Hoạt động khởi động trong giờ Ngữ Văn THPT

Nhiệm vụ của hoạt động khởi động không chỉ khơi gợi hứng thú đối với bài học mà còn khơi dậy niềm đam mê, bồi đắp tình yêu lâu bền đối với môn học.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Sự cần thiết của của khởi động

Tôi đã từng được nghe ai đó nói rằng:

“Người thầy trung bình chỉ biết nói

Người thầy giỏi biết giải thích

Người thầy xuất chúng biết minh họa

Người thầy vĩ đại biết cách truyền cảm hứng”

Quả thực việc truyền cảm hứng (gây hứng thú) học tập cho học sinh là điều cực kì quan trọng và cần thiết. Đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực của học sinh là một yêu cầu cấp thiết đang đặt ra với nền giáo dục nước nhà.

Nhiều thầy cô giáo đã rất có ý thức bồi dưỡng, nâng cao đổi mới phương pháp dạy học tuy nhiên phần lớn các thầy cô giáo đều hướng đến việc đổi mới trong hoạt động hình thành kiến thức là chủ yếu, chưa quan tâm đúng mức tới hoạt động khởi động cũng như vai trò của khởi động trong việc định hướng tiết dạy, tạo tâm lý tích cực cho học sinh.

Qua thực tế đứng lớp, tôi nhận thấy hoạt động khởi động có ảnh hưởng lớn đến toàn bộ tiến trình tiết dạy, đến việc chủ động sẵn sàng tiếp nhận và thực hiện nhiệm vụ học tập của học sinh. Nhiệm vụ của hoạt động khởi động không những là khơi gợi hứng thú đối với bài học mà hơn thế còn là khơi dậy niềm đam mê, gây dựng, bồi đắp tình yêu lâu bền đối với môn học. Dạy học trò không có hứng thú cũng chỉ như “đập búa trên sắt nguội” mà thôi.

Bởi vậy, bài toán đặt ra là: người thầy cần làm thế nào để tạo hứng thú cho học sinh, lôi cuốn học sinh vào bài học? Người thầy phải làm gì để “thắp lửa đam mê”? Nhất là đối với môn học Ngữ văn, chỉ có niềm đam mê mới đưa các em khám phá đến tận cùng vẻ đẹp của những tác phẩm văn chương.

Một tiết học được coi là một hoạt động tổng thể diễn ra trong thời gian 45 phút đối với bậc Trung Học; bao gồm 5 hoạt động cơ bản:

- Hoạt động khởi động

- Hoạt động hình thành kiến thức

- Hoạt động luyện tập/ củng cố.

- Hoạt động vận dụng, mở rộng.

- Hoạt động hướng dẫn tự học.

Trong đó hoạt động khởi động có nhiệm vụ khơi gợi, kích thích học trò mong muốn được tìm hiểu, khám phá bằng những hoạt động tiếp theo trong giờ học, thậm chí là sau giờ học. Muốn như vậy, hoạt động khởi động cần tạo ra mâu thuẫn trong nhận thức cho học trò.

Đây là tiền đề để thực hiện một loạt các hoạt động hình thành kiến thức, tìm tòi, giải quyết vấn đề. Và tất nhiên giáo viên phải là người có ý tưởng, phải thật khéo léo gợi mở vấn đề của bài học, kích thích trí tò mò và tạo hứng thú cho các em học sinh.

Hiện nay, việc thực hiện tiết dạy của giáo viên vẫn còn theo hình thức cũ: nặng về lý thuyết, thiếu đi tính hấp dẫn, lôi cuốn học sinh ngay từ hoạt động vào bài; giáo viên còn xem nhẹ việc dẫn dắt vào bài mà chủ yếu dành thời gian cho việc tìm hiểu kiến thức mới dẫn đến tiết học khô khan, học sinh thụ động trong việc tiếp thu kiến thức.Trong phương pháp dạy học truyền thống, chúng ta thường thấy những lời vào bài mượt mà, trơn tru với câu từ bay bổng, trau chuốt của giáo viên.

Để có được lời vào bài đầy tính nghệ thuật như vậy đòi hỏi giáo viên phải có sự am hiểu sâu sắc tác giả, tác phẩm, nội dung bài học cùng những vấn đề có liên quan rồi chuyển hóa thành câu từ kết hợp với giọng đọc hay nói diễn cảm, thuyết phục.

