Hỏi-đáp pháp luật: Pháp luật quy định như thế nào về quỹ phòng thủ dân sự?

* Bạn đọc Trần Thanh Vân ở xã Thanh An, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết pháp luật quy định như thế nào về quỹ phòng thủ dân sự?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 40 Luật Phòng thủ dân sự. Cụ thể như sau:

1. Quỹ phòng thủ dân sự là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, được thành lập ở Trung ương và cấp tỉnh để huy động nguồn lực xã hội hỗ trợ hoạt động phòng thủ dân sự. Quỹ phòng thủ dân sự được ưu tiên thực hiện các hoạt động sau đây:

a) Cứu trợ khẩn cấp về lương thực, nước uống, thuốc chữa bệnh và các nhu yếu phẩm thiết yếu khác cho đối tượng bị thiệt hại do sự cố, thảm họa gây ra;

b) Hỗ trợ tu sửa, làm nhà ở, cơ sở y tế, trường học tại địa điểm bị ảnh hưởng do sự cố, thảm họa gây ra.

2. Quỹ phòng thủ dân sự được hình thành từ các nguồn tài chính sau đây:

a) Đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước;

b) Nguồn điều tiết từ các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách có liên quan đến hoạt động ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa.

3. Nguyên tắc hoạt động của quỹ phòng thủ dân sự được quy định như sau:

a) Không vì mục đích lợi nhuận;

b) Quản lý, sử dụng đúng mục đích, đúng pháp luật, kịp thời, hiệu quả, bảo đảm công khai, minh bạch;

c) Hỗ trợ cho các hoạt động phòng thủ dân sự mà ngân sách nhà nước chưa đầu tư hoặc chưa đáp ứng yêu cầu;

d) Việc điều tiết giữa quỹ phòng thủ dân sự và các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách có liên quan đến hoạt động ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa được thực hiện trong trường hợp cấp bách.

4. Chính phủ quy định chi tiết việc thành lập, quản lý, sử dụng quỹ phòng thủ dân sự; việc điều tiết giữa quỹ phòng thủ dân sự và các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách có liên quan đến hoạt động ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa.

* Bạn đọc Đào Hồng Hạnh ở xã Đạo Viện, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang, hỏi: Căn cứ khởi tố vụ án hình sự được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 143 Văn bản hợp nhất Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2021. Cụ thể, chỉ được khởi tố vụ án khi đã xác định có dấu hiệu tội phạm. Việc xác định dấu hiệu tội phạm dựa trên những căn cứ:

1. Tố giác của cá nhân;

2. Tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân;

3. Tin báo trên phương tiện thông tin đại chúng;

4. Kiến nghị khởi tố của cơ quan nhà nước;

5. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm;

6. Người phạm tội tự thú.

QĐND

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/hoi-dap-phap-luat-phap-luat-quy-dinh-nhu-the-nao-ve-quy-phong-thu-dan-su-794148