Học giả Nga: Đội ngũ lãnh đạo mới của Việt Nam vừa kế thừa, vừa phát triển
'Tôi cho rằng, đội ngũ lãnh đạo mới của Việt Nam là những cán bộ có năng lực rất tốt, thành phần vừa có sự kế thừa, ổn định, vừa đảm bảo tính phát triển'.
Việt Nam đã hoàn thành việc bầu các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước. Nhân dịp này, PV VOV tại LB Nga đã phỏng vấn Tiến sỹ Evgeny Kobelev - chuyên gia nghiên cứu khoa học cao cấp của Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN – Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Nga về sự thành công trong công tác nhân sự của Việt Nam.
PV: Xin chào Tiến sỹ Evgeny Kobelev, vừa qua, Việt Nam đã kiện toàn các chức danh lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, là chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam, ông nhìn nhận thế nào về sự kiện này?
TS. Evgeny Kobelev: Tôi cho rằng, đội ngũ lãnh đạo mới của Việt Nam là những cán bộ có năng lực rất tốt, thành phần vừa có sự kế thừa, ổn định, vừa đảm bảo tính phát triển, bao gồm cả những lãnh đạo quen thuộc với người Nga như Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Bên cạnh đó, có những lãnh đạo mới như Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Cần lưu ý rằng, ban lãnh đạo mới của Đảng và Nhà nước Việt Nam đều đã nhận được đa số phiếu trong cuộc bầu cử vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Tất cả đều có nhiều kinh nghiệm trong các vị trí lãnh đạo và có uy tín cao trong tổ chức Đảng và chính quyền.
Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nguyễn Phú Trọng nhận được sự tín nhiệm lớn trong Đảng và tiếp tục được bầu làm Tổng Bí thư với 100% số phiếu ủng hộ. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lãnh đạo có hiệu quả cuộc chiến chống tham nhũng trong 5 năm qua. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc củng cố an ninh quốc gia và xây dựng Chủ nghĩa xã hội của đất nước.
Ông Nguyễn Xuân Phúc với tư cách là Thủ tướng Chính phủ đã đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển, củng cố vị thế quốc tế của Việt Nam. Năm 2020, Việt Nam trở thành một trong 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và là nền kinh tế lớn thứ 4 trong số các nước ASEAN. GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã đạt con số ấn tượng là 3.500 USD. Việt Nam cũng là một trong 10 nền kinh tế phát triển nhanh nhất. Ông Nguyễn Xuân Phúc đã có những đóng góp quan trọng trong việc phát triển và làm sâu sắc hơn quan hệ chính trị-ngoại giao, kinh tế-thương mại giữa Việt Nam và Liên bang Nga.
Trong khi đó, ông Phạm Minh Chính và ông Vương Đình Huệ là những nhân tố mới, song tôi tin tưởng rằng, đây là những lãnh đạo ưu tú và sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới.
PV: Cá nhân ông có cảm nhận như thế nào về Thủ tướng Phạm Minh Chính trong việc thực hiện những chính sách lớn của đất nước?
TS. Evgeny Kobelev: Theo cảm nhận của cá nhân tôi, ông Phạm Minh Chính là người có tầm nhìn chiến lược, quyết đoán, tinh thần đổi mới quyết liệt. Những phẩm chất này được thể hiện rõ qua những thành tựu khi ông Phạm Minh Chính được phân công làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh và Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.
Kế thừa và phát triển những thành tựu của người tiền nhiệm, tôi tin tưởng rằng, Chính phủ Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ quyết tâm thực hiện được các mục tiêu phát triển kinh tế được Đại hội Đảng thông qua, trong đó, trọng tâm là Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 với các mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; có thể chế quản lý hiện đại, cạnh tranh, hiệu lực, hiệu quả; kinh tế phát triển năng động, nhanh và bền vững, độc lập, tự chủ trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với nâng cao hiệu quả trong hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy sức sáng tạo, ý chí và sức mạnh toàn dân tộc, xây dựng xã hội phồn vinh, dân chủ, công bằng, văn minh, trật tự, kỷ cương, an toàn, bảo đảm cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân; không ngừng nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Đại hội XIII vừa qua đã tổng kết những thành tựu quan trọng của Việt Nam trong phát triển đất nước, đồng thời đặt ra những nhiệm vụ to lớn cho Đảng và nhân dân trong những năm tới; trong đó phấn đấu đến năm 2045, đưa Việt Nam trở thành nước nước phát triển, thu nhập cao. Chúng tôi tin tưởng rằng, với tốc độ tăng trưởng kinh tế rất cao mà Việt Nam đã đạt trong hơn hai thập kỷ qua thì nhiệm vụ này là rất khả thi.
