Hợp nhất Bình Phước và Đồng Nai: Xu thế - cơ hội và động lực phát triển mới
BÀI CUỐI
QUYẾT TÂM CỦA ĐẢNG - KỲ VỌNG CỦA DÂN
BPO - Trước khi Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12-4-2025 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và Quyết định số 759/QĐ-TTg ngày 14-4-2025 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính (ĐVHC) các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, trong dư luận đặt giả thiết Bình Phước có thể hợp nhất với tỉnh Tây Ninh, Đắk Nông hoặc Bình Phước nên hợp nhất với tỉnh Bình Dương như trước, còn Đồng Nai sáp nhập với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ thuận hơn vì trước kia từng là một tỉnh tách ra… Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc hợp nhất Bình Phước với tỉnh Đồng Nai đã tạo nên bất ngờ. Người dân kỳ vọng, tin tưởng điều bất ngờ ấy sẽ tạo nên những bứt phá rất không ngờ cho tỉnh mới trong tương lai.
Đảng quyết tâm tạo xung lực mới, động lực mới cho phát triển
Tinh gọn tổ chức bộ máy là vấn đề đã được đề cập và thực thi trong nhiều nhiệm kỳ đại hội Đảng.
8 năm trước, Hội nghị Trung ương 6 khóa XII ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Theo đánh giá của Trung ương, đến nay, việc triển khai thực hiện đạt một số kết quả bước đầu. Tuy nhiên, việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy chưa đồng bộ, tổng thể; tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian, đầu mối; còn trùng lắp, chồng chéo… Chính vì vậy, việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả tiếp tục là đòi hỏi bức thiết.

Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Tôn Ngọc Hạnh và Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Vũ Hồng Văn chủ trì họp cho ý kiến về Đề án sắp xếp, sáp nhập ĐVHC cấp tỉnh tại trụ sở Tỉnh ủy Đồng Nai - Ảnh: Bùi Cúc
Tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: “Không tinh gọn bộ máy thì không phát triển được”. Tổng Bí thư nhấn mạnh, hiện nay, ngân sách đang chi tới 70% để trả lương, chi thường xuyên, phục vụ cho hoạt động, chỉ còn lại 30%, làm gì còn nguồn lực cho đầu tư phát triển. Yêu cầu cấp bách đặt ra, phải tinh gọn bộ máy, giảm biên chế, giảm chi thường xuyên. Trung ương mà gọn, tỉnh sẽ gọn, trên không có bộ thì tỉnh sẽ không có sở và cấp huyện không có phòng. Để làm được điều này, Tổng Bí thư đề nghị Trung ương phải gương mẫu, các ban của Đảng phải gương mẫu và Quốc hội, Chính phủ phải gương mẫu quyết tâm thực hiện.

Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Tôn Ngọc Hạnh cùng lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh khảo sát các tuyến giao thông có thể kết nối với tỉnh Đồng Nai - Ảnh: Hoàng Vũ
Tại phiên bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, ngày 25-11-2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị, các Ủy viên Trung ương Đảng cần xác định quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, gương mẫu chỉ đạo quyết liệt, mạnh mẽ trong thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng, trước hết là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu cần gương mẫu, chủ động, quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ được giao theo tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”. Trung ương không chờ cấp tỉnh, cấp tỉnh không chờ cấp huyện, cấp huyện không chờ cơ sở.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, tinh gọn bộ máy là vấn đề khó, thậm chí rất khó, vì sẽ liên quan đến tâm tư, tình cảm, nguyện vọng và đụng chạm tới lợi ích của một số cá nhân, tổ chức. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải tiến hành, vì muốn có một cơ thể khỏe mạnh, đôi khi chúng ta phải “uống thuốc đắng”, phải chịu đau để “phẫu thuật khối u”. Trên tinh thần ấy, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ra các Kết luận số 126, 127 về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và Kết luận số 137-KL/TW về Đề án sắp xếp, tổ chức lại ĐVHC các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Với quyết tâm cao “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Tổng Bí thư, các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã tiên phong, gấp rút triển khai cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy: 13 cơ quan Đảng, đoàn thể ở Trung ương đã tiên phong làm trước và đi vào vận hành hiệu quả. Tuy nhiên, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, đó mới chỉ là bước khởi đầu và phía trước vẫn còn nhiều việc phải làm. Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị: “Thời gian không chờ đợi chúng ta. Đất nước đang đứng trước cánh cửa lịch sử bước vào kỷ nguyên vươn mình. Những công việc chúng ta làm hôm nay sẽ quyết định tương lai. Chậm trễ là có lỗi với nhân dân”.
