Học sinh khám phá công trường Metro Bến Thành-Suối Tiên

Ngày 25/11, Ban Quản lý Đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Công ty Tokyo Metro Việt Nam và Nhà thầu Shimizu Meada tổ chức sự kiện đọc sách Ehon: 'Đường hầm tàu điện ngầm được xây dựng như thế nào?'.

Đoàn tham quan tìm hiểu về nhà ga Ba Son thuộc tuyến metro Bến Thành-Suối Tiên.

Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ chuỗi hoạt động chào mừng kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản (1973-2023), với mục tiêu giới thiệu quá trình xây dựng đường hầm tàu điện ngầm số 1 Thành phố Hồ Chí Minh (tuyến Bến Thành-Suối Tiên), một trong những biểu tượng của quan hệ hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản.

Các em học sinh nhiều lứa tuổi được tham quan, xem hình ảnh thực tế từ công trình.

Tại sự kiện, 30 học sinh lớp 5 đến từ các trường tiểu học trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh được tham quan xưởng đóng tàu, nhà ga Ba Son; nghe đọc truyện “Đường hầm tàu điện ngầm được xây dựng như thế nào?” và tham gia giao lưu với Ban Quản lý, Ban Đầu tư, Giám đốc Dự án trong không khí rất thú vị và sôi nổi.

Phát biểu tại buổi đọc sách, bà Vũ Minh Huyền, Phó Trưởng Ban Quản lý Đường sắt đô thị thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tính đến nay, lũy kế khối lượng của toàn dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 đã đạt khoảng 96,74%. Năm 2024, thành phố sẽ tiến hành đưa tuyến Metro số 1 vào vận hành khai thác. Dự án này huy động bình quân 1.500 chuyên gia, kỹ sư, công nhân Nhật Bản và Việt Nam.

Trẻ em đọc sách, cùng nhau khám phá và trải nghiệm công trình Metro Bến Thành-Suối Tiên

Tuyến tàu với tổng chiều dài 19,7km, bắt đầu hành trình đi qua địa bàn các quận: 1, Bình Thạnh, thành phố Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh) và huyện Dĩ An (Bình Dương) với đoạn đi ngầm dài 2,6km, đoạn đi trên cao dài 17,1km với 14 nhà ga gồm: 3 nhà ga ngầm, 11 ga trên cao và 1 khu vực neo đỗ, bảo trì, sửa chữa tàu rộng 20,56ha.

Ông Lê Thành Lê, Quyền Giám đốc Dự án, Liên danh Shimizu-Maeda chia sẻ: Phương pháp đào hở và phương pháp khiên đào là hai “chiến thuật” quan trọng trong quá trình xây dựng đường hầm tàu điện ngầm mà thành phố áp dụng. Bên cạnh đó, Việt Nam còn sử dụng robot đào hầm để hỗ trợ các hoạt động trên công trường.

“Tôi mong rằng buổi đọc sách thú vị này sẽ tạo cơ hội để các em hiểu thêm về loại hình phương tiện giao thông công cộng hiện đại, thân thiện, dễ tiếp cận. Góp phần hình thành thói quen sử dụng phương tiện giao thông công cộng của trẻ em thành phố trong tương lai”, ông Lê cho biết thêm.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/hoc-sinh-kham-pha-cong-truong-metro-ben-thanh-suoi-tien-post784449.html