PV: Vậy đâu là những thách thức, khó khăn đối với Chính phủ trong thời gian tới?
TS. Evgeny Kobelev: Tôi cho rằng, những biến động ở khu vực và thế giới sẽ đặt ra những nhiệm vụ khó khăn đối với tập thể lãnh đạo của Đảng và Nhà nước Việt Nam cả về chính sách đối nội và đối ngoại. Tất nhiên, Việt Nam cần tiếp tục duy trì đường lối, chính sách phát triển hiệu quả đã đạt được trước đây. Việc duy trì sự ổn định này sẽ giúp xây dựng niềm tin của các nhà đầu tư, của người dân và cộng đồng quốc tế.
Để hoàn thành các nhiệm vụ mà Đại hội XIII đề ra, theo tôi, ban lãnh đạo Việt Nam, trước hết là Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ phải đương đầu với hai thách thức. Thứ nhất là cuộc đấu tranh, phòng chống tham nhũng, lãng phí. Hiện nay, nhờ các biện pháp quyết liệt đã được thực hiện như cấm các quan chức tham nhũng đi ra nước ngoài và tịch thu tài sản của họ, vấn nạn tham nhũng rõ ràng đang có xu hướng giảm. Thủ tướng mới cần phải tiếp tục cuộc chiến này. Thứ hai, tiếp tục tăng cường hơn nữa vị thế quốc tế của Việt Nam và duy trì bầu không khí hòa bình, ổn định, tạo điều kiện cho chính sách đối ngoại cần thiết, cũng như thực hiện các mục tiêu đầy tham vọng mà Đại hội đã đề ra.
PV: Việt Nam và LB Nga có quan hệ truyền thống hữu nghị được xây dựng, củng cố và phát triển không ngừng. Ông kỳ vọng điều gì về triển vọng quan hệ Nga-Việt trong thời gian tới?
TS. Evgeny Kobelev: Năm 2021, đánh dấu 20 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược giữa Nga và Việt Nam. Cần nhấn mạnh rằng, Nga là quốc gia đầu tiên mà Việt Nam thiết lập quan hệ theo một định dạng mới. Đồng thời, đối với Nga, Việt Nam là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á mà Nga đã thiết lập và đang phát triển quan hệ Đối tác chiến lược. Năm 2020, nhân dân hai nước đã kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Về mặt địa lý, Việt Nam là nước khá gần gũi với vùng Viễn Đông của Nga. Khu vực này được Tổng thống Putin xác định là một trong những hướng ưu tiên hàng đầu của Nga trong thế kỷ XXI.
Trong chính sách đối ngoại của Nga nhằm đảm bảo hòa bình, an ninh và củng cố vị thế của Nga ở các khu vực Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương, việc làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam là một trong những lĩnh vực then chốt. Cách tiếp cận này có tính chất cơ bản, lâu dài và chắc chắn sẽ quyết định bản chất, phương hướng, quy mô của quan hệ Nga-Việt trong tương lai.
Quan hệ giữa Việt Nam và Liên bang Nga là một ví dụ sinh động về tình hữu nghị bền chặt, được thử thách qua thời gian và không ngừng phát triển. Tôi cho rằng, lãnh đạo Việt Nam và Liên bang Nga sẽ tiếp tục phát triển hiệu quả mối quan hệ đối tác chiến lược và duy trì các cuộc tiếp xúc chính trị tích cực, cũng như phối hợp chặt chẽ trong khuôn khổ các tổ chức đa phương trong không gian khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!