HTX đã bán ra thị trường khoảng 3.000 cây đào cảnh, gần 4.000 cây nhất chi mai, mang lại doanh thu gần 3 tỷ đồng sau khi trừ chi phí. Sản phẩm của HTX không chỉ được tiêu thụ trong tỉnh mà còn mở rộng ra các tỉnh, thành khác như: Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Giang...

Ông Phạm Bá Hạnh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Sơn cho biết: HTX Dịch vụ nông nghiệp cây đào xã Chiến Thắng là một trong những HTX tiêu biểu của huyện. Phát huy lợi thế của địa phương, các thành viên HTX đã liên kết, hỗ trợ nhau phát triển mô hình sản xuất một cách hiệu quả, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong thời gian tới, phòng sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền xã tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao KHKT cho các hộ dân trồng đào; tuyên truyền, vận động các hộ thành viên của HTX đầu tư, ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất để tiết kiệm chi phí, giảm thiểu sức lao động; đồng thời xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cây đào, tạo thuận lợi trong quá trình tiêu thụ. Theo đó, hiện nay, phòng đã phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thiện xong hồ sơ, thủ tục để xây dựng cây đào của HTX thành sản phẩm OCOP trong năm 2024 và gửi tới Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện chờ chấm điểm theo các tiêu chí quy định.

Từ mô hình trồng đào cảnh và nhất chi mai, các hộ thành viên của HTX đã có thu nhập từ 100 – 300 triệu đồng/năm, cá biệt một số hộ có thu nhập từ 500 - 700 triệu đồng/năm. HTX cũng tạo việc làm thời vụ cho khoảng 50 lao động địa phương với thu nhập 400.000 - 500.000 đồng/người/ngày.

Qua đây, có thể thấy, HTX Dịch vụ nông nghiệp cây đào xã Chiến Thắng đã có được những thành công bước đầu trong phát triển mô hình sản xuất, nâng cao thu nhập cho các thành viên và góp phần khẳng định được sự quan trọng trong việc liên kết sản xuất, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

KIM CHI - KIM HUYÊN

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/htx-dich-vu-nong-nghiep-cay-dao-xa-chien-thang-lien-ket-de-phat-trien-5031218.html