Hơn 12 năm đi đòi lại đất rừng bị cấp chồng lấn

Cách đây hơn 12 năm, ông Nông Văn Bắc, ở thôn Phia 2, xã Lương Sơn (Bảo Yên) 'tá hỏa' khi khu đất đồi của nhà mình 'bỗng dưng' bị nhà hàng xóm phát dọn để trồng cây. Sau đó ông phát hiện khu đất này đã được cấp vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của nhà hàng xóm. Cũng từ đó, ông Bắc làm đơn kiến nghị, khởi kiện nhưng đến nay, vụ việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Vợ chồng ông Bắc đưa phóng viên đi khảo sát khu đồi của gia đình ông đang quản lý, sử dụng nhưng lại được chính quyền cấp Giấy chứng nhận cho hộ ông Châm.

Theo đơn khởi kiện gửi Tòa án nhân dân huyện Bảo Yên của ông Nông Văn Bắc, vào khoảng tháng 6/1983, anh trai ông là Nông Trung Kiên làm đơn xin được cấp đất vườn rừng và đã được UBND huyện Bảo Yên cấp sổ quản lý vườn rừng tại Quyết định số 1470 ngày 10/11/1983 với diện tích 0,6 ha (diện tích đất được cấp nêu trên trước đó đã được gia đình ông Kiên khai hoang để phát triển kinh tế). Sau đó, ông Nông Trung Kiên có nhượng lại cho gia đình ông Bắc diện tích đất rừng trên để canh tác, trồng rừng sản xuất.

Đến năm 2006, ông Nông Văn Bắc phát hiện một phần diện tích đất rừng của gia đình mình đang quản lý, canh tác bị gia đình ông Ngô Đình Châm (hàng xóm với nhà ông Bắc) phát dọn và khai thác một số cây gỗ. Ông Bắc đã yêu cầu gia đình ông Châm không được lấn chiếm đất, khai thác gỗ của gia đình mình. Tuy nhiên, lúc này, ông Châm thông báo là diện tích này đã được UBND huyện Bảo Yên cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình ông.

Không thể đứng nhìn đất rừng của gia đình mình rơi vào tay người khác, ông Nông Văn Bắc đã làm đơn kiến nghị lên UBND xã Lương Sơn. Ngày 5/1/2007, UBND xã Lương Sơn tiến hành hòa giải việc tranh chấp đất giữa hai gia đình và gia đình ông Bắc tiếp tục quản lý, canh tác trên khu đất rừng nêu trên.

Vụ việc tưởng chừng như đã lắng xuống thì đến năm 2015, gia đình ông Ngô Đình Châm tiếp tục cho người đến khai thác gỗ tại khu rừng mà gia đình ông Bắc đang quản lý, chăm sóc. “Những cây gỗ hàng chục năm tuổi do tay mình trồng, đến lúc cho khai thác lại bị người khác chiếm lấy, thử hỏi có đau lòng không?”, ông Bắc than thở với phóng viên.

Để giành lại phần đất của gia đình mình đang quản lý do anh trai nhượng lại, đầu năm 2015, ông Bắc tiếp tục làm đơn kiến nghị đến các cơ quan chức năng của xã và huyện, nhưng vụ việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Trao đổi với phóng viên, ông Bắc cho rằng: Trong khi tiến hành đo đạc, xác định ranh giới để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ ông Ngô Đình Châm trên khu đất bị chồng lấn, cơ quan chức năng của xã và huyện Bảo Yên chưa làm đúng quy trình, đặc biệt là không mời ông và các hộ liền kề tham gia xác nhận ranh giới và nguồn gốc đất của hộ được cấp. Nếu khi đó, chính quyền xã và ngành chức năng của huyện mời các hộ có đất giáp với đất của nhà ông Châm tham gia thì bây giờ đâu xảy ra chuyện “hồn Trương Ba, da hàng thịt” được.