Tuy nhiên, lời vào bài có hay đến đâu cũng chỉ là hoạt động khởi động cho giáo viên là chủ yếu. Bởi học sinh vẫn đóng vai trò thụ động lắng nghe, được “ru vỗ” bằng những lời có cánh. Còn cảm xúc, hứng thú chỉ là sự “lây lan” từ giáo viên sang học sinh chứ không phải được khơi dậy, hình thành từ sự hoạt động của học sinh.

Thực tế còn cho thấy hầu hết giáo viên khi thiết kế kế hoạch dạy học thường chỉ làm theo hình thức giới thiệu qua một chút để vào bài, tâm lý giáo viên còn nặng về truyền thụ kiến thức bài học mới, còn sợ dành nhiều thời gian cho hoạt động khởi động có thể bị “cháy giáo án” hoặc không đủ thời gian dành cho việc khai thác kiến thức mới.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin của giáo viên trong một số tình huống chưa tốt nên còn ngại trong việc đổi mới phương pháp dạy học và thiết kế giáo án theo hướng phát huy tính tích cực của học sinh trong hoạt động khởi động.

Hoạt động khởi động được tổ chức khi bắt đầu một bài học nhằm giúp học sinh huy động vốn kiến thức và kĩ năng đã có để chuẩn bị tiếp nhận kiến thức và kĩ năng mới.

Việc tiếp thu kiến thức mới bao giờ cũng dựa trên những kinh nghiệm đã có trước đó của người học, giúp giáo viên tìm hiểu xem học sinh có hiểu biết như thế nào về những vấn đề trong cuộc sống có liên quan đến nội dung của bài học; tạo hứng thú và một tâm thế tích cực để học sinh bước vào bài học mới.

Do vậy, khi thiết kế nhiệm vụ của hoạt động khởi động, giáo viên cần lưu ý các vấn đề sau:

* Tình huống/câu hỏi/bài tập nhằm huy động kiến thức/kĩ năng/kinh nghiệm sẵn có nào của học sinh? Học sinh đã học kiến thức/kĩ năng đó khi nào? Vận dụng kiến thức/kĩ năng/kinh nghiệm đã có đó thì học sinh có thể thực hiện nhiệm vụ đã nêu đến mức độ nào?

* Dự kiến các câu trả lời/sản phẩm mà học sinh có thể hoàn thành. Để hoàn thiện câu trả lời/sản phẩm học tập nói trên, học sinh cần vận dụng kiến thức/kĩ năng mới nào sẽ học ở phần tiếp theo trong hoạt động hình thành kiến thức? (Có thể không phải là toàn bộ kiến thức/kĩ năng mới trong bài).

*Câu hỏi, bài tập: trong mỗi bài học, hoạt động khởi động thường gồm 1-3 câu hỏi, bài tập với yêu cầu: quan sát tranh/ảnh để trao đổi về một vấn đề liên quan đến bài học; câu hỏi, bài tập vừa ôn lại kiến thức đã học vừa kết nối với bài mới. Thi đọc, ngâm thơ, kể chuyện, hát…: một số hoạt động yêu cầu học sinh đọc diễn cảm, ngâm thơ, kể chuyện hoặc hát về chủ đề liên quan đến bài học.

Các hoạt động này trong một số trường hợp được thiết kế thành các cuộc thi, nhằm tạo ra không khí sôi nổi, hứng thú trước khi tiến hành học bài mới. Trò chơi: một số trò chơi trong hoạt động khởi động giúp tạo ra hứng thú trước khi vào bài học mới. Các trò chơi này cũng có nội dung gắn với mỗi bài học.

*Các câu hỏi/bài tập ở hoạt động khởi động không nên mang nặng tính lí thuyết mà cần huy động những kinh nghiệm thực tiễn có liên quan đến nội dung bài học để tạo sự hứng thú và suy nghĩ tích cực cho người học. Nhiệm vụ đặt ra nên gần gũi với đời sống mà học sinh dễ cảm nhận và đã có ít nhiều những hiểu biết ban đầu về chúng, tạo điều kiện cho học sinh có thể huy động được kiến thức đã học để giải quyết, qua đó giúp học sinh phát hiện vấn đề, kết nối được với nhu cầu học bài mới để giải quyết vấn đề đã phát hiện.

