Hội nghị thượng đỉnh CIS: Tín hiệu 'hồi sinh' tích cực
Hội nghị thượng đỉnh thường niên các nhà lãnh đạo các nước thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS) diễn ra tại thủ đô Moscow, Liên bang Nga vào ngày 8/10.
Với sự chủ trì của Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng sự hiện diện của các Tổng thống Azerbaijan, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan, Uzbekistan và Thủ tướng Armenia, Hội nghị khẳng định sự quan tâm ngày càng tăng của các thành viên trong việc thúc đẩy hơn nữa quan hệ chính trị, kinh tế của khối này.
Những thách thức đặt ra đối với CIS hiện nay là duy trì sự thống nhất hành động trước sự gia tăng ảnh hưởng của môi trường bên ngoài cũng như sự đoàn kết giữa các thành viên nhằm đương đầu với các thách thức mới phát sinh và tăng cường hợp tác giữa các thành viên nội khối. Trong năm chủ tịch lần này, Nga đã đạt một số kết quả đáng chú ý.
Đối tác chiến lược gần gũi nhất
Tại Hội nghị, Tổng thống Nga Vladimir Putin nêu một số điểm nhấn trong chính sách của Nga đối với các thành viên, khẳng định sự hợp tác trong khuôn khổ CIS là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Nga. Ông Putin nhấn mạnh, đối với nước Nga, các nước thuộc Cộng đồng CIS là láng giềng, bạn bè và đối tác chiến lược gần gũi nhất mà Nga cam kết tăng cường hợp tác bằng mọi cách có thể.
Nhà lãnh đạo khẳng định đặc biệt quan tâm đến các vấn đề kinh tế của Cộng đồng và tin tưởng các nước có đầy đủ cơ hội để khởi động các dự án mới, lớn, cùng có lợi trong các lĩnh vực từ công nghiệp, nông nghiệp đến tài chính và cơ sở hạ tầng. Ông chủ Điện Kremlin nhấn mạnh những nỗ lực chung, cơ sở hạ tầng tài chính ổn định và độc lập cũng như ảnh hưởng ra bên ngoài của CIS được tạo ra và các quá trình thay thế nhập khẩu trong không gian hậu Xô viết, qua đó củng cố chủ quyền công nghệ, đang diễn ra với tốc độ nhanh trong khối.
Thống nhất với nhà lãnh đạo Nga về các biện pháp chống lại cấm vận từ phương Tây đối với một số nước trong cộng đồng, Tổng thống Belarus Aleksandr Lukashenko kêu gọi các nước CIS cùng nhau phát triển các biện pháp đáp trả tương xứng.
Ông Lukashenko cho rằng, chính sách của phương Tây không chỉ nhằm phá hoại từng quốc gia mà còn nhằm chia rẽ CIS về chính trị và kinh tế. Lãnh đạo các nước chia sẻ quan điểm của Tổng thống Belarus và thống nhất tiếp tục thảo luận chủ đề này để đi đến hành động chung. Trước đó một ngày, tại cuộc họp Hội đồng Bộ trưởng Ngoại giao CIS, Tuyên bố “Về các nguyên tắc hợp tác nhằm bảo đảm an ninh ở Á-Âu” và “Về việc không chấp nhận việc sử dụng đơn phương biện pháp trừng phạt trong quan hệ quốc tế” đã được thông qua.
Cùng với chủ đề chính trị, kinh tế, những lĩnh vực hợp tác then chốt trong CIS bao gồm chống khủng bố và chủ nghĩa cực đoan, tội phạm có tổ chức, buôn bán ma túy và tham nhũng đã được thảo luận và đạt thống nhất cao.
Hội nghị đã thông qua “Chương trình hợp tác trong lĩnh vực phi cực đoan hóa giai đoạn 2025-2027” do Uzbekistan khởi xướng. Chương trình được thúc đẩy sau cuộc khủng bố đẫm máu hồi tháng Ba năm nay tại Nhà hát Crocus ở Moscow cũng như tình trạng lao động luân chuyển bất hợp pháp gia tăng giữa các nước thành viên.