Dẫn phóng viên đi thăm khu vườn rừng đang tranh chấp, ông Bắc chỉ cho chúng tôi từng gốc cây, bụi tre mai vợ chồng ông đã trồng. Ông bức xúc: Bị mất đất, mất rừng do tay mình khai phá, trồng ra đã cay đắng lắm rồi, nhưng một điều khác mà vợ chồng tôi rất bức xúc là cách giải quyết của chính quyền xã, huyện. Họ tiếp nhận đơn của tôi nhưng không giải quyết mà cứ “ngâm” hết tháng này đến tháng khác. Chờ lâu quá, tôi lên hỏi lãnh đạo xã thì được trả lời đang xem xét, rồi một thời gian sau họ yêu cầu tôi viết lại đơn. Tôi không hiểu họ thực hiện quy trình giải quyết thế nào. “Đùng một cái, chính quyền xã có văn bản đề nghị hai gia đình hòa giải, nhưng hòa giải thế nào được, đất của gia đình tôi bỗng dưng bị người khác lấy mất, sao tôi lại phải hòa giải!” - ông Bắc nói.

Mở chiếc hòm gỗ của gia đình, ông Bắc mang cả tập giấy tờ là đơn kiến nghị, đơn khởi kiện, công văn và thông báo của chính quyền các cấp được ông lưu giữ cẩn thận. Trong khi đó, phần đất mà gia đình ông đã nhiều năm quản lý, trồng rừng, được UBND huyện giao quản lý từ năm 1983, vẫn đang bị người khác khai thác, sử dụng.

Trước việc UBND xã Lương Sơn và UBND huyện Bảo Yên không giải quyết dứt điểm vụ việc, ngày 15/8/2017, ông Nông Văn Bắc đã nộp đơn khởi kiện lên Tòa án nhân dân tỉnh, nhưng đến ngày 18/8/2017, Tòa án nhân dân tỉnh ra thông báo trả lại đơn khởi kiện của ông Nông Văn Bắc do xét thấy ông Nông Văn Bắc không có quyền khởi kiện đối với quyết định của UBND huyện Bảo Yên về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Ngô Đình Châm.

Ông Bắc mang tập giấy tờ mà 12 năm qua gia đình ông đã mang đi gõ cửa các cơ quan chức năng để đòi lại đất rừng.

Mòn mỏi hơn 12 năm, nhiều lần ông Nông Văn Bắc mang đơn lên UBND xã Lương Sơn, rồi ra UBND huyện Bảo Yên, Tòa án nhân dân tỉnh với mong mỏi được cấp chính quyền và cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm vụ việc, thế nhưng kết quả vẫn không như mong đợi.

Với quyết tâm đòi lại phần đất của gia đình đang quản lý, sử dụng bị cấp cho người khác, đầu năm 2019, gia đình ông Bắc làm đơn gửi Thanh tra Chính phủ đề nghị làm rõ vụ việc. Ngày 18/6/2019, Thanh tra Chính phủ có văn bản trả lại đơn và hướng dẫn ông gửi đơn khiếu nại đến UBND huyện Bảo Yên để được giải quyết theo thẩm quyền.

Ngày 12/9, trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Thiên Đồn, Chủ tịch UBND xã Lương Sơn cho biết: Vụ việc xảy ra từ rất lâu, tôi mới về nhận nhiệm vụ và đã chỉ đạo giải quyết, tuy nhiên có nhiều vấn đề cần sự phối hợp của chính quyền và các cơ quan chức năng. Hiện chúng tôi đang hướng dẫn gia đình ông Bắc thực hiện các thủ tục để đưa vụ việc ra Tòa án dân sự.

Tới đây, việc xử lý vụ tranh chấp đất giữa hộ ông Nông Văn Bắc và hộ ông Ngô Đình Châm sẽ được các cấp có thẩm quyền huyện Bảo Yên và cơ quan chức năng thực hiện theo quy định của pháp luật mà Thanh tra Chính phủ đã yêu cầu. Khoan hãy bàn đến kết quả ra sao, nhưng dư luận có quyền đặt câu hỏi, tại sao một vụ việc như vậy mà chính quyền xã Lương Sơn và huyện Bảo Yên lại để người dân phải mất 12 năm trời với bao công sức, tiền bạc để thực hiện việc khiếu nại đòi quyền lợi của mình?

Nhóm PV

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/phap-luat/hon-12-nam-di-doi-lai-dat-rung-bi-cap-chong-lan-z7n20190927081348791.htm