Một số hình thức khởi động hiệu quả

Giáo viên sử dụng linh hoạt và hiệu quả một số hình thức khởi động sau:

Hoạt động khởi động bằng các câu hỏi hay bài tập tình huống

Tạo tình huống nghĩa là giúp các em tưởng tượng ra một tình huống cụ thể nào đó gần với nội dung bài học để các em trải nghiệm, tưởng tượng. Từ đó giáo viên dẫn dắt vào bài. Các câu hỏi trong phần khởi động có thể chỉ là một tình huống để cho học sinh phát hiện hay huy động vốn hiểu biết của mình để giải quyết tình huống ấy. Các vấn đề hay câu hỏi được đưa ra sẽ giúp học sinh phát triển tư duy, xâu chuỗi vấn đề một cách mạch lạc đồng thời tạo hứng thú cho học sinh vào tiết học mới để khám phá vấn đề còn đang bỏ ngỏ.

Hoạt động khởi động thông qua tổ chức các trò chơi

Trò chơi là hoạt động khởi động bài học được các học sinh thích thú tham gia. Vì vậy nó có khả năng lôi kéo sự chú ý và khơi dậy được hứng thú học tập. Rất nhiều trò chơi ngoài mục đích đó còn có thể ôn tập kiến thức cũ hoặc dẫn dắt các em vào hoạt động tìm kiếm tri thức mới một cách tự nhiên, nhẹ nhàng. Hoặc có những trò chơi giúp các em vận động tay chân khiến cho cơ thể tỉnh táo, giảm bớt những áp lực tâm lý do tiết học trước gây ra.

Giáo viên có thể vào bài mới qua việc tổ chức các trò chơi nhanh như: Đuổi hình bắt chữ, Giải ô chữ, Ngôi sao may mắn, Vòng quay kì diệu, Đừng để đèn tắt, Thi tài hiểu biết

Trong tiết học Ngữ văn các trò chơi thường được giáo viên tổ chức liên quan đến kiến thức của các tiết học trước như: học sinh sẽ được tái hiện kiến thức về tác giả, tác phẩm hay kiểm tra nhận thức của học sinh về những vấn đề liên quan đến bài học mới, làm tiền đề để giáo viên dẫn vào bài một cách hấp dẫn.

Trước khi chơi, GV cần chuẩn bị đồ dùng, phương tiện cần thiết, tạo hiệu ứng, hệ thống câu hỏi liên quan đến bài mới, dự kiến tình huống xảy ra và cách xử lí tình huống, kết quả đạt được qua trò chơi. Để có những trò chơi hấp dẫn, giáo viên phải sáng tạo không ngừng đồng thời khuyến khích các em tham gia nhiệt tình, chơi hết mình. Giáo viên có thể sử dụng linh hoạt, hiệu quả các bộ game (bộ trò chơi) đã được thiết kế sẵn.

*Trò chơi “Chiếc hộp may mắn”: Điểm đặc biệt của trò chơi này là ở tính bất ngờ cho học sinh. Giáo viên chuẩn bị một chiếc hộp nhỏ, trong đó có những mảnh giấy ghi các phần quà thú vị, đa dạng. Học sinh thực hiện tốt yêu cầu sẽ được nhận quà trong chiếc hộp. Cách thực hiện:

Cách 1: Giáo viên trình chiếu hệ thống câu hỏi trên máy chiếu. Quy ước trả lời đúng 4-5 câu sẽ được nhận 1 phần quà đặc biệt trong hộp bằng cách tự bốc.

Cách 2: Trong chiếc hộp sẽ là câu hỏi. Mỗi câu hỏi có ghi sẵn phần thưởng. *Trò chơi đuổi chữ

Đây là trò chơi vừa đòi hỏi học sinh có vốn từ vựng nhất định, vừa có sự nhanh nhẹn vận động thể lực, lại vừa đòi hỏi sự kết hợp ăn ý với các bạn cùng nhóm. Cách tổ chức: Chia lớp thành 2 đội chơi. Giáo viên sẽ cho chủ đề trước thích hợp cho bài dạy. Mỗi nhóm sẽ có một bạn lần lượt lên viết các từ theo nhóm đã được quy ước. Trong thời gian 2 phút, đội nào viết được nhiều từ sẽ chiến thắng.