Với tinh thần đó, tại Hội nghị lần thứ 11 diễn ra từ ngày 10 đến 12-4-2025, Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII biểu quyết thông qua nhiều nội dung quan trọng, trong đó thống nhất với các nội dung đề xuất về sắp xếp, sáp nhập các ĐVHC cấp tỉnh, cấp xã, thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Đó là Nghị quyết số 60-NQ/TW ban hành ngày 12-4-2025. Trên cơ sở đó, chỉ 2 ngày sau, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 759/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại ĐVHC các cấp và xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Theo đó, Bình Phước hợp nhất với tỉnh Đồng Nai, thành tỉnh mới có tên là tỉnh Đồng Nai, trung tâm hành chính - chính trị đặt tại TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai hiện nay. Tỉnh Đồng Nai mới có diện tích hơn 12.700km2, dân số hơn 4,2 triệu người và có 95 ĐVHC cấp xã.
Khẩn trương hiện thực hóa nghị quyết
Thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ngay sau đó, Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy 2 tỉnh Bình Phước và Đồng Nai đã khẩn trương làm việc, trao đổi, thảo luận về các nhiệm vụ liên quan và tiến hành xây dựng Đề án sắp xếp, sáp nhập ĐVHC tỉnh Bình Phước và tỉnh Đồng Nai. Quan điểm chủ đạo là dù vướng mắc đến mấy cũng phải tháo gỡ, thách thức đến mấy cũng phải vượt qua, khó khăn đến mấy cũng phải hóa giải.


Ban Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu Nga Biên, xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai kỳ vọng 2 tỉnh hợp nhất sẽ có những chính sách tạo thuận lợi cho doanh nghiệp điều phát triển xứng tầm thủ phủ điều cả nước
Cùng với xây dựng đề án hợp nhất, lãnh đạo và các cơ quan, ban, ngành nhanh chóng phối hợp triển khai các nhiệm vụ liên quan chuẩn bị cho việc hợp nhất. Trọng tâm là triển khai đầu tư xây dựng ĐT753 tỉnh Bình Phước kết nối với ĐT761 tỉnh Đồng Nai qua cầu Mã Đà. Lãnh đạo 2 tỉnh và các sở, ngành, địa phương liên quan đã có những buổi đi khảo sát thực tế để thống nhất phương án thực hiện. Điều này được nhân dân 2 tỉnh đồng thuận, đánh giá cao. Như bài viết trước chúng tôi đã đề cập, đến nay HĐND 2 tỉnh đã họp và thống nhất thông qua chủ trương giao UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan chủ quản triển khai thực hiện dự án. Và ngày 5-5, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 3855/VPCP-CN truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về phương án đầu tư tuyến đường kết nối tỉnh Bình Phước và tỉnh Đồng Nai qua cầu Mã Đà.
Phó Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Bình Phước và UBND tỉnh Đồng Nai tiếp thu ý kiến của Bộ Xây dựng để thực hiện nghiên cứu đầu tư tuyến đường nêu trên theo quy định, hoàn tất các quy trình thủ tục theo quy định (trong trường hợp đầu tư dự án), trong đó lưu ý rà soát, đánh giá kỹ các tác động đến môi trường, hệ sinh thái, liên kết đa dạng sinh học, lâm nghiệp, di sản văn hóa, điều ước quốc tế… Dự kiến công trình sẽ khởi công trong tháng 6-2025 và khánh thành, đưa vào sử dụng tháng 12-2025.
Hai tỉnh cũng thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc xây dựng phương án sắp xếp, sáp nhập ĐVHC tỉnh Bình Phước và tỉnh Đồng Nai và nhanh chóng xin ý kiến rộng rãi của nhân dân, các nhà khoa học. Đồng thời, chuẩn bị dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025-2030. Đặc biệt, ngay trong những ngày cuối tháng 4, lãnh đạo 2 tỉnh đã triển khai nhiều nội dung quan trọng liên quan đến việc hợp nhất 2 tỉnh. Ngày 25-4, Tỉnh ủy Bình Phước tổ chức hội nghị thống nhất tờ trình của Đảng ủy UBND tỉnh về thực hiện sắp xếp ĐVHC tỉnh Bình Phước và tỉnh Đồng Nai.