Kỷ niệm Chiến tranh vệ quốc vĩ đại
Một trong những kết quả quan trọng của Hội nghị là việc thông qua Chương trình nghị sự để kỷ niệm 80 năm Chiến thắng chủ nghĩa phát xít vào năm 2025. Tổng thống Lukashenko nhấn mạnh sự cần thiết lưu giữ ký ức về cuộc chiến tranh và chiến công của các dân tộc Liên Xô, những người đã đóng góp to lớn cho chiến thắng. Ông đề nghị xây dựng chương trình hành động chung chống lại sự tôn vinh chủ nghĩa Quốc xã cũng như bảo tồn và có thêm các đài tưởng niệm mới để vinh danh các anh hùng Chiến tranh vệ quốc.
Tổng thống Putin ủng hộ ý tưởng của người đồng cấp Belarus, khẳng định CIS sẽ cùng nhau kỷ niệm 80 năm chiến thắng trong cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại vào năm sau và coi đây là năm hòa bình và đoàn kết trong CIS. Ông cũng đưa ra sáng kiến phong tặng danh hiệu Danh dự của CIS mang tên “Thành phố Lao động vinh quang: 1941-1945” cho các thành phố trong CIS mà công dân thành phố đó có đóng góp đặc biệt cho Chiến thắng vĩ đại. Danh hiệu này cùng với danh hiệu “Thành phố anh hùng” đã được trao cho 13 thành phố thuộc Nga, Ukraine và Belarus trước đây.
Ngày nay, bối cảnh lịch sử đã khác nhưng để xây dựng một cộng đồng chung thì không thể thiếu sự hiểu biết giữa nhân dân các nước bởi vậy Hội nghị thượng đỉnh thống nhất tăng cường hoạt động giao lưu nhân dân và ủng hộ ý tưởng thành lập hiệp hội các tổ chức tình nguyện và phi lợi nhuận ở CIS và tổ chức diễn đàn tình nguyện viên của các nước CIS hàng năm.
Trung gian hòa đàm Armenia-Azerbaijan
Một thắng lợi quan trọng của Tổng thống nước chủ nhà tại Hội nghị lần này là tạo ra diễn đàn để lãnh đạo Armenia và Azerbaijan ngồi lại với nhau. Thủ tướng Armenia Pashinyan tuyên bố rằng “Armenia sẵn sàng ký hiệp ước hòa bình với Azerbaijan” trong khi Tổng thống Azerbaijan I. Aliyev đồng ý về nguyên tắc mặc dù không nói khi nào hiệp định được ký kết.
Còn với Nga, nước đề xuất các sáng kiến cho các cuộc đàm phán từ đầu những năm 2020, đã đạt được bước đột phá chiến lược trong trung gian hòa giải giữa Baku và Yerevan, vốn nổ ra xung đột từ cuối những năm 1980. Sự xích lại giữa Baku và Yerevan tại Hội nghị lần này dưới sự trung gian của Tổng thống Putin khiến các kế hoạch trung gian hòa giải của EU và NATO trong quan hệ Armenia - Azerbaijan dường như trở nên ít tính khả thi hơn.
Trong bối cảnh các cuộc xung đột trên thế giới chưa có dấu hiệu lắng dịu, sự cạnh tranh ảnh hưởng giữa các cường quốc tại không gian hậu Xô viết vẫn tiếp diễn và ngày càng gay gắt hơn, những kết quả đạt được từ Hội nghị thượng đỉnh CIS Moscow cho thấy sự hồi sinh một cộng đồng vốn gắn bó rất mật thiết trước đây.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/hoi-nghi-thuong-dinh-cis-tin-hieu-hoi-sinh-tich-cuc-289524.html