Trò chơi “Đuổi hình bắt tác phẩm” Đây là trò chơi mang tính chất nhận diện. Nó phù hợp cho những tiết dạy học ôn tập hoặc những tiết dạy chủ đề. Trò chơi này có những ưu thế nhất định như: Có khả năng lôi kéo số đông học sinh tham gia, phát huy trí tưởng tượng của học sinh, rèn luyện khả năng phản ứng nhanh, trong thời gian ngắn có thể giúp học sinh nhớ lại những tác phẩm đã học.

Cách tổ chức:

Giáo viên chuẩn bị những bức hình khác nhau treo lên bảng (hoặc dùng máy chiếu). Mỗi hình có những điểm gợi ý. Học sinh nhìn vào hình để đoán tên tác phẩm. Ai đoán nhanh và đoán đúng sẽ có điểm.

Hoạt động khởi động thông qua tranh ảnh, video (ứng dụng công nghệ thông tin)

Sử dụng tranh ảnh, video… minh họa để dẫn vào bài là phương pháp dạy học khá phổ biến ở nhiều môn học. Giáo viên có thể vào bài bằng cách: cho học sinh quan sát tranh ảnh, xem một đoạn phim, tư liệu… có liên quan đến nội dung bài học. Câu hỏi có thể được đặt ra trước hoặc sau khi HS được quan sát. Với các kiểu câu hỏi như:

Các em quan sát lên máy chiếu, xem đoạn video sau và nêu cảm nhận của em về nội dung của đoạn phim?

Đoạn video sau gợi cho các em suy nghĩ gì về…?

Đây là hình thức khởi động nhẹ nhàng cho học sinh. Nó phù hợp với những giờ dạy đòi hỏi không khí sâu lắng. Hoặc cũng có thể vận dụng cho những giờ dạy học tác phẩm văn học. Việc đưa học sinh du lịch qua màn ảnh hay để các em chìm lắng vào trong những giai điệu âm nhạc thiết tha, trữ tình sẽ là một cách thú vị để các em thăng bằng cảm xúc, tạo những rung động thẩm mỹ và có những liên hệ vào bài mới thật sâu sắc. Điều quan trọng là sau khi cho học sinh xem tranh ảnh, video, giáo viên phải đưa ra những câu hỏi gợi mở liên quan đến bài học để dẫn vào bài.

Lưu ý khi tiến hành

Dạy học là một nghệ thuật, người dạy – giáo viên là những “kỹ sư tâm hồn”, sản phẩm tạo ra của quá trình dạy học là sản phẩm đặc biệt –con người (nhân cách). Nó không hề giống với bất kỳ một ngành nghề nào. Điều đó đặt ra những yêu cầu khắt khe đối với giáo viên.

Chúng ta không thể dạy ai làm bất cứ điều gì, chúng ta chỉ có thể giúp họ khám phá ra điều đó. Cho nên, nếu khơi dậy được sự hứng thú, say mê cho học sinh thì sẽ tạo ra động cơ học tập tích cực, giúp các em hăng say, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, trở ngại để đạt kết quả học tập tốt nhất, và từ đó người học sẽ tiếp nhận tri thức một cách chủ động và tự giác, không bị ép buộc.

Có thể nói hoạt động khởi động có vai trò trải nệm để dẫn dắt học sinh nhận thức bài học một cách hứng thú say mê. Đó là một khâu nhỏ, không nằm trong trọng tâm bài học nhưng lại ở vào vị trí đầu bài, có tác dụng đặt nền móng và gắn kết với các phần còn lại mà người dạy không thể bỏ qua.

Qua thực tiễn dạy học, có thể thấy rằng hoạt động khởi động có vai trò quan trọng trong giờ dạy học. Nhưng để hoạt động này có ý nghĩa thì giáo viên cần linh hoạt, nhạy bén trong cách tổ chức và thực hiện. Việc đa dạng hóa hoạt động khởi động là cần thiết để tạo nên sự hứng khởi trong tâm lí học sinh. Tuy nhiên, cũng không vì thế mà quá chú trọng, dành nhiều thời gian cho nó để biến giờ học thành giờ chơi vô vị.

Lê Duy Đông (giáo vên Văn- Trường THPT Cao Thắng, xã Sơn Tây, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/hoat-dong-khoi-dong-trong-gio-ngu-van-thpt-post683341.html