Cùng ngày, tại trụ sở Tỉnh ủy Đồng Nai, Ban Thường vụ Tỉnh ủy 2 tỉnh đã xem xét, cho ý kiến đối với Đề án sắp xếp, sáp nhập ĐVHC cấp tỉnh. Nhiều đề xuất, kiến nghị được bổ sung để hoàn thiện đề án như: Tiếp tục đề xuất với Chính phủ đầu tư kết nối giao thông giữa 2 tỉnh; định hướng Đồng Nai phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Trước mắt, không thực hiện chuyển toàn bộ số cán bộ, công chức sang Đồng Nai làm việc mà sẽ giữ lại một số (dự kiến đến hết năm 2025) để giải quyết dứt điểm các công việc của Bình Phước…


Công ty TNHH xuất nhập khẩu Nga Biên, xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai mong muốn sau hợp nhất tỉnh sớm xây dựng chỉ dẫn địa lý cho hạt điều tỉnh Đồng Nai mới
Đặc biệt, trong 2 ngày 28 và 29-4, HĐND tỉnh Bình Phước và HĐND tỉnh Đồng Nai đã tiến hành các kỳ họp chuyên đề của các tỉnh, thông qua nhiều nội dung quan trọng, trong đó có cho ý kiến và thống nhất tuyệt đối về đề án sắp xếp, tổ chức lại ĐVHC cấp xã và cấp tỉnh. Đến nay, 2 tỉnh cũng đã triển khai rà soát, xem xét bố trí phương tiện làm việc của các cơ quan, sở, ngành; phương án xử lý trụ sở làm việc dôi dư sau sắp xếp. Tổng hợp, thống kê tài sản công để tham mưu bàn giao theo quy định… UBND tỉnh Đồng Nai được phân công chủ động cân đối, bố trí ngân sách để đầu tư sửa chữa, cải tạo, nâng cấp các trụ sở làm việc được tiếp tục sử dụng phục vụ hoạt động của tỉnh Đồng Nai mới; xem xét bố trí nhà ở công vụ, phương tiện phục vụ công tác và nhu cầu đi lại cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tỉnh Bình Phước tới để chủ động ổn định điều kiện làm việc. Tinh thần là “chỉ bàn làm, không bàn lùi” và càng nhanh càng tốt, từng bước thận trọng theo quy định.
Tỉnh ủy Đồng Nai cũng vừa thành lập Tổ Chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng Khu công nghiệp Biên Hòa 1 với quyết tâm khởi công trung tâm chính trị - hành chính tỉnh tại đây vào dịp 2-9 tới.
Tạo những cú “huých” phát triển hài hòa
Có những ý kiến quan ngại khi Bình Phước hợp nhất với tỉnh Đồng Nai thì các địa phương khu vực vùng sâu, vùng xa của Bình Phước sẽ ít được quan tâm, nhiều lĩnh vực kinh tế bị phát triển chậm lại, trung tâm hành chính của Bình Phước hiện nay sẽ vắng người, kinh tế khu vực Bình Phước hiện nay sẽ khó khăn...
Về điều này, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cho rằng, PGS.TS Trần Đình Thiên, đó cũng là những lo lắng rất chính đáng. Bởi nguyên tắc phân bổ nguồn lực là “nước chảy chỗ trũng”. Nơi nào có lợi thế thì nhà đầu tư đến, khi Bình Phước về với Đồng Nai, trong phạm vi một tỉnh, phân bổ nguồn lực trong ngắn hạn có thể tập trung cho Đồng Nai để phát huy nhanh lợi thế, bởi đây là khu vực mục tiêu ưu tiên quốc gia và những tọa độ phát triển có tính chất vùng ở đây nên phải ưu tiên đầu tư. Điều quan tâm là những lợi thế của Bình Phước trong tỉnh mới sẽ được phát huy như thế nào. Đồng Xoài có thể trở thành trung tâm kinh tế, tạo thành tọa độ phát triển, điểm hội tụ từ Tây Nguyên xuống và từ Vương quốc Campuchia về.
