Hơn một nửa số cơ sở lưu trú ở Việt Nam đóng cửa vì Covid-19

Covid-19 đã gây nên một 'cơn địa chấn' lớn chưa từng có cho ngành khách sạn. Tại Việt Nam, có đến 56% cơ sở lưu trú hiện phải đóng cửa.

Một khu nghỉ dưỡng ở Phan Thiết đã đóng cửa từ cuối tháng 3 rồi vì không có khách quốc tế do đại dịch. Ảnh: Đào Loan

Thông tin về việc, có tới 56% cơ sở lưu trú đóng cửa được bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đưa ra trong cuộc họp thường trực Ban Chỉ đạo Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 chiều ngày 25-12.

Quan chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề cập đến thông tin này khi nhắc đến tình trạng vẫn còn ít cơ sở lưu trú thực hiện tự đánh giá phòng chống dịch và cập nhật thông tin để tăng cường phòng chống dịch Covid-19.

Trao đổi với TBKTSG Online, nhiều doanh nhân kinh doanh dịch vụ lưu trú cho biết, việc kinh doanh đang ngày càng xấu đi do không có khách quốc tế trong thời gian dài còn khách trong nước thì vẫn chưa đi du lịch nhiều như trước.

"Nhìn chợ Bến Thành, phố Tây ba-lô ở TPHCM vắng vẻ hay bãi biển Phú Quốc lèo tèo khách vào mùa du lịch quốc tế ở thời điểm hiện tại là có thể thấy ngành khách sạn ảm đạm như thế nào", bà Nguyễn Thị Hoa Lệ, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Hòa Bình Việt Nam.

Theo đó, hiện khách sạn 4 sao ở đảo ngọc của công ty này vẫn mở cửa nhưng số lượng khách đến rất ít. Kế hoạch khai trương khách sạn 5 sao cũng phải dừng lại dù các công đoạn chuẩn bị đã ở vào giai đoạn cuối.

Doanh nhân này đánh giá, tình hình kinh doanh khách sạn trong thời gian tới còn khó khăn hơn nhiều do sức mua quá thấp. Ở một số điểm du lịch như Phú Quốc, các khách sạn chỉ có dịch vụ lưu trú và một vài dịch vụ thông thường cho du khách đang thất thế.

Lợi thế đang thuộc về những cụm nghỉ dưỡng có các dịch vụ vui chơi, giải trí, tham quan. Nhiều nơi chỉ tính giá phòng tượng trưng để hợp tác với các đối tác bán những gói nghỉ dưỡng giá thấp để cạnh tranh.

"Có những gói nghỉ dưỡng ở cụm khu nghỉ cao cấp nhưng giá chỉ cỡ 3 triệu đồng, gồm cả vé máy bay. Khu nghỉ chấp nhận tính giá của dịch vụ lưu trú chỉ 0 đồng để lấy lại từ những dịch vụ khác nhằm chống chọi với tình trạng suy giảm kháck. Các khách sạn đang rất khó và khách sạn chỉ thuần dịch vụ lưu trú lại càng khó hơn", bà nói.

Liên quan đến việc tự đánh giá phòng chống dịch và cập nhật thông tin với các cơ sở lưu trú, trong cuộc họp thường trực Ban Chỉ đạo Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 chiều ngày 25-12, bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết trong 13.000 cơ sở lưu trú đang hoạt động chỉ mới có 3.600 cơ sở thực hiện.

Đào Loan

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/td/312107/hon-mot-nua-so-co-so-luu-tru-o-viet-nam-dong-cua-vi-covid-19.html