Hội Luật Quốc tế VN gửi thư, lên án hành động tàu HD-8 ở Biển Đông

Chủ tịch Hội Luật Quốc tế Việt Nam gửi thư cho chủ tịch Hội Luật Quốc tế Trung Quốc để lên án việc tàu Hải Dương 8 xâm phạm EEZ Việt Nam và bác bỏ các luận điểm của Trung Quốc.

Chủ tịch Hội Luật Quốc tế Việt Nam Nguyễn Bá Sơn ngày 24/8 có thư ngỏ nói rằng toàn thể hội viên Hội Luật Quốc tế Việt Nam (VSIL) hết sức lo ngại về những diễn biến căng thẳng gần đây do Trung Quốc gây nên ở Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) và thềm lục địa Việt Nam ở phía nam Biển Đông.

"Những hoạt động của tàu Hải Dương 8 vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) và đi ngược lại thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, ảnh hưởng tiêu cực đến tình hữu nghị truyền thống giữa nhân dân Việt Nam và Trung Quốc", thư ngỏ viết.

Lá thư ngỏ đề gửi đến giáo sư Hoàng Tiến, Chủ tịch Hội Luật Quốc tế Trung Quốc (CSIL) và được đăng trên trang web của VSIL.

Tàu Hải dương Địa chất 8 của Trung Quốc (ảnh) cùng các tàu hộ tống đã có hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam.

Chủ tịch VSIL nói lá thư trao đổi góc độ pháp lý quốc tế của hoạt động hiện tại của tàu Hải Dương 8.

Theo đó, thứ nhất, khu vực mà tàu Hải Dương 8 đang hoạt động nằm hoàn toàn trong phạm vi EEZ và thềm lục địa Việt Nam, được xác định trên cơ sở Điều 57 và Điều 76 của UNCLOS.

"Đây hoàn toàn không phải khu vực chồng lấn hoặc có tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc", lá thư viết.

1. Nội thủy (từ đường cơ sở hướng vào đất liền): chủ quyền; 2. Lãnh hải (từ đường cơ sở tính ra biển 12 hải lý): chủ quyền; 3. Vùng tiếp giáp lãnh hải (từ đường cơ sở tính ra biển 24 hải lý): quyền tài phán; 4. Vùng đặc quyền kinh tế (từ đường cơ sở tính ra biển 200 hải lý): quyền chủ quyền + quyền tài phán; 5. Thềm lục địa (phần đáy biển kéo ra ra đáy đại dương, từ đường cơ sở từ 200 đến 350 hải lý): quyền chủ quyền và quyền tài phán.

Theo quy định của UNCLOS, quyền của quốc gia ven biển đối với EEZ và thềm lục địa có tính đặc quyền, nghĩa là nếu quốc gia ven biển không thăm dò hay khai thác tài nguyên ở các vùng này thì không ai có quyền tiến hành các hoạt động này nếu không được phép của các quốc gia ven biển.

Mọi hoạt động thăm dò, khai thác, khảo sát, nghiên cứu đối với tài nguyên ở đó đều phải được sự chấp thuận rõ ràng của quốc gia ven biển.

Thứ hai, một số chuyên gia luật quốc tế Trung Quốc thường viện dẫn "Đường chín đoạn" để biện minh cho yêu sách về "các quyền lịch sử" hay "một danh nghĩa lịch sử" của Trung Quốc tại các vùng biển nằm bên trong "Đường chín đoạn" này.

Mặt khác, Trung Quốc cũng dựa vào UNCLOS để đòi hỏi EEZ 200 hải lý và thềm lục địa mở rộng tính từ các quần đảo ở Biển Đông mà Trung Quốc là một trong các bên yêu sách chủ quyền.

Với những viện dẫn nêu trên, Trung Quốc cho rằng khu vực biển mà tàu Hải Dương 8 và các tàu khác của Trung Quốc đang hoạt động là vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc.

"Điều này hoàn toàn phi lý. Không có bất cứ cơ sở pháp lý nào theo luật pháp quốc tế và UNCLOS cho 'Đường chín đoạn', Việt Nam và các nước trong khu vực và trên thế giới cũng chưa từng công nhận bất kỳ một hàm ý về phạm vi quyền đối với vùng biển được gán cho 'Đường chín đoạn' này", lá thư viết.

"Bên cạnh đó, cũng không thể coi vùng biển mà HD 8 đang hoạt động là vùng biển của quần đảo Trường Sa vì quần đảo Trường Sa không phải là một quốc gia quần đảo, do đó không đáp ứng tiêu chuẩn mà UNCLOS quy định để có thể vẽ đường cơ sở quần đảo bao quanh toàn bộ Trường Sa và từ đó yêu sách các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của quần đảo".

Chủ tịch Hội Luật Quốc tế Việt Nam cũng yêu cầu Trung Quốc tôn trọng phán quyết của Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII của UNCLOS, ngày 12/07/2016, vốn đã bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc.

Thứ ba, một số chuyên gia luật quốc tế của Trung Quốc sử dụng đoạn mở đầu của UNCLOS "khẳng định rằng, các vấn đề không quy định trong Công ước (UNCLÓ) sẽ tiếp tục được xử lý bằng các quy tắc và nguyên tắc của pháp luật quốc tế chung" để biện minh.

Lá thư của VSIL nói rằng "các vấn đề về phạm vi và quy chế của các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia, đặc biệt là EEZ, thềm lục địa cũng như vấn đề quốc gia quần đảo, đều là vấn đề được UNCLOS quy định rõ ràng".

Bộ Ngoại giao ngày 16/8 đã phản đối việc tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc quay trở lại khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

"Việt Nam đã giao thiệp với Trung Quốc, phản đối việc Trung Quốc tái diễn vi phạm nghiêm trọng, yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ nhóm tàu nói trên ra khỏi vùng biển của Việt Nam, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán, các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và luật pháp quốc tế", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói.

Vy Xuân

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/hoi-luat-quoc-te-vn-gui-thu-len-an-hanh-dong-tau-hd-8-o-bien-dong-post983848.html