Khi hợp nhất sẽ tạo ra những lợi thế mới cho 2 tỉnh, lợi thế của 2 bên sẽ bổ sung, hỗ trợ nhau cùng phát triển. Tiềm năng đất đai của Bình Phước cực kỳ lớn, sẽ bổ sung cho Đồng Nai đang có nhu cầu. Đây là sự hợp nhất rất tuyệt vời, tạo thành thế mạnh rất đặc biệt cho tỉnh Đồng Nai mới. Hai tỉnh hợp nhất sẽ tạo ra những lợi thế để bứt phá mạnh mẽ hơn. Bởi thực tế hiện nay, động lực phát triển và đà phát triển của Bình Phước mạnh không kém tỉnh Đồng Nai.
PGS.TS TRẦN ĐÌNH THIÊN, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam
Như đã phân tích ở các bài viết trước, sau hợp nhất, Bình Phước sẽ được hưởng lợi từ hạ tầng hiện đại của Đồng Nai (đặc biệt là Sân bay quốc tế Long Thành, cảng biển, các tuyến cao tốc, đường sắt…), qua đó thu hút đầu tư mạnh hơn, phát triển các ngành dịch vụ và công nghiệp hỗ trợ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Người dân Bình Phước có nhiều cơ hội việc làm và tiếp cận các dịch vụ giáo dục, y tế chất lượng cao hơn từ Đồng Nai. Ngược lại, Đồng Nai có thêm quỹ đất để mở rộng không gian phát triển, tận dụng nguồn lao động và nguyên liệu từ Bình Phước, tăng tính đa dạng kinh tế và mở rộng liên kết vùng lên Tây Nguyên và biên giới Campuchia, Lào, Thái Lan... Lợi thế của một tỉnh có diện tích rộng lớn đứng thứ 9 (12.737,2km2) và quy mô dân số đông, đứng thứ 3 (4.427.700 người) trong 34 tỉnh, thành sau hợp nhất của cả nước, sẽ là điều kiện, lợi thế nguồn lực tốt về đất đai và nhân lực lao động để tỉnh Đồng Nai mới phát triển.
Nhưng, thành công không chỉ đến từ những ý tưởng táo bạo mà quyết định ở hành động táo bạo gấp đôi bằng những “cú huých” thể chế, nguồn lực làm rung chuyển!
Tương lai phát triển từ chính nhân dân
Quyết định hợp nhất Bình Phước với Đồng Nai thu hút sự quan tâm đặc biệt của các tầng lớp nhân dân. Vui có, buồn có, băn khoăn, lo lắng cũng có và đó là điều hiển nhiên trước mọi sự thay đổi mang tính bước ngoặt của đời sống. Tổng Bí thư Tô Lâm dự báo tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 60-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII: “Triển khai thực hiện chủ trương này sẽ tác động nhất định đến tâm tư, tình cảm của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đây là điều dễ hiểu bởi mỗi con người Việt Nam chúng ta đều in sâu trong ký ức những hình ảnh về quê hương, nơi chôn rau cắt rốn của mình. Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển mới của đất nước, chúng ta phải thay đổi về tư duy, tầm nhìn; thống nhất về nhận thức, tư tưởng; phải vượt lên chính mình, hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của đất nước; vượt qua những băn khoăn, lo lắng, tâm lý, thói quen bình thường; vượt qua những tâm lý, tâm trạng vùng miền để hướng tới tư duy, tầm nhìn rộng lớn hơn - “đất nước là quê hương”.

