Hội nghị trực tuyến 'Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập'
Sáng 20/8, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, hội nghị 'Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại bền vững và hội nhập' được tổ chức theo hình thức trực tuyến từ điểm cầu Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đến 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Sáng 20/8, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, hội nghị “Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại bền vững và hội nhập” được tổ chức theo hình thức trực tuyến từ điểm cầu Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đến 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Cùng dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nội có các đồng chí: Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung và lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, các tổ chức, chuyên gia quốc tế; các doanh nghiệp…
Tại điểm cầu Hà Nam, đồng chí Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì hội nghị. Cùng dự có các đồng chí Trần Xuân Dưỡng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành.
Theo đánh giá của Bộ LĐ-TB&XH, thị trường lao động Việt Nam thời gian qua có sự phát triển vượt bậc cả về quy mô và chất lượng, từng bước hiện đại, đầy đủ và hội nhập quốc tế. Cùng với thị trường hàng hóa-dịch vụ, tài chính, tiền tệ, khoa học-công nghệ và thị trường bất động sản, thị trường lao động được xác định là một thị trường trọng yếu của nền kinh tế và chắc chắn cần được đổi mới và đẩy mạnh phát triển trong giai đoạn hiện nay.
Các chính sách để phát triển, ổn định thị trường lao động ngày càng hoàn thiện; quy mô và chất lượng cung lao động tăng lên, nguồn cung được đảm bảo với trên 51,6 triệu người; Cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực, giảm tỷ trọng lao động trong khu vực nông nghiệp, tăng tỉ trọng lao động trong khu vực công nghiệp và dịch vụ. Vấn đề giải quyết việc làm được đẩy mạnh, góp phần duy trì tỉ lệ thất nghiệp chung của cả nước luôn dao động trong khoảng 2,2-2,3%; Tiền lương của người lao động được cải thiện, năng suất lao động và tính cạnh tranh của lực lượng lao động được nâng lên.
Hệ thống an sinh xã hội được xây dựng tương đối hoàn thiện và vận hành hiệu quả với vai trò giá đỡ cho thị trường lao động. Tính đến tháng 7 năm 2022, số người tham gia bảo hiểm xã hội đạt khoảng 17,15 triệu người, chiếm 34,65% lực lượng lao động trong độ tuổi; số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp khoảng 13,94 triệu người, chiếm 28,17% lực lượng lao động trong độ tuổi. Các năm 2020-2021, tỉ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 3,22% (tăng 0,54%), thị trường lao động đã tiếp tục phục hồi nhanh chóng trong 8 tháng đầu năm 2022.
Nêu bật những cơ hội, thách thức và một số giải pháp trọng tâm hỗ trợ phát triển thị trường lao động trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung khẳng định: Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội mà nếu tận dụng được, thị trường lao động Việt Nam chắc chắn sẽ có thể phát triển nhanh, bền vững như kỳ vọng.
Về lâu dài, Việt Nam cần hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để phát triển đồng bộ các yếu tố của thị trường lao động, nâng cao hiệu quả hoạt động của các định chế trung gian của thị trường, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động. Thúc đẩy tạo việc làm bền vững, sử dụng lao động hiệu quả thông qua các chương trình, đề án, chính sách tín dụng hỗ trợ tạo việc làm, tham gia thị trường lao động, đặc biệt quan tâm đến các nhóm lao động đặc thù, lao động yếu thế.
Đẩy mạnh đào tạo nghề nghiệp cho người lao động cả trước, trong, sau quá trình tham gia thị trường lao động; Tổ chức thực hiện các giải pháp phù hợp để phân luồng học sinh, sinh viên, hướng tới phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao và cơ cấu phù hợp với nhu cầu của nền kinh tế; Hỗ trợ phát triển lưới an sinh và bảo hiểm thông qua cung cấp thông tin và dịch vụ tư vấn pháp lý miễn phí cho người lao động khi tham gia thị trường lao động.
Các chuyên gia cũng chỉ rõ, thị trường lao động nước ta còn chưa phát triển kịp với tốc độ và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, tính thích ứng, chủ động, linh hoạt kém, nhất là trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã bộc lộ những bất cập như: Áp lực giải quyết việc làm cho gần 2 triệu lao động rời khỏi thị trường lao động; tình trạng khan hiếm lao động cục bộ ở một số ngành, lĩnh vực, địa bàn còn tồn tại; giải pháp để nâng tầm, khai thác và thu hút lao động tại chỗ hiệu quả chưa có; nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu hụt lao động cho giai đoạn phục hồi và phát triển còn tiềm ẩn; sự thiếu hụt các kỹ năng của người lao động để duy trì việc làm hoặc chuyển đổi 2 nghề, thích ứng với tình hình sau đại dịch; thiếu cơ sở dữ liệu điện tử trong quản lý lao động, nhu cầu kỹ năng tương lai.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao và tiếp thu các ý kiến tham luận, đóng góp ý kiến của các đại biểu, đặc biệt là các chuyên gia, tổ chức quốc tế. Thủ tướng nhấn mạnh: Cùng với xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm phát triển thị trường lao động, xác định lao động - việc làm là một trong những nội dung rất quan trọng trong chiến lược phát triển KTXH. Mặc dù thị trường lao động ở Việt Nam đã có những bước phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu, ngày càng hội nhập, từng bước tiệm cận với thị trường lao động khu vực và thế giới nhưng vẫn còn manh mún, chưa chuyên nghiệp, thiếu tính linh hoạt, chưa thật bền vững; công tác nghiên cứu, dự báo, khớp nối cung cầu và cập nhật hệ thống thông tin thị trường lao động chưa thực sự hiệu quả và chuyên nghiệp…
Thủ tướng yêu cầu: Cần nâng cao nhận thức về thị trường lao động theo quy luật, nguyên tắc vận hành cơ chế thị trường đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; Đổi mới và hoàn thiện cơ chế, chính sách về thị trường lao động để tăng cường quản lý nhà nước và bảo đảm các điều kiện cần thiết cho thị trường lao động phát triển hài hòa, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thực tế; Đổi mới toàn diện hệ thống đào tạo nghề; Đẩy mạnh nguồn lực đầu tư phát triển nguồn nhân lực cho xã hội… Thủ tướng mong muốn các chuyên gia, tổ chức quốc tế luôn đồng hành với Việt Nam trong việc hoạch định chính sách, chia sẻ kinh nghiệm để phát triển lĩnh vực này.