Học kỳ quân đội giúp trẻ tìm lại chính mình

Giữa thời đại số, nhiều trẻ em đối mặt với tình trạng 'nghiện màn hình' đáng lo ngại.

Qua từng hoạt động, trẻ không chỉ mạnh mẽ về thể chất mà còn vững vàng hơn về tâm lý. Ảnh: Nhà Thiếu nhi Bình Dương

Qua từng hoạt động, trẻ không chỉ mạnh mẽ về thể chất mà còn vững vàng hơn về tâm lý. Ảnh: Nhà Thiếu nhi Bình Dương

Các chương trình học kỳ quân đội được xem là giải pháp hiệu quả, giúp các em “cai nghiện số” lành mạnh, góp phần phát triển toàn diện.

Những đứa trẻ “ngủ cùng màn hình”

Tình trạng “nghiện màn hình” đang để lại những hậu quả đáng lo: Mất ngủ, kém tập trung, lệch nhịp sinh học, giảm khả năng giao tiếp và gia tăng lo âu xã hội. Nhiều em nhỏ thậm chí mất hứng thú với các hoạt động thể chất, ngại tiếp xúc với môi trường thật.

Chị Nguyễn Thị Thảo (Tân Sơn Nhất, TPHCM) chia sẻ: “Con trai tôi mới 10 tuổi mà cứ có thời gian rảnh là dán mắt vào điện thoại, không chịu tập thể thao, ăn uống sinh hoạt với giờ giấc thất thường. Tôi la thì con cáu, bỏ ăn, thậm chí đập vỡ cả điện thoại. Gia đình rất hoang mang tìm giải pháp”.

Trường hợp như con nhà chị Thảo không phải là cá biệt. Những chiếc điện thoại thông minh, máy tính bảng, mạng xã hội hay các trò chơi trực tuyến đã trở thành vật bất ly thân, đặc biệt với trẻ em và thanh thiếu niên. Dù phục vụ cả nhu cầu học tập lẫn giải trí, việc sử dụng thiết bị điện tử một cách quá mức khiến nhiều em dần lệ thuộc, xa rời thế giới thực. Hệ quả là sự suy giảm khả năng giao tiếp, lối sống thụ động và thiếu hụt kỹ năng mềm - những yếu tố thiết yếu để phát triển toàn diện.

Trước thực trạng này, ThS.BSCKII Lê Hoàng Ngọc Trâm (Bệnh viện FV, Phòng khám Hyppo Clinic, TPHCM) nhận định: “Tình trạng ‘nghiện màn hình’ ở trẻ hiện nay không còn là cảnh báo mang tính lý thuyết. Việc trẻ sử dụng thiết bị điện tử trung bình từ 5 đến 8 tiếng mỗi ngày khiến nhịp sinh học của não bộ bị xáo trộn, kéo theo mất ngủ, suy giảm tập trung và rối loạn cảm xúc”.

Theo bác sĩ Trâm, khi trẻ tiếp xúc với môi trường số quá sớm và quá thường xuyên, não bộ liên tục bị kích thích bởi hình ảnh, âm thanh và luồng thông tin nhanh, dẫn đến hiện tượng quá tải nhận thức. Trẻ dần trở nên lệ thuộc vào cảm giác thỏa mãn tức thì từ các nền tảng như YouTube, TikTok hay game online, nhưng lại đánh mất khả năng kiên trì, tương tác xã hội trực tiếp và xử lý tình huống ngoài đời thực.

“Đây không chỉ là vấn đề giáo dục hay kỷ luật đơn thuần, mà đã chạm đến ngưỡng cần có sự can thiệp từ góc độ sức khỏe tâm thần trẻ em, giải pháp không nằm ở việc cấm đoán tuyệt đối, mà là tạo môi trường thay thế lành mạnh, có tính tương tác thật, giúp trẻ tái kết nối với chính mình và thế giới xung quanh một cách tự nhiên”, BS Trâm nhấn mạnh.

 Không chỉ học kỹ năng sống, các em còn học cách tự lập và tự chăm sóc bản thân trong học kỳ quân đội. Ảnh: Nhà Thiếu nhi TPHCM

Không chỉ học kỹ năng sống, các em còn học cách tự lập và tự chăm sóc bản thân trong học kỳ quân đội. Ảnh: Nhà Thiếu nhi TPHCM

Mô hình “cai nghiện số” lành mạnh

Trước làn sóng công nghệ ngày càng chi phối cuộc sống, đặc biệt ở trẻ em, nhiều phụ huynh đã tìm đến các chương trình sinh hoạt tập thể như học kỳ quân đội như một hình thức trải nghiệm mùa Hè nhằm tạm thời ngắt kết nối số và giúp trẻ rèn luyện kỹ năng sống cơ bản.

Thầy Trần Huy Bằng, Chủ nhiệm trại hè tại Nhà Thiếu nhi Bình Dương (TPHCM - có hơn 10 năm kinh nghiệm trong huấn luyện kỹ năng sống) cho biết các chương trình như học kỳ quân đội không nhằm mục tiêu rèn luyện khắc nghiệt, mà tập trung xây dựng môi trường sinh hoạt có tổ chức, qua đó giúp học sinh rèn luyện thói quen tự giác, học cách chia sẻ và sống tập thể.