Cán bộ và nhân dân xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai kỳ vọng sau hợp nhất, cầu Mã Đà được đầu tư xây dựng sẽ kết nối địa phương sang Bình Phước và đi các tỉnh Tây Nguyên, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh dễ dàng, thuận lợi
Ngay sau khi có quyết định của Trung ương, của tỉnh về chủ trương hợp nhất 2 tỉnh, những ngày trung tuần tháng 4, với chiếc xe đạp cũ, bà Đỗ Thị Hồng, Trưởng Ban công tác Mặt trận khu phố Phú Cường, phường Tân Phú, TP. Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, đi khắp các ngõ hẻm trên địa bàn, đến từng nhà lấy ý kiến nhân dân về việc hợp nhất phường, khu phố và 2 tỉnh Đồng Nai - Bình Phước. Cái nắng gay gắt của những ngày tháng 4 ở vùng đất đỏ miền Đông Nam Bộ không làm bà mệt mỏi. Chia sẻ với phóng viên, bà Hồng vui vẻ, hồ hởi khi nói về việc tinh gọn bộ máy: “Hợp nhất 2 tỉnh và thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp tốt quá đi chứ! Hai tỉnh hợp nhất sẽ bổ trợ cho nhau cùng phát triển. Tôi kỳ vọng sau hợp nhất, địa bàn quản lý của mỗi cấp rộng hơn, cấp ủy, chính quyền các cấp sẽ lựa chọn được những người cán bộ xứng tầm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, tận tụy với địa bàn, cơ sở để lắng nghe dân nói, nghe dân bàn và đưa ra những quyết sách vì dân, vì đất nước”.
Về việc Bình Phước hợp nhất với tỉnh Đồng Nai, lấy tên là tỉnh Đồng Nai, nhiều ý kiến cho rằng buồn vì tên gọi Bình Phước mất đi, bà Hồng cho rằng: Tỉnh, thành nào hợp nhất với nhau và sau hợp nhất lấy tên gì Trung ương đều đã nghiên cứu, tính toán kỹ. Tất cả vì mục tiêu chung là sự phát triển của địa phương, đất nước. Hơn nữa, nhiều người sinh ra và lớn lên ở các tỉnh, thành khác, nay vào Bình Phước lập nghiệp, nghĩa là mình cũng đã rời xa nơi chôn rau cắt rốn để đến vùng đất mới, thì sự thay đổi hôm nay có đáng gì, đặc biệt như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói “Đất nước là quê hương”.
Bà Nguyễn Thị Mỵ, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hà Mỵ (huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước), một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực trồng, chế biến và xuất khẩu điều tại Bình Phước chia sẻ: Từ quê hương Hải Phòng vào Bình Phước lập nghiệp và gắn bó với mảnh đất này hơn 30 năm, với tôi Bình Phước như quê hương thứ 2 của mình. Bình Phước là nơi hiện thực hóa giấc mơ và kiến tạo tương lai cho gia đình tôi. Chính vì vậy, mọi sự thay đổi đều là phép thử với chính mình, nếu vượt qua đều đem lại những giá trị nhất định. Bình Phước hợp nhất với tỉnh Đồng Nai là bước đi táo bạo của Trung ương. Chắc chắn Trung ương đã nhìn thấy sự phát triển, hưng thịnh của 2 tỉnh này khi hợp nhất với nhau. Là doanh nghiệp tôi tin vào mục tiêu chiến lược của Trung ương, nhưng trước mắt đó là sự thuận lợi rất lớn cho doanh nghiệp hoạt động.
Từng vào sinh ra tử nơi chiến trường, hòa bình lập lại, ông Nguyễn Mạnh Khởi ngụ thị trấn Gia Ray, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai tiếp tục tham gia công tác trong lực lượng vũ trang huyện, rồi Hội Cựu chiến binh huyện, đến nay ông đã 78 tuổi đời, 51 năm tuổi Đảng, đã chứng kiến bao sự đổi thay, hợp nhất, chia tách các tỉnh, thành trong cả nước và ông cho rằng, mỗi thời kỳ, sự hợp nhất, chia tách đều rất hợp lý, phù hợp với bối cảnh, tình hình thực tế và đã mang lại những hiệu quả thiết thực cho sự phát triển của đất nước. Ông Khởi tin rằng, hợp nhất 2 tỉnh Bình Phước và Đồng Nai sẽ tạo nên một Đồng Nai mới rộng lớn, điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư.

