Hơn 160ha lúa xuân ở Thái Bình phát triển kém, tỷ lệ lép hạt cao
Trao đổi với Báo Nhân Dân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình Đinh Vĩnh Thụy xác nhận thông tin và đã có báo cáo cụ thể gửi Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình về việc nhiều diện tích lúa xuân bị lép hạt.
Qua kiểm tra, đánh giá của các cơ quan chuyên môn cũng như chính quyền huyện Thái Thụy, có khoảng 162ha lúa của xã An Tân và xã Hồng Dũng (xã An Tân khoảng 135ha, xã Hồng Dũng khoảng 27ha) sinh trưởng kém, một số ruộng lúa không trổ bông hoặc có trổ nhưng bông nhỏ, tỷ lệ lép cao.
Những diện tích lúa không trổ bông hay trổ bông ít đều nằm trên vùng đất có nguồn gốc là đất chua mặn, nhưng đã được cải tạo tầng đất canh tác trong những năm qua. Vụ lúa xuân này, do thời tiết từ cuối tháng 2 đến trung tuần tháng 3 có nhiều đợt không khí lạnh (độ ẩm thấp, thời tiết hanh khô, gần như không có mưa đến đầu tháng 5/2023), nên gây ra hiện tượng thẩm thấu dẫn đến tái mặn làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển của cây lúa.
Khu vực gieo cấy nêu trên của xã An Tân và Hồng Dũng trong các vụ sản xuất trước đều ghi nhận hiện tượng lúa kém phát triển, tuy nhiên diễn ra ở diện hẹp hơn vụ xuân năm nay.
Còn theo Ủy ban nhân dân huyện Thái Thụy, trong các vụ sản xuất đều khuyến cáo, hướng dẫn người dân trồng những giống lúa chịu mặn, nhưng vẫn có hộ sử dụng giống lúa không phù hợp nên cây sinh trưởng, phát triển kém, thậm chí không cho thu hoạch là điều không tránh khỏi.
Ông Lê Nguyên Hoài, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thái Thụy cho biết, từ cuối tháng 4 vừa qua, sau khi nắm được phản ánh của người dân về một số diện tích lúa ở xã An Tân có biểu hiện héo úa, chết chòm, các cơ quan chuyên môn của địa phương đã trực tiếp về kiểm tra và kết luận là do điều kiện thời tiết cực đoan kết hợp với thổ nhưỡng của khu vực là đất kìm hãm, chua mặn tiềm tàng nên gây ra hiện tượng thẩm thấu, bốc chua mặn cao đã gây ngộ độc rễ cây lúa, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh trưởng.
Ngay tại thời điểm sau khi kiểm tra đồng ruộng, Phòng Nông nghiệp huyện đã đưa ra giải pháp kỹ thuật tình thế là hướng dẫn hộ dân bón bổ sung từ 2-3kg kali và từ 7-10kg lân Lâm Thao cho 1 sào lúa, hoặc bón từ 4-5kg NPK kết hợp điều tiết nước hợp lý để cây lúa phát triển.
Còn đối với xã Hồng Dũng, cuối tháng 5 vừa qua chính quyền huyện mới nhận được văn bản phản ánh của địa phương về việc một số diện tích lúa xuân kém phát triển và khả năng không cho thu hoạch.
Qua thực tế kiểm tra đồng ruộng, huyện Thái Thụy cũng xác định nguyên nhân lúa tại đây không trổ bông và trổ bông thấp là do yếu tố thời tiết cực đoan kết hợp đất tái mặn.
Về một số thông tin cho rằng lúa kém phát triển do việc lấy nước nhiễm mặn từ thời điểm lấy nước đổ ải đầu vụ, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình bác bỏ nguyên nhân này.
Làm việc với Báo Nhân Dân, ông Đỗ Thanh Tùng, Chủ tịch Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Thái Bình cho biết, trong thời gian lấy nước đổ ải, đơn vị đã được cơ quan chuyên môn là Xí nghiệp khai thác Công trình thủy lợi huyện Thái Thụy kiểm tra, thử mặn bảo đảm phục vụ cho sản xuất nông nghiệp trước khi lấy nước.
Hiện nay, toàn bộ diện tích lúa của xã Thụy Ninh, Thụy Hưng, Thụy Việt, Thụy Quỳnh… cũng đều lấy nước đổ ải từ kênh N2 do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Thái Bình đảm nhiệm (giống như các xã An Tân và Hồng Dũng), nhưng đến nay lúa sinh trưởng, phát triển bình thường. Do đó, khẳng định không có việc lấy nước nhiễm mặn từ thời điểm lấy nước đổ ải phục vụ gieo cấy lúa xuân năm 2023.