Học sinh châu Phi bỏ học vì chi phí cao
Châu Phi ghi nhận tình trạng học sinh phổ thông bỏ học cao nhất thế giới do các gia đình không đủ khả năng chi trả học phí.
Điều này có nguy cơ dẫn đến một thế hệ “trắng” kiến thức và tiếp diễn tình trạng đói nghèo tại “lục địa đen”.
Em Shalom Mirembe bị đuổi khỏi trường vào tháng trước vì chưa đóng học phí còn cha em nằm hấp hối trong bệnh viện. Các viên chức nhà trường liên tục gọi điện và yêu cầu thanh toán khiến cả gia đình rơi vào tình thái khốn đốn.
Mẹ của Mirembe, một người bán giày phải nuôi 4 đứa con và người chồng bệnh tật, chia sẻ: “Hàng ngày, tôi phải đấu tranh để trả những khoản học phí được thông báo đột ngột và đảm bảo rằng tất cả các con đều được đến trường. Những lời đe dọa và nhắc nhở liên tục từ nhà trường khiến tôi bất lực”.
Một gia đình gần đó có 7 đứa trẻ cũng đã bỏ học trong những năm gần đây vì bố mẹ không đủ khả năng trả học phí. Người cha chia sẻ: “Việc đóng học phí giống như một căn bệnh nan y. Nó không thể nào chữa khỏi khi chúng tôi phải chi trả hơn 200 USD mỗi học kỳ và chấp nhận việc thiếu thức ăn”.
Đây cũng là vấn đề đau đầu đối với nhiều gia đình tại vùng cận Sahara châu Phi, nơi mà việc thiếu vài trăm USD có thể quyết định tương lai của một đứa trẻ. Ngân hàng Thế giới đánh giá 54% người lớn ở châu Phi xếp hạng học phí chiếm tỷ lệ cao hơn hóa đơn y tế và các chi phí khác trong mức chi tiêu của họ. Vì vậy, khu vực này từ lâu đã có tỷ lệ bỏ học cao nhất thế giới.
Nguyên nhân khác là do việc tăng học phí không lường trước với những khoản thu chi “đáng ngờ”. Cụ thể, Uganda, Đông Phi có chương trình miễn học phí nhưng phụ huynh phải trả các khoản tiền lớn cho đồng phục, sách giáo khoa và các trang thiết bị giáo dục.
Tại Uganda, các trường tư thục đang mọc lên như nấm nhằm giải quyết nhu cầu đi học tại đất nước này. Tuy nhiên, các trường này coi lợi nhuận của giáo dục như một doanh nghiệp kinh doanh và không chuẩn hóa các quy định về học phí.
Một số chuyên gia, bao gồm Chủ tịch Quốc hội Uganda, đã kêu gọi ban hành quy định để bảo vệ cha mẹ khỏi vấn nạn bóc lột. Theo các chuyên gia giáo dục, học phí cho các trường tư thục nên “mang tính hành chính và được điều chỉnh theo môi trường kinh doanh”. Một số khoản phí như “phát triển vốn” không nên quy là trách nhiệm của phụ huynh.
Trong bối cảnh trên, nhiều ngôi trường vẫn nỗ lực hỗ trợ học sinh nghèo thông qua chính sách thu học phí “mở”. Bà Joanita Seguya - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học Wampewo Ntakke, cho biết: “Trường chúng tôi có hơn 2,1 nghìn học sinh, trong đó, khoảng 400 em đến từ các gia đình lao động nghèo. Để hỗ trợ một số phụ huynh, trường chấp nhận các khoản thanh toán bằng hiện vật như rau và trái cây”.
Để giải quyết tận gốc vấn nạn bỏ học cao do học phí, chính phủ các quốc gia châu Phi cần đưa ra những biện pháp khẩn trương và tức thời nhằm kiểm soát học phí trường học và hỗ trợ gia đình nghèo. Nếu không, tương lai của hàng triệu trẻ em châu Phi sẽ tiếp tục “mù mờ” vì thất học.
Bà Joanita Seguya - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học Wampewo Ntakke, cho biết: “Nhiều phụ huynh cho con em đến trường mà không trả bất kỳ khoản phí nào, mong chờ vào lòng thương xót của thầy cô. Tuy nhiên, các trường hiện tại đều triển khai theo dõi thanh toán qua thẻ và kiểm soát nợ rõ ràng, nhiều học sinh có thể bị từ chối nhập học nếu nợ cao”.
Theo Yahoo! News
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/hoc-sinh-chau-phi-bo-hoc-vi-chi-phi-cao-post711974.html