Cán bộ và người dân xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai chia sẻ với phóng viên về những tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch của địa phương nhưng chưa được đầu tư khai thác
Sau 13 năm làm trưởng ấp, nay ông Vũ Văn Biên ở ấp 1, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai không còn tham gia công tác nữa, nhưng ông luôn băn khoăn, trăn trở Mã Đà là xã nhiều tiềm năng, lợi thế trong phát triển du lịch trải nghiệm, du lịch khám phá, về nguồn; có thể phát huy thế mạnh vùng đất trồng xoài nổi tiếng thơm ngon, năng suất vượt trội… nhưng đến nay phát triển chưa tương xứng. Ông kỳ vọng, Bình Phước hợp nhất với tỉnh Đồng Nai, cầu Mã Đà sẽ sớm được đầu tư xây dựng, từ đó nông sản địa phương dễ dàng kết nối đi tiêu thụ lên các tỉnh Tây Nguyên, hoặc xuống khu vực Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh hiện nay và phát triển du lịch liên vùng.
Liên quan đến việc hợp nhất 2 tỉnh, có ý kiến cho rằng, Đồng Nai sẽ thiệt thòi vì Bình Phước là tỉnh miền núi, còn nhiều khó khăn, Bình Phước thiệt thòi vì không còn tên tỉnh và trung tâm tỉnh mới đặt tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai hiện nay, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, thực hiện hợp nhất, 2 tỉnh sẽ có những ảnh hưởng không mong muốn, thậm chí không hài lòng, nhưng quan trọng là sẽ đem lại lợi ích chung. Các tỉnh không nên có những so đo, tính toán thiệt hơn. Đồng Nai có những lợi thế vượt trội, ưu thế không nơi nào có nên sẽ thu hút tốt hơn, phát triển mạnh hơn, nhưng đó cũng sẽ là lợi thế cho Bình Phước khi hợp nhất với Đồng Nai.
Công ty TNHH xuất nhập khẩu Nga Biên, xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai chuyên sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu nhân hạt điều và các sản phẩm chế biến từ điều. Công ty thành lập và đi vào hoạt động đến nay đã gần 10 năm. Mỗi năm công ty xuất khẩu khoảng 500 tấn, cả điều nguyên liệu, sang thị trường Singapore, Đài Loan - Trung Quốc. Chị Tô Thị Nga, Giám đốc công ty cho biết, khi hay tin Bình Phước hợp nhất với tỉnh Đồng Nai chị rất mừng. Từ trước đến nay, chị nghe nhiều về Bình Phước là thủ phủ điều của cả nước, hạt điều Bình Phước nổi tiếng thơm ngon số 1 Việt Nam và hạt điều Bình Phước đã được xây dựng chỉ dẫn địa lý, tạo nên thương hiệu riêng. Là doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực chế biến điều nên chị đặc biệt quan tâm khi Bình Phước hợp nhất với tỉnh Đồng Nai. Theo chị, đây sẽ là cơ hội để doanh nghiệp 2 tỉnh liên kết với nhau, doanh nghiệp chế biến sâu lĩnh vực hạt điều ở Đồng Nai sẽ được tiếp cận với vùng nguyên liệu rộng lớn của Bình Phước, lại cùng chung một tỉnh sẽ có chung một cơ chế, chính sách hỗ trợ nhau cùng phát triển. nông dân trồng điều của Bình Phước thì sẽ được mở rộng thị trường tiêu thụ, ký kết bao tiêu với giá bán tốt nhất.
Thời cơ không chờ đợi.
Việc Bình Phước hợp nhất với tỉnh Đồng Nai đã và đang mở ra những tín hiệu mới, nhất định tạo ra xung lực mới, động lực mới cho sự phát triển trước mắt và lâu dài. Nói một cách hình ảnh, đây là sự lựa chọn lịch sử, là xu thế tất yếu, phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội hiện đại, mở ra thời cơ mới, vận hội mới và tạo không gian phát triển mới. Đây là thời cơ vàng, hoặc là hôm nay hoặc là khó có thể bao giờ trên con đường phát triển của Đồng Nai mới.
Tầm nhìn xa đã rõ, quyết sách lớn đã định, con đường đi đã mở, điều kiện cần và đủ đã chu toàn, nhân dân hai tỉnh mong đợi, đồng tình, ủng hộ, cổ vũ, bây giờ thành công chỉ tùy thuộc vào hành động đồng bộ, thống nhất, vì hạnh phúc của nhân dân, của toàn bộ hệ thống chính trị và xã hội mà thôi!
Thời gian là lực lượng!