Hồn người trong quán

Hôm rồi thi xong, mấy bạn sinh viên mời tôi café ở một quán gần trường. Một bạn bảo: Ở quán đó không có nhạc mà lại rất nhiều nhạc thầy ạ. Chỉ sau mươi phút đi bộ, chúng tôi đã tới nơi. Quán café Mộc nằm sâu trong một con hẻm yên tĩnh, đầy bóng mát.

Quán vắng khách, bàn ghế bài trí đơn giản. Trên các bức tường treo đầy tranh ảnh, nhiều nhất là ảnh người và phố Sài Gòn xưa. Bức tường giữa treo trang trọng ảnh chân dung của 3 nhạc sĩ: Văn Cao, Phạm Duy và Trịnh Công Sơn. Bạn sinh viên nói đúng: Không nghe thấy nhạc nhưng có rất nhiều âm nhạc.

Tôi sẽ không hỏi chủ quán: Tại sao ông lại treo ảnh ba nhạc sĩ đó mà không phải là các nhạc sĩ khác? Vì câu hỏi đó sẽ biến tôi thành một người nông cạn. Trước các bạn trẻ tôi cũng không dám đánh giá về họ. Tôi chỉ đắm chìm trong suy nghĩ về ba nhạc sĩ vĩ đại của đất nước.

Phạm Duy là người có công truyền bá các nhạc phẩm của Văn Cao đến với công chúng cả nước. Ông nói: “Trường ca sông Lô là một tác phẩm vĩ đại. Về hình thức, bài của Văn Cao chẳng thua gì bất cứ một tuyệt phẩm nào của loại nhạc cổ điển Tây phương”. Phạm Duy từng phát biểu tại Mỹ: “Tôi được vinh dự này, xin cảm ơn một người bạn và cũng là một người thầy của tôi là nhạc sĩ Văn Cao hiện đang sống ở miền Bắc Việt Nam”.

Theo chiều ngược lại, đối với Phạm Duy, Văn Cao đã từng khẳng định: “Muốn nói gì thì nói, Phạm Duy vẫn là một nhạc sĩ lớn. Phạm Duy là người có công trong việc sử dụng các chất liệu dân ca đưa vào những sáng tác của mình một cách sáng tạo, mở ra một con đường cho các nhạc sĩ sau này đi theo. Không thể phủ định Phạm Duy trong lịch sử của nền âm nhạc Việt Nam”.

Tôi hay ví Trịnh Công Sơn với nhạc sĩ người Áo F. Schubert, người cũng sáng tác hơn 600 ca khúc trong sự nghiệp. Nhạc của Trịnh Công Sơn tiếp thu sâu sắc triết học Phật giáo, từ vô thường, sự sống, cái chết tới an nhiên, tự tại. Đây đều là những thứ tư tưởng lớn, mang tầm vóc nhân loại. Không những vậy, nhạc Trịnh còn là chứng nhân lịch sử cho một thời kỳ thăng trầm của dân tộc. Và trên hết, đó là tiếng nói yêu hòa bình, yêu con người.

Nhạc sĩ Văn Cao từng nói: "Tôi gọi Trịnh Công Sơn là người của thơ ca. Bởi ở Sơn, nhạc và thơ quyện vào nhau đến độ khó phân định cái nào là chính, cái nào là phụ... Trong âm nhạc của Sơn, ta không thấy dấu vết của âm nhạc theo cấu trúc bác học phương Tây. Sơn viết hồn nhiên như thể cảm xúc nhạc thơ tự nó trào ra".

Về Trịnh Công Sơn, nhạc sĩ Phạm Duy nghĩ rằng: “Toàn bộ âm nhạc của anh đẹp như một bức họa trừu tượng hơn là tả thực. Cả nhạc lẫn lời, cả xác lẫn hồn thơ, nghe lãng đãng, mơ hồ, khó phân định cho đúng nghĩa”.

Trong những điều ba nhạc sĩ nói về nhau, tôi thích những lời Trịnh Công Sơn nói về Văn Cao hơn cả:

“Trong âm nhạc, Văn Cao sang trọng như một ông hoàng. Trên cánh đồng ca khúc, tôi như một đứa bé ước mơ mặt trời là con diều giấy thả chơi. Âm nhạc của anh Văn là âm nhạc của thần tiên bay bổng. Tôi la đà đi giữa cõi con người. Anh cứ bay và tôi cứ chìm khuất. Bay và chìm trong thân phận riêng tư...

Anh và tôi đi trên cùng một con đường. Nhưng anh là anh và tôi vẫn là tôi. Cái lớn vô cùng và cái nhỏ cũng vô cùng. Thế mà vẫn gặp. Sự gặp gỡ bình sinh không biết hết. Sự gặp gỡ muộn màng giờ đây tôi muốn hát cho anh nghe. Khúc hát trễ tràng, giấu kín những điều thầm lặng. Tôi hát anh và tôi hát tôi. Anh đi qua cuộc đời và hát. Tôi cũng đi qua cuộc đời và hát".

Tôi nghĩ nếu có cuộc bình chọn hay xếp hạng nào về nhạc sĩ Việt Nam mọi thời kỳ, sẽ có rất, rất nhiều phiếu cho ba nhạc sĩ Văn Cao - Phạm Duy - Trịnh Công Sơn. Và tôi là một trong số rất, rất nhiều người bình chọn đó.

Lê Trọng Hà

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/hon-nguoi-trong-quan-82017