Thông thường, mỗi khóa kéo dài từ 7 đến 10 ngày, kết hợp nhiều nội dung như huấn luyện quân sự cơ bản. Không đơn thuần là hoạt động thể chất, mỗi khóa học kỳ quân đội kéo dài từ 7 đến 10 ngày được thiết kế với hệ thống chương trình toàn diện.

Ban ngày, các em trải qua những buổi huấn luyện quân sự cơ bản như xếp hàng, gấp chăn màn, hành quân và thể dục buổi sáng - giúp hình thành nền nếp, rèn ý chí. Xen kẽ là các buổi học kỹ năng sống thực hành như sơ cứu vết thương, làm việc nhóm, xử lý tình huống, phản biện tích cực. Buổi tối là thời gian của sinh hoạt cảm xúc, qua các hoạt động tập thể, trò chơi trí tuệ, viết thư tay, vòng tròn chia sẻ, nơi các em lần đầu dám nói thật lòng mình.

 Từ ánh mắt ngại ngùng ban đầu đến sự tự tin khi chia sẻ, nhiều em đã trưởng thành rõ rệt qua từng ngày trải nghiệm. Ảnh: Nhà Thiếu nhi TPHCM

Từ ánh mắt ngại ngùng ban đầu đến sự tự tin khi chia sẻ, nhiều em đã trưởng thành rõ rệt qua từng ngày trải nghiệm. Ảnh: Nhà Thiếu nhi TPHCM

Điểm đặc biệt làm nên “chất riêng” của học kỳ quân đội chính là việc loại bỏ hoàn toàn thiết bị điện tử. Trong suốt thời gian tham gia, trẻ không được sử dụng điện thoại, máy tính bảng hay truy cập mạng xã hội. Thay vì dán mắt vào màn hình, các em được vận động liên tục, tham gia các hoạt động chân thực, kết nối bằng giao tiếp trực tiếp và học cách sống tập thể - một kỹ năng mà thế hệ “trẻ công nghệ” đang ngày càng thiếu hụt.

Đặc biệt hơn, các em được khuyến khích viết thư tay gửi đến cha mẹ hoặc thầy cô, một hình thức bày tỏ cảm xúc ít khi được thực hiện trong cuộc sống thường ngày.

Theo chia sẻ của thầy Bằng, nhiều em lần đầu dám nói lời xin lỗi hoặc cảm ơn với người thân, một số thậm chí đã bật khóc khi đọc thư hồi âm từ gia đình. “Chúng tôi không xem đây là nơi huấn luyện khắc nghiệt. Học kỳ quân đội giống như một khoảng ngắt nhịp, để các em sống chậm lại, lắng nghe chính mình, học cách gắn kết với người khác bằng trái tim thật”, thầy Bằng chia sẻ.

Theo ThS.BSCKI Lê Hoàng Ngọc Trâm, việc tạm rời khỏi thiết bị điện tử trong một khoảng thời gian ngắn nhưng đủ sâu, như khi tham gia các chương trình sinh hoạt tập thể, có thể mang lại nhiều tác động tích cực cho sức khỏe tâm lý của trẻ em.

“Khi trẻ được vận động thể chất đều đặn và tương tác xã hội trong môi trường không có áp lực cạnh tranh, cơ thể sẽ gia tăng tiết các chất dẫn truyền thần kinh tích cực như dopamine (gây cảm giác vui vẻ), serotonin (giúp ổn định tâm trạng) và oxytocin (tăng cảm giác kết nối xã hội). Đây là những yếu tố sinh học nền tảng giúp trẻ cảm thấy an toàn, được công nhận và có động lực để thay đổi hành vi theo hướng tích cực”, BS Trâm lý giải.

Phụ huynh cũng cần cẩn trọng khi lựa chọn chương trình học kỳ quân đội cho con. Trong những năm gần đây, một số đơn vị tổ chức thiếu chuyên môn, thiếu đội ngũ hướng dẫn được đào tạo bài bản đã khiến không ít phụ huynh rơi vào tình cảnh tiền mất mà con lại không được trải nghiệm đúng mục tiêu. Có nơi còn giả mạo danh nghĩa các tổ chức uy tín để lôi kéo phụ huynh đăng ký.

Các chuyên gia khuyến cáo, trước khi quyết định cho con tham gia, phụ huynh nên tìm hiểu kỹ về đơn vị tổ chức, giấy phép hoạt động, thành phần ban huấn luyện, nội dung chương trình cũng như điều kiện y tế, an toàn. Những chương trình uy tín thường được tổ chức tại các cơ sở giáo dục công lập, nhà thiếu nhi, trung tâm thanh thiếu niên cấp tỉnh hoặc đơn vị được cấp phép rõ ràng.

Hương Phú

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/hoc-ky-quan-doi-giup-tre-tim-lai-chinh-minh-post738851.html