Hồi sinh 'đất chết'
Không để cho đồng ruộng bỏ hoang, nhiều nông dân trên địa bàn TP Thanh Hóa đã đứng ra thu gom, nhận thầu, đầu tư sản xuất theo hướng tập trung, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Phường Long Anh (TP Thanh Hóa) là một trong những địa phương có diện tích đồng ruộng bỏ hoang lớn, với trên 100ha. Lý do người nông dân bỏ ruộng là vì nguồn thu nhập từ nông nghiệp thấp, con em địa phương lựa chọn đi làm công ty, bà con chuyển đổi sang làm dịch vụ, buôn bán...
Ông Nguyễn Hữu Sinh, Giám đốc HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp phường Long Anh, cho biết: Để canh tác một sào lúa đến khi thu hoạch mất khoảng 3 tháng, người nông dân phải chi nhiều khoản phí, từ làm đất, tiền công cấy, công thu hoạch, tiền giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón và các loại phụ phí đóng góp cho nông nghiệp khác. Trường hợp lúa được mùa thì ít nhiều bà con lời lãi, nếu chẳng may mất mùa, giá lúa thấp thì người nông dân gần như thua lỗ.
Trong khi đó, làm công nhân tại các nhà máy ở Khu công nghiệp Hoàng Long thì một tháng lương đã tương đương với thu nhập của cả vụ lúa. Đem ra so sánh thì người nông dân trên địa bàn bỏ ruộng cũng là chuyện dễ hiểu.
Song, nói như vậy không đồng nghĩa với việc làm nông là thua lỗ. Theo ông Sinh, nếu bà con biết tích tụ ruộng đất, sản xuất theo hướng tập trung, tăng năng suất cây trồng thì nông nghiệp vẫn là lĩnh vực đem lại giá trị cao. Điển hình như trường hợp anh Lê Văn Tuân, ở phố Quan Nội 1, ngoài việc nhận thầu từ địa phương 18ha, anh còn nhận thêm 2ha ruộng bỏ hoang của các gia đình trong khu phố để cải tạo, sản xuất; trung bình mỗi năm anh Tuân có nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Xuất thân là một nông dân, sau nhiều năm đi làm ăn xa, anh Tuân trở về địa phương nhìn thấy “bờ xôi ruộng mật” bị bỏ hoang, anh đã đặt vấn đề với địa phương nhận thầu lại diện tích 18ha. Để cải tạo sản xuất tập trung theo hướng cánh đồng mẫu lớn, anh Tuân đã liên kết với một tổ sản xuất từ trong tỉnh Thừa Thiên Huế. Tùy vào thời điểm, tổ sản xuất này sẽ đưa các phương tiện, máy móc ra hỗ trợ, từ khâu cày bừa, gieo sạ, phun thuốc bằng máy bay, máy gặt.
Không chỉ trường hợp anh Tuân, ông Sinh còn cho biết: Trên địa bàn phường có hơn 30 trường hợp đang nhận thuê, thầu những thửa ruộng mà bà con bỏ hoang lâu nay, với tổng diện tích hơn 140ha để đầu tư sản xuất. Trong đó, mô hình sản xuất lúa tập trung đã khẳng định những ưu thế so với phương thức canh tác truyền thống. Cụ thể, chi phí đầu tư 1 sào cấy lúa khi thực hiện sản xuất tập trung sẽ giảm được 15%, hiệu quả kinh tế cao hơn khoảng 25% so với thực hiện sản xuất nhỏ lẻ, manh mún.
Cũng theo ông Sinh, mới đây UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo UBND TP Thanh Hóa về việc tổ chức sản xuất lại đối với diện tích đất sản xuất nông nghiệp nằm trong quy hoạch Khu công nghiệp Hoàng Long mở rộng, trên địa bàn phường Long Anh. Sau khi có thông báo, địa phương đã thực hiện cải tạo, tái sản xuất được 40ha. Đối với số diện tích chưa cải tạo, tái sản xuất, dù HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp phường Long Anh muốn nhận lại, nhưng gặp nhiều khó khăn. Đây là phần diện tích lâu nay không sản xuất, đất đã hoang hóa, để cải tạo đòi hỏi chi phí lớn, chưa kể hệ thống kênh mương thủy lợi cũng như giao thông nội đồng nơi đây đã xuống cấp nghiêm trọng, việc tưới tiêu gặp nhiều khó khăn.
Ông Lương Bá Nam, công chức Địa chính - Xây dựng UBND phường Long Anh, cho biết thêm: Việc diện tích trồng lúa trên địa bàn tăng trong năm 2024 một phần do giá lúa trên thị trường đang lên cao, người dân có xu hướng chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng lúa. Ngoài ra, phần diện tích đất nông nghiệp trước đây bị thu hồi để thực hiện dự án công nghiệp nay được giao cho địa phương tái sản xuất. Để nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, nhất là đối với diện tích bỏ hoang lâu nay, thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ khuyến khích các chủ thể là cá nhân, tập thể nhận thuê, thầu, sản xuất, canh tác theo hướng tập trung, đồng thời sớm có kế hoạch đầu tư lại hệ thống kênh mương thủy lợi, giao thông nội đồng đáp ứng nhu cầu sản xuất.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/hoi-sinh-dat-chet-223367.htm